Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2016

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 Số:  3504 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2016

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

   Hà Nội, ngày  14 tháng  12  năm 2016

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 11 năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Bộ Tài chính

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có CV số: 5293/TCT-CS ngày 15/11/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc sửa đổi quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính và kiến nghị xem xét, cải tiến lại hệ thống hóa đơn, chứng từ,cụ thể như sau:

- Về sửa đổi quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính:

Ngày 26/10/2016, Tổng cục Thuế đã có công văn số 4987/TCT-CS (bản photo kèm theo) gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

“về nguyên tắc đối với người nộp thuế đã được cấp đăng ký thuế nhưng chưa thông báo thông tin về các tài khoản của người nộp thuế đã mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với cơ quan thuế trước thời điểm Nghị định 83/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải thông báo bổ sung, thời hạn chậm nhất ngày 31/12/2013. Người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh, định kỳ hàng quý khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan thuế. Đây không phải là căn cứ để cơ quan thuế không thực hiện hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014 ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính). Tại Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC có hướng dẫn:

“3 chứng từ hướng dẫn qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”

  1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn số 4691/LĐTBXH-PC ngày 23/11/2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp như sau:

2.1. Về kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị bổ sung quy định “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”:

Tại khoản 3 Điều 126 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng mà không quay lại doanh nghiệp làm việc chưa được pháp luật lao động quy định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề này, sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.2. Về kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị sửa đổi Điều 152 Bộ Luật Lao động năm 2012 theo hướng dẫn quy định thời gian khám sức khỏe định kỳ là 1 năm 1 lần:

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Y tế. Ngoài ra, sẽ đề xuất việc khám chữa bệnh nghề nghiệp sẽ dựa trên yếu tố tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp mà không cần dựa vào điều kiện phải có kết quả quan trắc môi trường lao động.

2.3. Về kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm như mức trước năm 2010:

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh  tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành đánh giá tỷ lệ đóng – hưởng của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trên cơ sở kết quả đánh giá tỷ lệ đóng – hưởng và thực trạng khả năng cân đối của các quỹ, để đảm bảo lợi ích hài hòa của người lao động, người sử dụng lao động, ngày 28/10/2016 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4295/LĐTBXH-BHXH báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2.4. Về kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đối với Điều 17, Điều 19 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động:

Điều 17 “Đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động”:

- Kiến nghị về công việc có liên quan đến thiết bị điện thuộc nội dung mục 16 (không phải mục số 7) tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16/6/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Nội dung nguyên văn mục số 16 là “Các công việc  làm về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện: thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện”. Như vậy, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là người lao động làm các công việc về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện mà không bao gồm những người sử dụng và tiếp xúc với các thiết bị điện thông thường (như nhân viên văn phòng tiếp xúc với máy tính). Đây là những công việc có yêu cầu cao về công tác an toàn vệ sinh lao động, nên việc huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động là hoàn toàn cần thiết.

- Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH chỉ quy định danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Các loại máy, thiết bị cần xác định về hiệu suất cũng đã được ban hành tại Phụ lục Ib kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 19 “Thời gian huấn luyện”:

- Về thời lượng thời gian huấn luyện đối với nhóm 3: đối tượng nhóm 3 “Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành” (khoản 3 Điều 17 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP) là nhóm đối tượng gặp nguy cơ về mất an toàn lao động nhiều nhất. Do đó, yêu cầu thời lượng thời gian huấn luyện là 24 giờ như quy định mới đảm bảo cung cấp cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết về an toàn lao động (so sánh cho thấy thời lượng huấn luyện như quy định vẫn thấp hơn so với bình quân của thế giới).

- Về thời lượng huấn luyện đối với nhóm 5: quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP thì tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 56 giờ (bao gồm cả thời gian kiểm tra), trong đó huấn luyện chuyên môn về an toàn vệ sinh lao động chỉ chiếm 16 giờ, còn lại 40 giờ dành cho thời gian huấn luyện chuyên môn về y tế lao động để huấn luyện nghiệp vụ về y tế lao động cho cán bộ y tế làm việc tại doanh nghiệp nhằm giúp thực hiện tốt công tác quản lý y tế lao động và bệnh nghề nghiệp, đây là nội dung tương đối mới được quy định trong Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các Nghị định liên quan. Bên cạnh đó, những cán bộ y tế đã được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động thì chỉ cần huấn luyện bổ sung chuyên môn về y tế lao động.

Về thời lượng huấn luyện đối với nhóm 6: đối tượng nhóm 6 là các An toàn, vệ sinh viên, là những người lao động am hiểu, gương mẫu trong việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra, có ảnh hưởng tích cực đến việc chấp hành quy định an toàn vệ sinh lao động của các cá nhân khác trong tổ, do đó ngoài nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định thì còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên với thời lượng là 4 giờ.

