Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Bãi bỏ phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản

Thứ năm, 07-06-2017 | 11:33:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Bãi bỏ phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Công văn: 0874/PTM-VP, Ngày: 20/04/2017

Nội dung kiến nghị:

Theo Báo cáo của Công ty kiểm toán quốc tế PWC nghiên cứu 22 nước có khai thác khoáng sản,  thì không tìm thấy nước nào thu 17 loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhiều như ở Việt Nam hiện nay. Mỗi tấn quặng khai thác phải chịu nhiều loại thuế, phí các khoản thu các loại bao gồm:

CÁC LOẠI THUẾ

CÁC LOẠI PHÍ VÀ

LỆ PHÍ

TIỀN NỘP NGÂN

SÁCH KHÁC

1. Thuế tài nguyên;

2. Thuế xuất khẩu;

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp;

4. Thuế giá trị gia tăng;

5. Thuế môn bài;

6. Tiền ký quỹ bảo vệ môi trường.

 

1. Phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản;

2. Hoàn trả phí điều tra, thăm dò khoáng sản;

3. Phí thẩm định trữ lượng khoáng sản;

4. Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

5. Phí bảo vệ môi trường;

6. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đối với cơ sở khai thác chế biến khoáng sản;

7. Phí thẩm định Thiết kế cơ sở mỏ và dự án đầu tư xây dựng mỏ khoáng sản;

1. Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản

2. Tiền Ký quỹ phục hồi môi trường;

3. Tiền Thuê sử dụng đất hoạt động khoáng sản;

4. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; (“Tiền cấp quyền”)

 

 - Về thuế:

  1. Theo bảng khung giá Bộ Tài chính lấy theo giá FOB là chưa phù hợp bản chất (vì giá gồm chi phí vận chuyển, thuế VAT, chi phí chế biến xuất khẩu, đóng gói, …). Mặt khác khai thác ra bán cho nhà máy trong nước dùng làm nguyên liệu sản xuất mà đánh giá FOB là không đúng mà phải trừ đi các chi phí thì mới ra Thuế tài nguyên.

Trong khung giá tính thuế bao gồm giá tối thiểu và giá tối đa, nhưng giá tối thiểu quá cao. Theo Thông tư 41 cấm xuất khẩu đá hộc đến 2015 (do để xây dựng nhà máy chế biến). Để xây dựng một nhà máy chế biến bảo đảm thu hồi vốn đòi hỏi vùng nguyên liệu rất lớn. Do chính sách này tại tỉnh Nghệ An có 24 mỏ đã 11 mỏ đóng cửa.

Đối với mỏ kim loại do cơ quan tính thuế không hiểu chuyên môn nên áp giá tính thuế không đúng bản chất: đó là tính thuế trên quặng chứ không phải kim loại, vì để từ quặng thành kim loại tinh phải qua rất nhiều công đoạn chế biến tuyển luyên.

  1. Nghị định 203 về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải nộp một lần nên doanh nghiệp gặp nhiều khó vì đi vào hoạt động khai thác cần vốn phải vay để mua sắm đầu tư trang thiết bị, vật tư khai thác và chế biến. Mặt khác về chính sách khuyến khích bảo vệ, tận thu tài nguyên, đối với mỏ chất lượng nghèo, ở vùng khó khăn, quặng sâu đều nộp tiền như nhau là bất cập. Một doanh nghệp muốn khai thác mỏ, phải nộp tiền cấp quyền khai thác ngay trước khi khai thác và nộp một lần; đồng thời cũng phải thay đổi theo giá tính thuế tài nguyên hàng năm nếu thuế tài nguyên thay đổi thì tiền cấp quyền khai thác lại phải tính lại. Thực chất Tiền cấp quyền khai thác và Thuế tài nguyên là trùng nhau.

Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016.Tại khoản 3, Điều 69 nói về trữ lượng tính tiền cấp quyền khai tác khoáng sản (Q) song chưa đề cập tới trường hợp "Bất khả kháng trong hoạt động khoáng sản" theo khoản 9 Điều 2. Như vậy, doanh nghiệp khai thác sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

- Về phí:

Theo Quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, doanh nghiệp khai thác phải có trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong khai thác tại nơi khai thác và khu vực chịu tác động ảnh hưởng; phải thực hiện công tác phục hồi môi trường sau khai thác theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Số kinh phí thực hiện đã được dự toán đầy đủ trong Báo cáo ĐTM, do đó Doanh nghiệp khai thác bắt buộc phải thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và cải tạo phục hồi môi trường bằng hoặc hơn số tiền đã được dự toán trong ĐTM.

