Phát triển bền vững phải được đánh giá, đo lường cụ thể

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 8/12. Ảnh: VGP/Đình Nam

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về 3 vấn đề lớn: Dự thảo Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; cơ hội và khả năng tận dụng từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng còn tình trạng chưa nhận thức đầy đủ, nắm rõ về những mục tiêu, tiêu chí cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương.

Các thành viên của Hội đồng thống nhất với đề xuất xây dựng cuốn sổ tay tập hợp hết các nhóm tiêu chí cụ thể liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó là khuyến nghị để các bộ, ngành xây dựng, đôn đốc các chính sách ở Trung ương nhưng quan trọng hơn là triển khai ở địa phương.

Cam kết thực hiện đủ 169 tiêu chí phát triển bền vững

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (Kế hoạch) xác định các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam là hết sức cần thiết, sẽ tạo ra khung khổ định hướng các mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam đến năm 2030 cũng như khung định hướng cho các hoạt động, trách nhiệm và sự phối hợp của các bên liên quan trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Kế hoạch hành động này cũng sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Từ các ý kiến của thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần: Việt Nam cam kết thực hiện đủ 17 chỉ tiêu với 169 tiêu chí về phát triển bền vững. Kế hoạch triển khai trong một giai đoạn dài nhưng cần có thước đo, chỉ tiêu và tiếp tục cụ thể hóa theo từng năm.

“Kế hoạch thực hiện đến năm 2030 nên không thể quá chi tiết nhưng không phải chỉ ban hành là xong. Phát triển bền vững liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều định nghĩa, tuyên bố khác nhau song mục tiêu cuối cùng vì con người, bởi con người và bảo đảm nhu cầu của tương lai.

Tất cả đều đặt con người làm trung tâm, động lực, chủ thể của phát triển. Đây là thời cơ và thách thức của Hội đồng, cơ quan được giao nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng hoạt động của Hội đồng cần tiếp tục đổi mới, căn cứ vào các mục tiêu, tiêu chí cụ thể được nêu trong Kế hoạch.

Đồng tình với quan điểm của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển về tăng cường yếu tố công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, chống tham nhũng trong những giải pháp thực hiện Kế hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương phải có nhận thức đầy đủ, thực sự và thể hiện bằng các giải pháp cụ thể, đặc biệt quan trọng là phân bổ nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, điều hành cho Chương trình.

“Dù nhận thức được nhưng vì rất nhiều yếu tố khách quan, công tác chỉ đạo, điều hành, nguồn lực thường tập trung rất nhiều vào những mục tiêu trước mắt, đang gây nhiều bức xúc. Về lâu dài nếu không dành sự quan tâm thích đáng, đầy đủ thì những mục tiêu cơ bản, dài hạn sẽ tích tụ thành những vấn đề rất lớn”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và gợi ý “từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 19 nên chăng Hội đồng nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ dự thảo văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ về phát triển bền vững. Đồng thời kết hợp với một số tổ chức quốc tế, Liên Hợp Quốc xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá hằng năm việc thực hiện có xem xét đến cả mục tiêu được đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035”.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Nghị quyết 19 tiếp tục cụ thể, chi tiết hơn

Báo cáo về dự thảo Nghị quyết 19 của năm 2017, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết điểm mới đáng chú ý là trong dự thảo bản phụ lục dài 21 trang quy định chi tiết chỉ số chính, chỉ số thành phần và thách thức đo lường để các bộ, ngành hình dung cụ thể những công việc phải làm.

“Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy nếu chỉ giao cho các bộ, ngành phải tăng hạng thì rất khó khi những nước khác cũng sẽ có sự thay đổi về thứ hạng. Vì vậy, bên cạnh đo lường về thứ hạng, các bộ, ngành sẽ được giao việc trong từng chỉ số thành phần”, ông Hiếu cho biết và nêu ví dụ về khởi sự kinh doanh, hiện Ngân hàng Thế giới đo lường là 10 thủ tục và 24 ngày thì ngoài chỉ tiêu phải tăng đến thứ hạng 60, Bộ KH&ĐT phải cắt giảm còn 5 thủ tục và 10 ngày. Ngoài ra với những chỉ tiêu liên quan đến nhiều bộ, ngành, sẽ có một cơ quan chủ trì, đồng thời chú trọng đến khâu triển khai ở địa phương.

Mặc dù vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện nhưng ban soạn thảo Nghị quyết 19 đã chủ động làm việc với từng bộ, ngành, địa phương để giải thích, làm rõ từng chỉ số.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành tham gia góp ý cụ thể, Bộ KH&ĐT cùng Văn phòng Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình bày trong hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017 giữa Chính phủ với các địa phương. Phải làm sao để các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 không nằm trên văn bản của các bộ, ngành mà đi xuống tất cả các địa phương, từ việc cải thiện các chỉ số của từng bộ ngành, địa phương đến việc cung cấp thông tin sát thực nhất cho các tổ chức quốc tế khảo sát về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cho các cơ quan đầu mối.

“Đơn cử như báo cáo về năng lực sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới dù đầu mối là Bộ KH&CN nhưng đa số thông tin của các tiêu chí lại do những Bộ khác cung cấp”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý cần tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp nhận thông tin phản ánh DN qua trang web của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, huy động các cơ quan truyền thông cùng tham gia.

Nói về khái niệm “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, Phó Thủ tướng “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đầy đủ, hiểu đúng bản chất những đặc trưng, tác động lớn… của “cuộc cách mạng” này, từ đó đề xuất phương án để tận dụng, nắm bắt cơ hội tương tự như phương án cải thiện môi trường kinh doanh để thực thị hiệu quả, có cơ chế ban hành, đánh giá, đo lường hằng năm.

Theo Đình Nam(Báo chính phủ)