Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DNNVV là cần thiết và cấp bách

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; đồng thời ông Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật liên quan đến quan điểm xây dựng; tính khả thi, tính kịp thời của dự án Luật; nguồn lực hỗ trợ DNNVV; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tiêu chí xác định DNNVV; hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ; chính sách hỗ trợ tài chính; hỗ trợ xúc tiến thị trường...

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DNNVV là cần thiết và cấp bách để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ có cùng quan điểm là cần phải xác định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn; bảo đảm cho sự hỗ trợ là hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; không hỗ trợ theo kiểu tràn lan, dàn trải.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ tiêu chí về  DNNVV.

Có ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV từ nguồn lực Nhà nước phải dựa trên khả năng cân đối của nguồn lực quốc gia trong từng thời kỳ và chủ yếu là hỗ trợ gián tiếp thông qua việc tạo cơ chế chính sách (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, tiền thuê đất…); thông qua tổ chức trung gian để cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Tập trung ưu tiên hỗ trợ cho DNNVV có tiềm năng, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải và ý kiến một số đại biểu đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần đặc biệt quan tâm đến tính khả thi, tính kịp thời của Luật; bảo đảm Luật được ban hành phải có tác động, hỗ trợ đắc lực cho các DNNVV, tránh hình thức...

Ngoài ra, trong hỗ trợ xúc tiến thị trường, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn quy định hình thành các chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của Thường vụ để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, trong đó cần đặc biệt quan tâm rà soát về phạm vi và đối tượng áp dụng của Luật; việc hỗ trợ phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và phải đi theo xu hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng; có hỗ trợ nhưng nên tập trung vào những doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh; việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không được phá các luật khác, nhất là Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế, Luật Đất đai; phải bảo đảm được tính khả thi, tính cụ thể của Luật...

“Quan điểm của Thường vụ là luôn ủng hộ, luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho DNNVV phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Cũng trong chiều 9/1, UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Dự án Luật này đã được thảo luận ở tổ và ở Hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật này. Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương và 118 điều, trong đó thêm 3 điều, gộp 2 điều thành một điều và bổ sung một số điểm, khoản.

Thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương, UBTVQH đã cho ý kiến về những nội dung, vấn đề còn có quan điểm khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật; trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài; sự tương thích, tính phù hợp của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung cũng như với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết…
Theo Nguyễn Hoàng(báo chính phủ)