Như vậy phí bảo vệ môi trường như Nghị định sẽ trùng lặp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trong hoạt động khai thác và sau khi khai thác khoáng sản đã nêu ở trên đó là tiền ký quỹ bảo vệ và cải tạo phục hồi môi trường mà Doanh nghiệp đã ký.

- Về mức thu phí:

Mục đích của việc thu phí bảo vệ môi trường là cải tạo, phòng ngừa sự ảnh hưởng tới môi trường do hoạt động khoáng sản gây ra.Tuy là loại khoáng sản khác nhau nhưng cùng loại hình mỏ (nội sinh, ngoại sinh, trầm tích, phong hóa, nhiệt dịch…); cùng phương pháp khai thác (hầm lò, lộ thiên …) và vận chuyển thì mức độ ô nhiễm như nhau thì phải có mức thu như nhau mới đúng.

Vấn đề gây ô nhiễm môi trường phụ thuộc lớn vào quy trình, dây chuyền công nghệ cũng như phụ thuộc vào thiết bị khai thác: Công nghệ, thiết bị càng tiên tiến, hiện đại thì càng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không phải phụ thuộc vào loại khoáng sản. Giá trị kinh tế của loại khoáng sản không phải là nguyên nhân tạo ra ô nhiễm môi trường, do đó, mức thu phí bảo vệ môi trường không thể dựa vào giá trị khoáng sản trên thị trường, như vậy cơ quan soạn thảo lấy mức thu phí bảo vệ môi trường dựa vào giá trị khoáng sản là không có cơ sở khoa hoc và không hợp lý.

- Về biểu khung mức phí.

 Các con số giá trị của mức thu phí trong Biểu khung mức phí BVMT đưa ra từ mức thu tối thiểu tới mức thu tối đa không có cơ sở. Cần phải có cơ sở để tính toán và cơ sở thống nhất để các địa phương áp dụng.

Với mức phí quy định như dự thảo là quá cao, trung bình ở mức từ 3,2 - 3,5% trong khi đó, khoáng sản còn phải chịu thuế tài nguyên 15%, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tại mục 3, phần II Khoáng sản không kim loại.

Dùng đơn vị để xác định: Tấn quặng Kim cương, tấn quặng ruby, tấn quặng saphia để mà tính phí thu 50.000 – 70.000đ/tấn là không đúng, vì giá trị loại này người ta tính bằng cara và gram, chưa nói đến việc ở Việt Nam cũng chưa phát hiện được mỏ kim cương nào.

- Phí sử dụng tài liệu:

Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016, Tại mục a), khoản 2, Điều 3 nêu rõ:

.... "Chi phí phải hoàn trả đối với thông tin thăm dò khoáng sản là toàn bộ các hạng mục công việc đã thi công trên diện tích đề nghị khai thác khoáng sản"....

Như vậy, các công trình khác nằm trong diện tích thăm dò mà không nằm trong diện tích xin khai thác thì không được hoàn trả. Trong khi đó, để khoanh được diện tích xin khai thác có hiệu quả, khả thi thì phải có cả các công trình bên ngoài diện tích thì mới xác định được đâu là diện tích khai thác có hiệu quả để mà khoanh.

Thực tế, trong diện tích đã thăm dò đánh giá tài nguyên cấp 333 thì không khoanh vào diện tích khai thác, Nhà nước vẫn cho phát triển các dự án khác trên diện tích đó thì có được hoàn trả các công trình thăm dò trên diện tích đó không?


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: 6117/BTC-CST, Ngày: 11/05/2017

Nội dung trả lời:

Nội dung kiến nghị: Về kiến nghị khung giá tính thuế tài nguyên của Bộ Tài chính lấy theo giá FOB là chưa phù hợp và quy định doanh nghiệp phải nộp tiền khai thác khoáng sản 1 lần là rất khó khăn cho doanh nghiệp.

a) Về khung giá tính thuế tài nguyên

Thực tế triển khai thực hiện Luật thuế tài nguyên cho thấy mỗi tỉnh quy định mức giá tính thuế tài nguyên khác nhau đối với một số loại tài nguyên trong cùng nhóm, loại tài nguyên, thậm chí mức giá tính thuế tài nguyên giữa các địa phương chênh lệch nhau rất nhiều. Giải quyết vướng mắc này, tại Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP đã quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định Khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau để làm căn cứ cho UBND cấp tỉnh ban hành giá tính thuế tài nguyên.

