Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

7 nội dung của dự thảo Nghị định về việc người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thứ bẩy, 29-09-2017 | 10:13:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: 7 nội dung của dự thảo Nghị định về việc người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Công văn: 2360/PTM - VP, Ngày: 21/09/2017

Nội dung kiến nghị:

7 nội dung của dự thảo Nghị định về việc người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

  1. Về phần định nghĩa “đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản rất mong quý vị làm rõ cách giải thích để thống nhất câu từ với Luật bảo hiểm xã hội, cũng như đảm bảo tính toàn vẹn và phù hợp của các nội dung được nêu trong nghị định này với pháp luật.
  2. Về phạm vi loại trừ khỏi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, ① Vì đối với “Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” không thể phân biệt được trên giấy phép lao động, cho nên chúng tôi mong muốn sẽ nêu trong nghị định nội dung “Đánh giá và xác nhận bằng việc có hay không quyết định biệt phái từ nơi biệt phái”, đồng thời chúng tôi cũng mong muốn ② Người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở nước ngoài bao gồm Nhật Bản cũng sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
  3. Đối với chế độ bảo hiểm xã hội được áp dụng cho người lao động nước ngoài thì chỉ cần chi trả trợ cấp cho bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn trường hợp áp dụng “chế độ lương hưu, trợ cấp tử tuất” thì sẽ áp dụng sau khi ký kết thỏa thuận bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn rằng ngay cả sau khi ký kết thỏa thuận bảo hiểm xã hội thì người lao động “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” cũng sẽ không thuộc đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm xã hội của Việt Nam.
  4. Tương tự như trên, để phân biệt người lao động nước ngoài được áp dụng bảo hiểm y tế sẽ ghi rõ “Đánh giá và xác nhận bằng việc có hay không quyết định biệt phái từ nơi biệt phái”, và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn quý vị ban hành các văn bản chính thức như nghị định về việc nếu người lao động đang tham gia bảo hiểm y tế ở nước ngoài thì sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
  5. Về định nghĩa “Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”

Trong khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội có quy định “đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, tuy nhiên ở đây không bao gồm người lao động nước ngoài. Đối với người lao động nước ngoài, tại khoản 2 điều 2 luật này lại đang được ghi như sau “Người lao động nước ngoài được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của chính phủ”.

Ngoài ra, tại khoản 1 điều 2 dự thảo nghị định này có ghi “trong số những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam như sau, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp sau đây”. “Được tham gia” sử dụng trong Luật bảo hiểm xã hội, và “thuộc diện áp dụng” sử dụng tại bản dự thảo số 4 nghị định này, rõ ràng việc sử dụng các cụm từ là khác nhau, và nếu giải thích theo các ý nghĩa khác nhau thì chúng tôi cho rằng sẽ vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 80/2015/QH13).

Để duy trì tính thống nhất và nhất quán của luật và các nghị định, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng trong bản thảo nghị định này nên sử dụng cụm từ “được tham gia” giống như trong luật bảo hiểm xã hội, và cần đảm bảo tính toàn vẹn phù hợp giữa luật và các nghị định. Nói cách khác, khoản 1, điều 2 nên được quy định như sau:

“ Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp sau đây:
  2. Về phạm vi đối tượng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm.

Trong bản dự thảo số 4 nghị định này, tại mục a khoản 2 điều 2 bổ sung nội dung ghi rõ rằng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái) không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Chúng tôi đã được MOLISA giải thích rằng “Định nghĩa di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái) là theo nghị định số 11/2016/ND-CP”. Định nghĩa “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” có trong khoản 1 điều 3 nghị định này. Tuy nhiên, khi phân biệt “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” thì có các vấn đề như sau.

