Bốn thách thức về nguồn nguyên liệu gỗ năm 2017

Chia sẻ với PV TBTCO, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch VIFORES cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành sản xuất chế biến gỗ có nhu cầu về mặt nguyên liệu trung bình từ 29 - 30 triệu m3 gỗ.

Cùng với đó, ngành gỗ còn phải đảm bảo và tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp từ các quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ... Theo đó, sẽ có 4 thách thức mà các DN Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2017 và thời gian tới về nguyên liệu gỗ trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

 

Ôn Nguyễn Tôn Quyền 

Ông Nguyễn Tôn Quyền

 

Thứ nhất, thách thức về thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng sẽ diễn ra gay gắt. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều sản phẩm gỗ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm dăm mảnh với nhu cầu khoảng 10 triệu m3 gỗ/năm; các loại ván nhân tạo (MDF, ván ghép thanh,...) cần 3 triệu m3 gỗ/năm; gỗ dùng cho xây dựng (gỗ cốp pha,...) cần 1 triệu m3 gỗ/năm…

Trong khi đó, các cơ sở chế biến các loại sản phẩm gỗ đang hoạt động khoảng trên 130 cơ sở sản xuất dăm mảnh và hơn 30 nhà máy sản xuất MDF, ván dăm, ván ép, ván ghép thanh.

Với số lượng nhà máy sản xuất và chế biến nhiều như vậy thì khối lượng gỗ nguyên liệu mà các nhà máy này cần là rất lớn, chắc chắn sẽ dẫn tới việc cạnh tranh trong việc thu mua nguyên liệu giữa các cơ sở. 

Thêm vào đó, Nhật Bản đã và đang đầu tư các nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu và hàng năm DN chế biến sản xuất đồ gỗ ngoài trời và các sản phẩm tiêu thụ trong nước có sử dụng gỗ rừng trồng… càng dẫn tới áp lực về nguồn cung gỗ nguyên liệu.

Thứ hai, thách thức về chất lượng gỗ rừng trồng trong nước. Đến nay, gỗ rừng trồng trong nước của Việt Nam có các hạn chế là gỗ chủ yếu có đường kính nhỏ. Bên cạnh đó, chất lượng cây gỗ như độ thon, phân cành sớm, giác đầu, lõi đen, tỷ trọng thấp, chưa được cải thiện; năng suất tính trên 1 ha cho 1 chu kỳ chưa cao.

Không những vậy, gỗ có đường kính lớn cần phải có thời gian và lộ trình thực hiện trong những năm tới… Các hạn chế đó sẽ tác động rất lớn đến chất lượng sản phẩm, giá thành sản phầm và sức cạnh tranh thấp.

Thứ ba là thách thức về gỗ có chứng chỉ rừng (FSC, PEFC). Đến nay, đối với gỗ rừng trồng, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 200.000 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, chỉ chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Trong khi đó, yêu cầu trong các năm tới phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp là một thách thức lớn đối với DN gỗ Việt Nam.

Thứ tư, thách thức về nguồn cung trong tương lai gần. Khối lượng gỗ của nguồn cung nêu trên chỉ tính cho năm 2016 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 7 tỷ USD.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ thêm 4-5 triệu m3/năm. Đây là một thách thức không nhỏ trên con đường thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và tiêu dùng trong nước.../.

Theo VIFORES,10 năm trở lại đây ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, giá trị xuất khẩu của ngành vào năm 2010 tăng 16 lần so với năm 2000, và trong giai đoạn 5 năm gần đây (từ năm 2010 so với năm 2015) giá trị xuất khẩu ngành gỗ tăng gấp 2 lần.            

Việc phát triển nhanh chóng của ngành gỗ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ. Vì vậy, việc tính toán cung - cầu nguyên liệu gỗ được xem là bài toán xác định lượng gỗ sử dụng trong ngành nhằm có hướng đi thích hợp trong thời gian tới.

Theo Khánh Linh/TC