Căn cứ quy định về giá tính thuế tại Luật thuế tài nguyên, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 và Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để ban hành khung giá tính thuế tài nguyên để làm căn cứ cho UBND các tỉnh ban hành giá tính thuế tài nguyên tại địa phương (theo đó sẽ quy định giá tối thiểu và giá tối đa). Cụ thể:

- Theo quy định tại Điều 6 Luật thuế tài nguyên thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên chưa bao gồm thuế GTGT. Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu.

- Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP thì giá tính thuế tài nguyên được xác định như sau:

+ Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu.

+ Trường hợp tài nguyên khai thác vừa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu: Đối với sản lượng tài nguyên tiêu thụ nội địa là giá bán đơn vị tài nguyên khai thác chưa bao gồm thuế GTGT; Đối với sản lượng tài nguyên xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu.

+ Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán ra tại thị trường trong nước.

- Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC quy định:

+ Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên chưa bao gồm thuế GTGT nhưng không thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

+ Trường hợp sản phẩm tài nguyên được vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó chi phí vận chuyển, giá bán sản phẩm tài nguyên được ghi nhận riêng trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm tài nguyên không bao gồm chi phí vận chuyển.

+ Đối với tài nguyên không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (bán trong nước hoặc xuất khẩu) thì: (i) trường hợp bán ra sản phẩm tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên hoặc trị giá hải quan của tài nguyên xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu; (ii) trường hợp bán ra sản phẩm công nghiệp, giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên đến sản phẩm công nghiệp (việc xác định sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên hay sản phẩm công nghiệp do Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện).

Như vậy, việc quy định khung giá tính thuế tài nguyên (giá tối thiểu và giá tối đa được xác định theo giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên hoặc trị giá hải quan của tài nguyên xuất khẩu (trong đó đã loại trừ chi phí vận chuyển, thuế VAT, thuế xuất khẩu và các chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên đến sản phẩm công nghiệp) là phù hợp với quy định của Luật thuế tài nguyên và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  1. b) Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2014); Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2017).

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là từ 1% đến 5% trên giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác tùy từng nhóm, loại khoáng sản.

Theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP thì giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở quy đổi từ giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản[1] (Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp quy đổi để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản).

Tiền cấp quyền khai thác thác khoáng sản được nộp một lần hoặc nộp nhiều lần hàng năm. Nộp một lần đối với trường hợp: Thời gian khai thác còn lại trong Giấy phép khai thác hoặc cấp mới bằng hoặc dưới 05 năm; Tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bằng hoặc nhỏ hơn 01 (một) tỷ đồng. Nộp nhiều lần hàng năm đối với các trường hợp còn lại.

(Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, do đó, đề nghị tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này).

         + Nội dung kiến nghị:

         Kiến nghị bãi bỏ phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản, vì:

          Theo quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, doanh nghiệp khai thác phải có trách nhiệm thực hiện tốt công tác BVMT tại nơi khai thác và khu vực chịu tác động ảnh hưởng; phải thực hiện công tác phục hồi môi trường sau khai thác theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

         Số kinh phí thực hiện đã được dự toán đầy đủ trong báo cáo ĐTM, do đó doanh nghiệp khai thác bắt buộc phải thực hiện công tác BVMT trong khai thác và cải tạo phục hồi môi trường bằng hoặc hơn số điền đã được dự toán trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

         Như vậy, phí BVMT sẽ trùng lặp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trong hoạt động khai thác và sau khi khai thác đã nêu ở trên đó là tiền ký quỹ bảo vệ và cải tạo phục hồi môi trường mà doanh nghiệp đã ký.

         Về mức thu phí: Mục đích của việc thu phí BVMT là cải tạo, phòng ngừa sự ảnh hưởng tới môi trường do hoạt động khoáng sản gây ra. Tuy là loại khoáng sản khác nhau nhưng cùng loại hình mỏ (nội sinh, ngoại sinh, trầm tích, phong hóa, nhiệt dịch…); cùng phương pháp khai thác (hầm lò, lộ thiên…) và vận chuyển thì mức độ ô nhiễm như nhau thì phải có mức thu như nhau mới đúng.