  • Trong giấy phép lao động không có cột ghi “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)”, do đó không thể phân biệt bằng giấy phép lao động được. Trong hồ sơ xin cấp giấy phép lao động có cột phân loại, nhưng ngay cả khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái) thì rất nhiều trường hợp nhận được hướng dẫn từ các cơ quan hành chính rằng đề nghị theo phần “a) Thực hiện hợp đồng lao động” chứ không phải là theo phần “b) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp” trong khoản 1 điều 2 nghị định số 11/ 2016/ND-CP.
  • Vấn đề về mặt thuế, nhiều trường hợp mặc dù là di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái) nhưng người lao động buộc phải ký hợp đồng lao động với công ty/tổ chức tại Việt Nam là công ty biệt phái/phái cử đến. Tức là không thể đánh giá được di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp nếu căn cứ việc có hay không có hợp đồng lao động.
  • Ngay cả khi nơi biệt phái (công ty/tổ chức tại Nhật Bản) và nơi biệt phái đến (công ty/ tổ chức của Việt Nam) không có quan hệ về mặt vốn, có nhiều trường hợp người lao động vẫn làm việc tại nơi biệt phái ở Nhật và được cử tới công ty tại Việt Nam làm việc. (Ví dụ: Người lao động được cử đi làm giáo viên trường học, hay cử tới công ty hợp tác). Ngoài ra, trường hợp người lao động có kinh nghiệm làm việc tại công ty/tổ chức ở Nhật Bản dưới 1 năm, được cử tới công ty/ tổ chức tại Việt Nam, sẽ không phù hợp với “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” được quy định tại Nghị định số 11. (Ví dụ: Trường hợp công ty/tổ chức tại Nhật tuyển dụng chuyên gia đã nghỉ việc tại công ty khác và đưa sang công ty trong tập đoàn của mình ở Việt Nam). Đối với các trường hợp này, người lao động sẽ ký kết hợp đồng lao động với cả bên Việt Nam và Nhật Bản, và có tham gia bảo hiểm xã hội tại Nhật. Tức là, ngay cả trường hợp không phù hợp với “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp” tại nghị định số 11 thì cũng có trường hợp người lao động đang bị bắt buộc đóng phí bảo hiểm xã hội hai lần. Đặc biệt, chúng tôi lo ngại về việc các chuyên gia hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam bị bắt buộc đóng phí hai lần.

Đối với tiêu chuẩn “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” khi cấp giấy phép lao động, và tiêu chuẩn trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, do mục đích khác nhau cho nên không bắt buộc phải giống nhau. Để giải quyết vấn đề trên, khi phân biệt “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)”, đánh giá và xác nhận bằng việc có hay không quyết định biệt phái đã được công chứng là hợp lý nhất.

Ngoài ra, ngay cả người được tuyển dụng tại Việt Nam thì cũng có thể đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Nhật, và ngay cả người Nhật được tuyển dụng vào làm việc ở công ty Việt Nam cũng có rất nhiều trường hợp đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyên tại Nhật. Trong trường hợp này người lao động sẽ bị đóng phí bảo hiểm xã hội hai lần. Vì thế, chúng tôi mong muốn các đối tượng này sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam để đây không trở thành lý do khiến những người nước ngoài ưu tú muốn hỗ trợ phát triển của Việt Nam do dự khi tới làm việc tại Việt Nam.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị Bộ LĐTBXH cân nhắc hai điểm nêu trên, và sửa câu văn dưới đây của khoản 2 điều 4 bản thảo số 4 nghị định này. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn quý vị phổ biến và thống nhất việc áp dụng tới các cơ quan hành chính có thẩm quyền.

 “2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này, cho dù có ký kết hợp đồng lao động tại Việt Nam hay không, nếu thuộc một trong số các trường hợp sau, thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

  1. a) Trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP, và các trường hợp khác mà người lao động được điều động từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài theo quyết định điều động của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
  2. b) Trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp có nhiều hợp đồng lao động tại Việt Nam. Riêng tham gia vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải đóng góp cho người lao động ở tất cả các hợp đồng lao động.
  3. c) Trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm cùng loại với bảo hiểm xã hội bắt buộc ở nước ngoài.”
  4. Chế độ áp dụng

Về loại bảo hiểm xã hội là đối tượng áp dụng, với người nước ngoài cư trú ngắn hạn tại Việt Nam thì không cần chế độ “lương hưu, trợ cấp tử tuất”,  mà tôi cho rằng chỉ cần áp dụng chi trả trợ cấp cho bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là hợp lý. Trường hợp áp dụng “chế độ lương hưu, trợ cấp tử tuất” thì sẽ áp dụng sau khi ký kết thỏa thuận bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, ngay cả sau khi đã ký kết thỏa thuận bảo hiểm xã hội, thì do người lao động “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại nước mình và đóng phí bảo hiểm xã hội, vì vậy chúng tôi mong muốn đối tượng này sẽ không thuộc đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm xã hội của Việt Nam.

  1. Ban hành văn bản chính thức về bảo hiểm y tế.

Ngay cả nội dung ghi tại điều 12 Luật bảo hiểm y tế (số 46/2014/QH13) cũng có vấn đề tương tự, và xảy ra tình trạng việc đánh giá người biệt phái/phái cử từ công ty/tổ chức nước ngoài có phải là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hay không sẽ là khác nhau tùy theo cơ quan hành chính có thẩm quyền hoặc cán bộ phụ trách hành chính.

Chúng tôi mong muốn quý vị ban hành văn bản chính thức ghi rõ nội dung “Người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc đối tượng của bảo hiểm y tế”, “Khi phân biệt di chuyển nội bộ (biệt phái), đánh giá và xác nhận bằng việc có hay không quyết định biệt phái đã được công chứng”, “Trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế cùng loại ở nước ngoài sẽ không thuộc đối tượng của bảo hiểm y tế tại Việt Nam”.


Đơn vị phản hồi: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)