Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2016

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 Số:  3146 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2016

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

   Hà Nội, ngày  14 tháng  11  năm 2016

 Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 10 năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 11/CT-TTG VÀ NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Bộ Giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải đã có CV số: 12559/BGTVT-VT ngày 25/10/2016 trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội phản ánh một số nội dung liên quan đến quản lý hoạt động vận tải và cải cách thủ tục hành chính như sau:

  1. Về nội dung: “Ngày 12/04/2016 Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội có công văn số 06/2016 (kèm theo 73 trang ảnh) về tình trạng “xe dù bến cóc” trong cả nước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 5615/VPCP-KTN gửi Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết kiến nghị, Bộ GTVT đã có văn bản 8134 ngày 14/7/2016 gửi các tỉnh, giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT triển khai. Đến nay, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đã được các Sở GTVT: Bà Rịa –Vũng Tàu, Lào Cai… thông báo một số kết quả triển khai. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ hoạt động của Bến xe trá hình của Công ty Thành Bưởi. Nhưng nhìn chung, xe giả danh Xe chạy hợp đồng chạy Tuyến cố định vẫn phát triển rầm rộ như: Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.v.v…”.

Bộ GTVT đã trả lời:

Như đã được đề cập trong phản ánh của Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội nêu trên, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp, phối hợp chặt chẽ các lực lượng để triển khai nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; theo đó, chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/2016/NĐCP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bộ GTVT đã trình Chính phủ nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có điều chỉnh một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phối hợp, hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra thông tin từ thiết bị giám sát hành trình và rà soát việc cấp phù hiệu xe hợp đồng để nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

  1. Về nội dung: “Bộ GTVT ban hành Quyết định 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2016 phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Quyết định này gây rất nhiều khó khăn cho Doanh nghiệp và các Sở GTVT vì: Bến xe chưa ổn định, chưa khảo sát lưu hành khách, chưa có quy hoạch tần suất của Bến xe, Bộ đưa vào quy hoạch chi tiết, Doanh nghiệp, Sở GTVT muốn điều chỉnh, thay đổi, đều phải xin ý kiến của Bộ, đây là cách quản lý tập trung – quan liêu – bao cấp. Doanh nghiệp muốn mở tuyến mới (chưa có trong quy hoạch), thay đổi lộ trình các Sở GTVT phải tập hợp nhu cầu để 06 tháng xin Bộ phê duyệt.

 Đề nghị Bộ GTVT: chỉ nên cập nhật các nội dung do các Sở và Doanh nghiệp đề xuất, không cần Bộ phải với tay xuống 63 tỉnh thành để phê duyệt việc tăng tuyến, chạy theo tuyến nào, chạy theo đường nào?”

Bộ GTVT trả lời như sau:

Bộ GTVT đã tiếp thu và điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi hơn cho đơn vị kinh doanh trên cơ sở bảo đảm thực hiện đúng khoản 4 Điều 24 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 2548/QĐ-BGTVT ngày 16/8/2016 điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT đã điều chỉnh nội dung được nêu tại kiến nghị nêu trên.

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2729/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2016 hướng dẫn về phương pháp tính toán công suất bến xe khách.

Hiện nay, các Sở GTVT đã thực hiện công bố công khai biểu đồ chạy bến xe trên các tuyến cố định.

  1. Về nội dung: “Bộ GTVT được mệnh danh là Bộ ban hành nhiều văn bản đứng đầu trong 14 Bộ, tuy nhiên mỗi lần ban hành các văn bản lại đặt ra nhiều thủ tục, biểu mẫu làm cho Doanh nghiệp rất khó khăn về thủ tục hành chính. Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ đề nghị Bộ GTVT rà soát lại các thủ tục hành chính: Sở GTVT không làm thay các Doanh nghiệp, Bộ không làm thay Sở, việc gì thuộc về quản trị Doanh nghiệp để cho doanh nghiệp làm. Chúng tôi đề nghị trong năm 2016 rà soát lại, kiên quyết loại bỏ khoảng 30%-40% thủ tục rườm rà làm khó cho Doanh nghiệp tạo cớ cho thanh tra chuyên “hành” các Doanh nghiệp”.

Bộ GTVT đã trả lời như sau:

Bộ GTVT đang cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính, các quy định đã và được Bộ triển khai trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Cụ thể đối với hoạt động vận tải đường bộ, nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đã được rà soát và điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ nhằm đơn giản hóa trong việc cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho phương tiện…

Bên cạnh đó, nhiều nội liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đang tiếp tục được rà soát, điều chỉnh. Ngày 06/5/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó tổng số thủ tục được cắt giảm là 79 TTHC (đạt 14,8%) và đơn giản hóa 228 TTHC (đạt 42,8%). Hiện nay, Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 06/5/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tiếp tục duy trì hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC. Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thông qua điện thoại, Email, văn bản theo quy định tại Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT ngày 30/9/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý. Bộ đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT ngày 25/8/2016 thay thế Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định số 4447/QĐ-BGTVT ngày 18/12/2015 ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ GTVT năm 2016.

Bộ GTVT đang tiếp tục quán triệt, kiểm tra và triển khai thực hiện nghiêm việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải.