         Lấy mức thu phí BVMT dựa vào giá trị khoáng sản là không có cơ sở khoa học và không hợp lý.

         Về biểu khung mức thu: Cần phải có cơ sở để tính toán và thống nhất để các địa phương áp dụng.

         Với mức phí quy định như dự thảo là quá cao, trung bình ở mức từ 3,2-3,5% trong khi đó, khoáng sản còn phải chịu thuế tài nguyên 15%, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thực hiện công tác BVMT.

         Dùng đơn vị để xác định: tấn quặng kim cương, tấn quặng ruby, tấn quặng saphia để tính phí: 50.000 – 70.000 đồng/tấn là không đúng, vì giá trị loại này người ta tính bằng cara, gram, chưa nói đến việc ở VN cũng chưa phát hiện được mỏ kim cương nào.

Về hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản: Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 (mục a, khoản 2 Điều 3) nêu rõ: … “Chi phí phải hoàn trả đối với thông tin thăm dò khoáng sản là toàn bộ các hạng mục công việc đã thi công trên diện tích đề nghị khai thác khoáng sản”…

         Như vậy, các công trình khác nằm trong diện tích thăm dò mà không nằm trong diện tích xin khai thác thì không được hoàn trả. Trong khi đó, để khoanh được diện tích xin khai thác có hiệu quả, khả thi thì phải có cả các công trình bên ngoài diện tích thì mới xác định được đâu là diện tích khai thác có hiệu quả để mà kinh doanh.

         Thực tế, trong diện tích đã thăm dò đánh giá tài nguyên cấp 333 thì không khoanh vào diện tích khai thác, nhà nước vẫn cho phát triển các dự án khác trên diện tích đó thì có được hoàn trả các công trình thăm dò trên diện tích đó không?.

Trả lời:

  1. a) Về phí BVMT

- Tại khoản 1 Điều 148 Luật BVMT năm 2014 quy định: Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường”.

- Tại điểm 1 mục IX Danh mục phí ban hành kèm Luật phí và lệ phí có tên phí BVMT đối với khai thác khoáng sản và giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết.

Căn cứ quy định nêu trên, ngày 24/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.

Như vậy, đối với hoạt động khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp khai thác phải nộp phí theo quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

  1. b) Về mức phí BVMT

Căn cứ quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó có nêu: “Rà soát điều chỉnh tăng phí sử dụng và khai thác tài nguyên theo cấp độ gây ô nhiễm môi trường”. Trên cơ sở kế thừa khung mức phí và căn cứ tính phí quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP và Nghị định số 12/2016/NĐ-CP, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ (Điều 5) đã quy định phương pháp tính phí mới, có tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, gồm: số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác và phương pháp khai thác (hầm lò hoặc lộ thiên). Cụ thể như sau:

Số phí BVMT phải nộp (F) = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K         

 Theo đó, ngoài áp dụng mức phí đối với quặng khoáng sản nguyên khai (f2) trong Biểu khung mức phí, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP còn quy định tính phí trên số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác với mức phí là 200đồng/m3 (Q1x200). Đối với trường hợp khai thác lộ thiên còn phải nhân (x) với hệ số K = 1,05.

  1. c) Về đơn vị tính

- Tại điểm 3 mục II Biểu khung mức phí kèm theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là: Quặng đá quý: Kim cương, ru-bi (rubi), Sa-phia (sapphire), …

- Tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định căn cứ tính phí là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí. Theo đó, đối với khoáng sản khai thác là kim cương, rubi, saphia hoặc các loại khoáng sản khác đều được tính trên số lượng quặng khoáng sản nguyên khai, đơn vị tính là tấn không phải là tính theo khoáng sản thành phẩm.

Vì vậy, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định đơn vị tính phí BVMT đối với quặng đá quý là tấn để đảm bảo thống nhất với quy định về căn cứ tính phí.

  1. d) Về hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản

Tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoáng sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2017) quy định:

“Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả, quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư”.

Căn cứ quy định nêu trên, câu hỏi của Hiệp hội doanh nghiệp địa chất và khoáng sản thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

[1] Trước đây, theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP thì giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

Ý kiến bạn đọc (0)