2.5. Về kiến nghị của Hiệp hội Thủy sản “Tất cả lao động phổ thông khi vào làm việc cho doanh nghiệp thời gian ổn định đủ 3 tháng, thì chủ doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động hoặc quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả số tiền mà doanh nghiệp đã đóng 32,5% đối với các lao động nghỉ việc dưới 3 tháng để doanh nghiệp lấy lao động khác và thực hiện tiếp theo quy định”:

Kiến nghị này đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời tại Công văn số 4782/LĐTBXH-PC ngày 23/11/2015 gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, như sau:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Việc đăng ký tham gia và đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm nào (kể cả trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) thì thực hiện dừng đóng BHXH và chốt sổ BHXH, ghi nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm đó.

Việc kiến nghị Chính phủ quy định cho thoái thu số tiền đã đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp người lao động trong vòng 03 tháng kể từ ngày bắt đầu làm việc là không phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 10027/BNN ngày 25/11/2016 trả lời kiến nghị của Công ty CJ Freshway về việc kiểm dịch trứng gia cầm tươi như sau:

Triển khai thực hiện Luật thú y năm 2015, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và các phụ lục kèm theo, trong đó có:

- Phụ lục 1 : Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch

Danh mục này quy định chung cho tất cả các đối tượng động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, gửi kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

- Phụ lục 2: Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện miễn kiểm dịch.

Danh mục này là danh mục đối tượng động vật, sản phẩm động vật trên cạn được miễn không phải thực hiện việc kiểm dịch trong các trường hợp cụ thể, gồm có: Khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh và khi xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ các quy định hiện hành về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, việc kiểm dịch đối với trứng gia cầm tươi thực hiện như sau:

- Khi Công ty nhập khẩu trứng gia cầm tươi vào Việt Nam; tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, gửi kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam trứng gia cầm tươi phải thực hiện việc kiểm dịch.

- Khi Công ty xuất khẩu trứng gia cầm tươi từ Việt Nam sang nước khác việc kiểm dịch được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng.

- Khi Công ty vận chuyển trứng gia cầm tươi trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, ra khỏi địa bàn cấp tỉnh không phải thực hiện việc kiểm dịch.

 II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 11 năm 2016, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

- Hoàn thiện góp ý các dự thảo: Luật đo đạc và bản đồ; Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; Nghị định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng...

- Tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Cuba, Italia và dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru. Đoàn gồm đại diện doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực: Dầu khí, tài chính – ngân hàng, giáo dục – đào tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển và khu công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực – thực phẩm, may mặc, điện tử, khoáng sản, y tế, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, năng lượng mới và xử lý môi trường… VCCI đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Cu ba và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Italia, Gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và doanh nghiệp Peru với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp nước sở tại. Thông qua các Diễn đàn doanh nghiệp, nhiều thỏa thuận, ghi nhớ và hợp đồng có giá trị lớn đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước.

- Phối hợp Hội đồng Anh, Unilever Việt Nam và Tập đoàn Vingroup tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ III với chủ đề “Sáng tạo để triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững”. Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, Đại sứ, Đại diện VCCI, tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Diễn đàn đã khẳng định phát triển bền vững là con đường duy nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận kinh tế nhưng phải quan tâm đến con người, đến môi trường. Diễn đàn cũng khuyến nghị nền kinh tế cần được phát triển theo hướng bền vững- đó là cam kết cho thế hệ tương lai một nền kinh tế xanh. Để làm được điều này, yêu cầu Chính phủ và toàn xã hội cần tăng cường hành động hơn nữa và kiên trì mục tiêu phát triển bền vững.

- Phối hợp với Bộ LĐ – TBXH, Bộ Công Thương, Bộ TN – MT, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban chứng khoán nhà nước tổ chức Lễ Công bố Bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2016 lần thứ nhất. Việc tham gia và đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông, góp phần vào việc phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo tăng cường tiếp cận vốn và công nghệ cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội thảo nhằm góp phần cung cấp thông tin và những hỗ trợ cần thiết giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt thêm cơ hội kinh doanh, đạt mục tiêu phát triển ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là "xương sống" của nền kinh tế Việt Nam, do đó việc phát triển khu vực này mạnh mẽ cũng như bền vững đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong dài hạn. Ngoài ra, Hội thảo cũng giới thiệu những giải pháp tài chính đã được Standard Chartered thiết kế đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và đạt những mục tiêu dài hạn.

- Một số hoạt động khác: Tiếp khách CCPIT Trùng Khánh, đoàn Kinh tế Kansai, công ty AMN Nhật Bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nishio – Nhật Bản, công ty Hafune, tổ chức Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản,  Tổ chức lớp học về khai thác công cụ thương mại trực tuyến, Tổ chức Hội thảo Xúc tiến Thương mại và Đầu tư với thị trường Nam Phi, Tổ chức Hội thảo giao lưu hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Hải Nam).

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 11 năm 2016, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng.        

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ TN và MT;

- Bộ Công Thương;

- Bộ Tài chính;

- Bộ LĐ, TB và XH;

- Bộ Công an;

- Bộ NN và PT NT;

- UBND TP. Hải Phòng;

- UBND tỉnh Hà Giang;

- UBND tỉnh Vĩnh Phúc;

- UBND tỉnh Lâm Đồng;

- Tổng cục Thuế;

- Tổng cục Hải quan;

- Lưu VT, VP (TH).       

 

 

 

 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2016 (tải về)