Về hưu bị xử lý kỷ luật, không phải không còn gì để mất

Trách nhiệm cán bộ được xem xét đến cùng

Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp thứ sáu khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 9 đến 11.1), dự thảo Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với  cán bộ, công chức đã nghỉ hưu sẽ được trình và cho ý kiến.

ve huu bi xu ly ky luat, khong phai khong con gi de mat hinh anh 1

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011 -2016.

Đánh giá về việc này, PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng: Đây là Nghị quyết rất cần thiết, từ trước tới nay trong cán bộ, đảng viên thường hay có khái niệm “hạ cánh an toàn”. Cuộc sống thì luôn vận động, đi kèm với đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn có không ít cán bộ trong thời gian công tác còn nhiều khuyết điểm, rồi thoái hóa biến chất nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời nên khi họ nghỉ hưu mọi thứ cũng khép lại.

“Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý kỷ luật cán bộ kể cả khi người đó nghỉ hưu hoặc chuyển công tác là theo tinh thần kỷ luật của Đảng, cũng xây dựng Nhà nước pháp quyền” –PGS Phúc nói.

TS Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) nhìn nhận: “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu nếu được ban hành sẽ có tính răn đe, giáo dục rất lớn đối với cán bộ đương chức, để cho họ có ý thức, có thái độ, trách nhiệm làm việc trước nhân dân, đảm bảo anh phải thực hiện đến cùng trách nhiệm đó”

Nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật điều đó rất đau

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, nhìn rộng ra thế giới thấy có nhiều quốc gia cũng đã xử lý trách nhiệm của cán bộ đã nghỉ hưu, không phải để tình trạng cán bộ rời nhiệm sở có vi phạm nhưng không ai đụng đến. “Nghị quyết về xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu không chỉ cần thiết trong tình hình hiện nay mà còn ý nghĩa lâu dài. Bởi nó giúp cho hoạt động của của đội ngũ cán bộ đi vào nề nếp hơn, theo đúng tinh thần của nhà nước pháp quyền và kỷ luật của Đảng cầm quyền” – PGS Phúc nói.

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, đã là cán bộ, công chức nhà nước, nhận trách nhiệm trước nhân dân thì phải chịu trách nhiệm đến cùng với hành vi của mình. Khi người cán bộ đã nghỉ hưu bị phát hiện ra sai phạm, việc xử lý kỷ luật tuy không liên quan đến chức vụ nhưng xem xét ở các góc độ khác, ví dụ như tư cách, các chế độ đãi ngộ.

Nói về tác dụng đối với việc xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ hưu, PGS Phúc cho rằng, việc phát hiện sai phạm của cán bộ để xem xét, kỷ luật khi họ còn đương chức có ý nghĩa giáo dục, răn đe cũng như giúp đỡ người đó sửa sai tốt hơn là xử lý khi họ đã nghỉ hưu

“Tuy nhiên đối với mỗi con người đều có sinh mệnh chính trị nên không thể nói đã nghỉ hưu không có gì để mất. Cán bộ về hưu mà vẫn bị kỷ luật thì cái mất lớn nhất đó là danh dự, uy tín, đạo đức, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân cái đó giá trị còn lớn hơn so với nhiều thứ về vật chất” – PGS Phúc nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với PGS Phúc, ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa bố sung thêm: Cái quan trọng nhất của con người là danh dự, tiếng tăm, các cụ có dạy: "Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Đã nghỉ hưu rồi mà vẫn bị kỷ luật, điều đó mới đau đớn hơn cả, đau là bởi nó để lại vết nhơ chính trị ghê gớm cho con người.

“Nhiều khi con người ta chết vì nỗi đau chính trị, nỗi đau về tinh thần chứ không phải vì vật chất. Khi đương chức anh làm bậy, cho dù đã về hưu vẫn bị đưa ra xử lý kỷ luật, đó là sự đau khổ, tủi nhục, hổ thẹn với dòng tộc, với mọi người xung quanh” – ông Cuông nói.

Theo Dân Việt