Bảo vệ quyền rút lui khỏi thị trường

Nếu các quyền của chủ rừng không được bảo vệ, các nhà đầu tư sẽ ngại bỏ tiền vào lâm nghiệp. - Ảnh minh họa

Vấn đề nói trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhắc tới khi góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Theo dự thảo do Bộ NN&PTNT xây dựng và đang được đưa ra lấy ý kiến, một trong những quan điểm được nêu ra là thu hút đầu tư tư nhân vào rừng và lâm nghiệp.

Bày tỏ ủng hộ quan điểm này, song VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm được cho là bất cập, có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, trái với quan điểm thu hút đầu tư tư nhân trong dự thảo Luật.

Cụ thể, mặc dù các quyền của chủ rừng đối với rừng sản xuất hiện nay đã được Dự thảo ghi nhận, song rất nhiều các quyền này vẫn ghi "theo quy chế quản lý rừng". Mặc dù tinh thần chung của Dự thảo và Quyết định 49/2016/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng sản xuất là khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư vào rừng sản xuất, tuy nhiên, các quy định cụ thể lại không thể hiện được điều này.

Đặc biệt, tại Quyết định 49 vẫn có quy định yêu cầu chủ rừng sản xuất phải có hồ sơ thiết kế khai thác rừng được Sở NN&PTNT phê duyệt hàng năm trước khi được khai thác rừng của chính mình. Quy định này cần được xóa bỏ và việc ghi nhận quyền tự chủ quyết định khai thác gỗ trên rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân cần được ghi nhận trong Luật.

Theo VCCI, có thể sẽ có ý kiến cho rằng việc trao quyền quá lớn cho chủ rừng là sự buông lỏng quản lý của Nhà nước. Ví dụ, trao quyền khai thác gỗ cho chủ rừng sản xuất mà không có sự kiểm soát của Nhà nước sẽ dẫn đến tình trạng chủ rừng chặt phá rừng quá mức để khai thác lấy gỗ, làm suy giảm diện tích rừng của Việt Nam. Tuy nhiên, cần thống nhất quan điểm rõ ràng rằng, chỉ khi nào Nhà nước trao toàn bộ quyền sở hữu, hưởng dụng mới có thể khiến chủ rừng yên tâm đầu tư.

VCCI cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định bỏ vốn là họ phải nhìn ra cơ hội rút lui khỏi thị trường khi cần thiết.

“Đơn cử như việc gửi tiền vào ngân hàng, nếu người dân biết rằng rút tiền ra có thể sẽ gặp khó khăn thì họ sẽ hạn chế gửi tiền. Hay như trước đây Nhà nước có quy định muốn mổ trâu, mổ bò phải xin phép với lý do bảo vệ sức kéo. Tuy nhiên, chính quy định này làm giảm động lực đầu tư nuôi trâu bò của người dân và doanh nghiệp, bởi họ không thể chắc chắn rằng khi cần tiền gấp họ có thể bán con trâu, con bò đó để mổ thịt”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, phân tích.

Đầu tư vào rừng cũng vậy, nếu các quyền của chủ rừng như bán lại, sang nhượng, quyền thế chấp để vay vốn, quyền khai thác lâm sản (cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ), quyền cho thuê lại phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học,… không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì chính là sự cản trở nhà đầu tư bỏ tiền vào lâm nghiệp.

Việc ghi nhận vững chắc quyền tự quyết định việc khai thác gỗ của chủ rừng sản xuất không chỉ có ý nghĩa thu hút đầu tư mà còn giúp cung cấp thêm gỗ cho các hoạt động chế biến, thị trường gỗ từ các khu rừng sản xuất. Điều này làm giảm áp lực lên hoạt động khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nơi mà cây gỗ có ý nghĩa cho lợi ích công cộng.

VCCI cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp phản ánh là việc xin Sở NN&PTNT phê duyệt kế hoạch khai thác gỗ rừng sản xuất hàng năm rất khó khăn. Do chỉ tiêu độ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nên các Sở NN&PTNT thường tìm cách gây khó khăn khi doanh nghiệp có nhu cầu khai thác tài sản của chính mình.

Chính sách "khuyến khích trồng, hạn chế chặt" rừng sản xuất nhằm mục tiêu tăng độ che phủ rừng. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người dân đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác, thay vì đầu tư vào rừng vì quyền rút lui khỏi thị trường của họ bị gây khó dễ.

Lo ngại rủi ro

Cũng theo VCCI, Điều 5 của Dự thảo quy định về sở hữu rừng với 3 hình thức là sở hữu nhà nước; sở hữu riêng; và sở hữu chung. Việc quy định rừng tự nhiên (kể cả nguyên sinh và thứ sinh) đều thuộc sở hữu Nhà nước là hợp lý, phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, cần thống nhất cách hiểu quy định này, theo đó, đây chỉ là quy định nhằm xác lập quyền sở hữu ban đầu đối với rừng chưa có chủ.

Giả sử rừng tự nhiên đã được Nhà nước xác lập quyền sở hữu, sau đó Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu đó cho cá nhân, tổ chức khác thì rừng đó chuyển thành sở hữu tư nhân.

Cơ quan đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Đa dạng sinh học

Hiện nay, cả hai đạo luật này đều có quy định quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan. Sự chồng chéo này khiến cho việc áp dụng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc bảo vệ hay khai thác các nguồn lợi từ những khu vực bảo tồn này.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp và người dân vì họ luôn phải tuân thủ hai hệ thống pháp luật và chịu sự quản lý của hai cơ quan nhà nước cùng một lúc về cùng một nội dung. Kết quả là chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp tăng lên, rủi ro trong chấp hành pháp luật cũng tăng, khiếu đầu tư vào lĩnh vực này giảm.

Một vấn đề khác, dự thảo hiện nay đang yêu cầu phải lập quy hoạch đối với cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, kể cả rừng thuộc sở hữu Nhà nước và thuộc sở hữu tư nhân.

Cho rằng cách làm này là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào quyền của chủ sở hữu rừng tư nhân là rừng sản xuất, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định về quy hoạch rừng quốc gia theo hướng chỉ điều chỉnh đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng thuộc sở hữu Nhà nước. Riêng đối với rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân thì không lập quy hoạch

Cũng theo quy định của Dự thảo hiện nay thì chức năng điều tra, thống kế, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được giao cho chính chủ rừng hoặc cơ quan quản lý và bảo vệ rừng. Đây là điều rất bất cập về quy trình quản lý tài sản công bởi chức năng kiểm kê tài sản và chức năng bảo vệ tài sản không thể để cùng một cá nhân hoặc tổ chức đảm nhận.  

Do đó, VCCI đề nghị sửa đổi quy định, tách chức năng bảo vệ rừng và chức năng kiểm kê rừng phải do hai đầu mối khác nhau thực hiện.

Theo Thanh Hằng(Báo chính phủ)