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 9280/BNN-QLDA ngày 2/11/2016 trả lời kiến nghị “Đề nghị các bộ ngành liên quan trên cổng thông tin của mình, tại phần thông tin về hội nhập quốc tế nên đăng tải và thường xuyên cập nhật các thông tin, yêu cầu, lộ trình cụ thể (bằng tiếng Việt) theo từng ngành hàng, sản phẩm, theo từng quốc gia, và từng hiệp định thương mại tự do để các doanh nghiệp có thể tra cứu được những thông tin cần thiết và có thể chuẩn bị tốt để đón nhận các cơ hội và đối đầu với các khó khăn, thách thức từ các hiệp định thương mại tự do. Đăng tải các hướng dẫn, giải thích cam kết nội dung cụ thể các hiệp định thương mại tự do” như sau:

Đối với nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên công khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ www.mard.org.vn, mục Hợp tác quốc tế và mục Thị trường & Xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp có thể truy cập để tra cứu thông tin cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

 II TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 10 năm 2016, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

- Trong tháng VCCI hoàn thiện góp ý các dự thảo: Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện; Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an; Nghị định sửa đổi Nghị định số 89/2006/ NĐ-CP về Nhãn hàng hóa; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và nghị định số 158/2013/NĐ-CP; Thông tư thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

- Tổ chức Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 nhân kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 với chủ đề: Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu. Tham dự Tọa đàm có nhiều chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn và đại diện Tổ chức tài chính quốc tế cùng gần 400 đại biểu là doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Toạ đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp, khuyến khích và cổ vũ doanh nhân Việt Nam vươn tới những chuẩn mực quốc tế.

- VCCI phối hợp cùng Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, đồng thời trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ban ngành, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo doanh nhân đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên cả nước. Thay mặt Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng đã phát động phong trào thi đua Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động, đồng thời, không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ. Chủ trương của Chính phủ là nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị phân phối toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp trao tặng cúp Thánh Gióng cho một số doanh nhân đạt Danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu 2016.

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức Đối thoại cấp cao ba bên với nội dung “Tối ưu hóa phát triển và tác động việc làm của đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động của các công ty đa quốc gia trong ngành điện tử Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn thông qua TPP và FTA”. Các ý kiến tại Đối thoại đánh giá TPP đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, điện tử… Tuy nhiên, gần đây có một số dự báo về tình trạng mất việc làm trong ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các nước đang phát triển với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp mới. Đó là thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất, logistics, phương thức phân phối. Đặc biệt là sự tham gia của người máy vào trong quá trình thao tác lắp ráp đơn giản vì chi phí người máy đang rẻ. Nền công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn vừa cạnh tranh đối với người máy và cả các nước có lao động rẻ hơn như Campuchia, Myanmar…Do vậy, các ý kiến kiến nghị cần tạo đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ đột phá trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề. Thêm vào đó, tập trung phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa. Nhà nước cần nâng cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình… Bên cạnh đó cũng cần nâng cao tay nghề cho công nhân thông qua việc ban hành chính sách nâng cao tay nghề cho họ.

- Phối hợp với Hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME) và Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê kong (MBI) tổ chức hội thảo chủ đề: “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ và kiến nghị xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách cho thấy, các Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thống kê cho thấy phụ nữ điều hành 1/4 số Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ (43.4% so với 36%). Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là Doanh nghiệp do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do qui mô cũng như đặc thù giới tính. Vì vậy, Báo cáo khuyến nghị cần đưa các nội dung về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

- Phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố “Bộ công cụ Hướng dẫn các bước đi thực tế phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp”.  Tham dự có Ngài Lord Puttnam, đặc phái viên Thương mại và Văn hóa của Thủ Tướng Anh tới Việt Nam cùng hơn 100 doanh nghiệp đại biểu đại diện các cơ quan bộ ngành, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đây là một trong số nhiều các hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” tại Việt Nam được tài trợ bởi Đại sứ quán Anh tại Hà Nội từ Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham nhũng. Bộ công cụ sẽ giúp doanh  nghiệp lý giải những vấn đề như: Để kinh doanh được an toàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hiểu rõ lý do tại sao phải phòng ngừa tham nhũng ; cần làm gì khi tham gia thị trường quốc tế ; trước mắt cần bảo vệ mình như thế nào và làm gì khi gặp phải tình huống tham nhũng, và cách nào để tham gia phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhất? Để thực hiện bộ công cụ, VCCI đã lựa chọn và phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước, Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế - IBLF Global biên soạn lại bộ công cụ dựa trên kinh nghiệm quốc tế của nhóm các nước phát triển G20 nhằm phù hợp với bối cảnh môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam.

- Một số hoạt động khác: Tổ chức Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Mexico, tổ chức Đoàn doanh nghiệp tham dự khai trương thành phố biên mậu số 1 Trung Quốc và Tham dự Triển lãm xe đạp điện , xe máy điện tại thành phố Nam Ninh - Quảng Tây - Trung Quốc, Hội thảo giới thiệu thị trường Bắc Âu, Diễn đàn Giao lưu Kinh tế thành phố Kobe (Nhật Bản), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ...

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 10 năm 2016, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng.

  Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ Y tế;

- Bộ Công Thương;

- Bộ Tài chính;

- UBND tỉnh Hải Dương;

- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;

- Lưu VT, VP (TH).    

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2016 (tải về)