Quy định tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017

tiền
Ảnh T.L minh họa

Theo đó, việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

Thông tư cũng nêu rõ, thời kỳ ổn định ngân sách địa phương là 4 năm, từ năm 2017 đến năm 2020. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trường hợp đặc biệt phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách tác động tăng thu ngân sách địa phương lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên và sử dụng theo quy định.

Sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển

Theo đó, từ năm 2017, nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết là khoản thu cân đối ngân sách địa phương và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển. Trong đó, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50% dự toán thu xổ số kiến thiết được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế.

“Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số thu còn lại (nếu có) bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương”, Thông tư nêu rõ.

Đối với trường hợp tăng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết so với dự toán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao, Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh lập phương án phân bổ chi đầu tư cho các công trình quan trọng của địa phương, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế và nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bảo đảm chi NSNN được quản lý chặt chẽ, hiệu quả

Thông tư cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính hướng dẫn, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.

Phân bổ dự toán chi phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Cụ thể đối với một số lĩnh vực như: Giáo dục – đào tạo và dạy nghề, việc phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán chi Thủ tướng Chính phủ đã giao. Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho người học thuộc đối tượng chính sách...

Đối với chi sự nghiệp khoa học và công nghệ việc phân bổ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017 cho các hoạt động khoa học và công nghệ của ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Ngân sách cấp huyện, cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ, được chi cho nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Đối với chi sự nghiệp y tế, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng ngân sách nhà nước giảm cấp đối với các khoản chi được kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị...

Bên cạnh đó, căn cứ dự toán ngân sách giao năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí chi cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nộp ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại địa phương.

Đối với các chế độ chính sách do Trung ương ban hành chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, các địa phương chủ động rà soát đối tượng được hưởng và sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để bổ sung kinh phí cho các địa phương trong quá trình điều hành ngân sách năm 2017.

Cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2017

Từ ngày 1/7/2017 sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

Theo đó, Thông tư nêu rõ, nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 của các địa phương bao gồm: 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2016 thực hiện so với dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất) được Thủ tướng Chính phủ giao; 10% tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương, có tính chất lương) dự toán năm 2017 đã được cấp có thẩm quyền giao;

Một phần số thu được để lại theo chế độ năm 2017 phải trích để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định; nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2016 trở về trước chưa sử dụng chuyển sang.

Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho các địa phương ngân sách khó khăn sau khi đã cân đối nguồn mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về việc tổ chức quản lý thu ngân sách; tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước; thực hiện điều chỉnh dự toán đơn vị sử dụng ngân sách...

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 và áp dụng đối với năm ngân sách 2017./.

Theo Hồng Chi(TC)