Nhiều vướng mắc thi hành Luật Khoáng sản sẽ được tháo gỡ

tc
Các diễn giả và đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: PanNature

Ngày 23/12/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên minh Khoáng sản tổ chức Tọa đàm "Chủ trương, chính sách khoáng sản sau 5 năm thực hiện và định hướng thời kỳ tới".

Vẫn còn tình trạng cấp phép tràn lan

Ông Cao Đức Phát, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như hoạt động khoáng sản ở nước ta đã có những chuyển biến rõ nét; tình trạng cấp phép tràn lan cơ bản được khắc phục; ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu; quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đi vào thực tế cuộc sống.

“Cơ chế chính sách đủ mạnh để hoạt động khoáng sản phát triển với việc cụ thể hóa theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản được tăng cường”, ông Phát cho hay.

Về kết quả thực hiện những mục tiêu trong Nghị quyết 02-NQ/TW, ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm thực hiện đã triển khai thi công toàn diện các đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản với tổng số vốn đã thực hiện gần 1.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục tăng; đã hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như: lọc, hóa dầu, sắt thép, đồng, chì – kẽm, phân bón, hóa chất, chế biến kim loại quý hiếm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được các bộ ngành liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, định hướng phát triển về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thời kỳ tới sẽ tiếp tục quán triệt theo mục tiêu của Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Để thực hiện, cần triển khai các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thông qua mở rộng quyền lợi cụ thể để huy động nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích khai thác tiết kiệm, hiệu quả, kinh tế, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; hạn chế tối đa hoặc dừng khai thác những loại khoáng sản khai thác chưa cho hiệu quả.

Sẽ có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những bất cấp trong hoạt quản lý khai thác khoáng sản. TS Lê Ái Thụ, Liên minh Khoáng sản cho rằng, Luật Khoáng sản 2010 là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Tuy nhiên từ khi Luật có hiệu lực tới nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật chậm được ban hành dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

“Có những quy định còn nhiều vướng mắc, chẳng hạn như tại khoản 2 Điều 77 Luật Khoáng sản 2010 thì tiền cấp quyền được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa hiểu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là gì và được hiểu như thế nào. Vì trong luật và các văn bản hướng dẫn đều không giải thích”, ông Thụ nói.

“Bên cạnh đó, quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn có những bất cập. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ khoáng sản chưa thăm dò là không khả thi. Bởi cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng không hiểu được giá trị của vật mình đem đi bán đấu giá. Do đó, việc đấu giá quyền khai thác khoảng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. Còn tại các địa phương cũng chỉ có vài mỏ được đấu giá”, ông Thụ cho biết.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Khoáng sản. Nghị định này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/1/2017, kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập đang tồn tại hiện nay.

“Nghị định đưa ra quy định về chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp khai báo không trung thực về trữ lượng khai thác khoáng sản, bổ sung quy định trách nhiệm lập sổ sách chứng từ, cách tính sản lượng của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải lắp trạm cân và camera tại các điểm khai thác như từ nơi khai thác nguyên sơ qua kho chứa tạm, từ kho chứa tới khu vực chế biến. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu việc khai sai, gian lận của doanh nghiệp”, ông Thanh cho hay.

Đối với việc đấu giá khai thác khoáng sản, ông Thanh thừa nhận trên thực tế triển khai còn nhiều lúng túng. Tuy nhiên, hiện nay 27 tỉnh thành phố đã phê duyệt đấu giá khai thác khoáng sản cho hơn 300 mỏ và 10 tỉnh đã đấu giá thành công 124 mỏ, trong đó có cả những mỏ chưa thăm dò.

“Đối với những mỏ lớn thuộc quyền đấu giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện được là do chưa đủ điều kiện để tổ chức. Theo quy định, đấu giá phải có tối thiểu từ 3 tổ chức và có số vốn chủ sở hữu trên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian qua khi bán hồ sơ thì số một số doanh nghiệp tham gia không đủ điều kiện nêu trên. Tại Nghị định 158 cũng đã sửa lại số DN tham gia tối thiểu còn 2 doanh nghiệp. Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá những mỏ khoáng sản này”, ông Thanh chia sẻ./.

Theo Hồng Quyên/TC