Đừng để trở thành “miếng mồi béo bở”

Tự nguyện sa bẫy?

Từ hồ sơ của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trọng tài viên Ngô Khắc Lễ dẫn chứng về một trường hợp mà doanh nghiệp Việt Nam đã tự nguyện trở thành “miếng mồi béo bở” như thế nào. Câu chuyện diễn ra ở thời điểm giá dầu thế giới biến động căng thẳng nhất, việc tìm một đối tác cung cấp giá thấp hơn thị trường thế giới đến 25% là một điều tưởng chừng không thể. Vậy mà một doanh nghiệp tìm thấy điều đó ở Malaysia. Đó là tin vui? Không, niềm vui nhanh chóng biến thành cơn ác mộng trị giá “sáu trăm nghìn đô” khi đối tác rất bình tĩnh thừa nhận đã có được khoản thanh toán trước, tuy nhiên “những thùng dầu rẻ thì vẫn trôi dạt ở một nơi nào đó” mà không phải Việt Nam.

Doanh nghiệp phải luôn xác định rủi ro trong thương mại luôn chờ chực như trường hợp “miếng mồi trong bẫy chuột” . Nguồn ảnh: Internet.

Từ đó thấy được, việc “điều tra thương nhân” ngay ban đầu ảnh hưởng quan trọng như thế nào trong cả tiến trình thương mại từ giao dịch trị giá vài nghìn cho đến các giao dịch triệu đô, việc nắm trong tay danh sách lịch sử tín dụng của một bạn hàng nước ngoài trong thời đại số hiện nay là điều hoàn toàn không khó khăn, tuy nhiên, biết vậy, mà vẫn chủ quan chăng?

“Thoát bẫy” bằng cách nào?

Khi các tình huống không như kỳ vọng xảy ra, điều quan trọng là doanh nghiệp phải giữ được sự tỉnh táo. Nếu doanh nghiệp tỉnh táo trong trường hợp này sẽ tìm được phương án giải quyết để lấy lại được số tiền đã mất.

Trong nhiều hồ sơ tranh chấp đã cho thấy không ít trường hợp, các doanh nghiệp xuất khẩu thường sa đà vào các vụ kiện tụng tiêu tốn lên đến hàng trăm nghìn đô la, từ chi phí luật sư, phí tòa án, chi phí di chuyển, cộng lại có thể còn lớn hơn giá trị hợp đồng bị tổn thất. Như ở Mỹ, để được Luật sư tư vấn trong một giờ, doanh nghiệp trả cho họ từ 700 đến vài nghìn đô la, mà vấn đề thì không thể nào giải quyết bằng giờ mà phải tính bằng tháng, có khi kéo dài hàng nhiều năm. Chưa kể, khi tòa án có quyết định bên nguyên đơn thắng kiện, việc đối tác cố tình kéo dài và trì hoãn thời gian thanh toán nợ là điều trước nay không hề hiếm.

Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là doanh nghiệp nên rà soát lại đầy đủ các chứng từ có lợi cho việc khiếu nại, bước tiếp theo là tìm hiểu thông tin các đơn vị uy tín và dày dạn kinh nghiệm trên thế giới trong vấn đề giải quyết tranh chấp, họ am hiểu luật pháp và văn hóa của tất cả các nước, có sự kết nối với đội ngũ cộng tác viên luật sư giỏi tại địa phương…

Ông Quyền Anh Ngọc – Phó Trưởng Phòng WTO, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công thương đã chỉ ra, bên cạnh những cơ hội mà thương mại tự do mang lại, doanh nghiệp cần nhận diện được những rủi ro. Thứ nhất là việc mất dần lợi thế cạnh tranh xuất phát từ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.Thứ hai, khi các hàng rào thuế quan được bỏ thì ngay lập tức các nước sẽ dựng lên rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Thứ ba là nguy cơ mất thị trường trong nước vào tay các tập đoàn xuyên quốc gia thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo Hường Hồ(Báo DĐ DN)