2017: VCCI ĐẨY MẠNH TÁI CẤU TRÚC GẮN VỚI HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC

Trong năm 2016, VCCI đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ công tác chủ yếu đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân đối với các hoạt động lượng hóa đạt khoảng 9,8% so với năm 2015. Chất lượng các hoạt động tiếp tục được hoàn thiện và nâng cao. Hoạt động tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các vấn đề kinh tế – kinh doanh có bước phát triển mạnh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Vai trò, vị trí của VCCI được nâng cao, VCCI được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng. Điều lệ VCCI đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn (Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 11/11/2016) tạo điều kiện và cơ sở pháp lý để VCCI có thể triển khai các hoạt động của mình…

Nâng cao vị thế VCCI trong nền kinh tế, doanh nghiệp

Nhìn lại năm 2016 có thể thấy, một trong những điểm nhấn của hoạt động thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính là tổ chức thành công Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” theo đề xuất của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI. Ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh”. Đồng thời đề ra 5 nhóm giải pháp gồm: (1) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; (2) Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; (3) Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; (4) Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; (5) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…

Từ trái qua: Ông Đào Hồng Hùng – Chủ tịch Công đoàn VCCI, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI.

Cũng trong năm 2016, VCCI đã tổ chức ký cam kết giữa VCCI và UBND 63 tỉnh, thành phố về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tại các địa phương đến năm 2020. Theo đó, hai bên cùng cam kết triển khai mạnh mẽ các biện pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 vào năm 2016, ASEAN 3 vào năm 2020 trên một số chỉ tiêu chủ yếu

Điểm nhấn khác được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là VCCI tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016, 2017 định hướng đến năm 2020. Trong năm 2016, với 6 nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết, VCCI đã xây dựng chương trình hành động của VCCI và báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết lên Chính phủ với hai nội dung chính: (1) Các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia. (2) Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững như Dự án nâng cao năng suất cho doanh nghiệp; Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam; Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh (Đề án 12); “Sáng kiến Mã số Xanh tại Việt Nam”; Dự án nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp…

Sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp

VCCI cho biết, trong năm 2016 trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, VCCI đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, VCCI tổ chức được 145 đoàn với gần 7600 lượt doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường, tham dự các hội nghị quốc tế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh như tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tại nhiều nước…

Bên cạnh đó là triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại song phương và đa phương như: Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Châu Phi – Trung Đông, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – EU, Việt – Mỹ, Việt Nam – Ấn Độ, Việt Nam – Hàn Quốc….

VCCI phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và định hướng kêu gọi thu hút đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của các địa phương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đồng thời phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng.

Các đại biểu có mặt tại hội nghị

VCCI đã tham mưu chính sách cho Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phát triển bền vững doanh nghiệp. Một số hoạt động nổi bật gồm: Xây dựng thành công Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững – thước đo giá trị thực sự của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; Tổ chức Lễ phát động Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững dựa vào bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2016 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Trong năm 2016, VCCI tiếp tục tham gia vào quá trình xây dựng chính sách hoàn thiện bộ máy tổ chức của cơ quan đại diện người sử dụng lao động tại Việt Nam: Tham gia vào quá trình rà soát xác định phạm vi, những nội dung lớn trong đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, Luật Công đoàn… trong bối cảnh chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Năm 2016 VCCI đã tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với các cơ quan thành viên đại diện cho người sử dụng lao động, các nhóm hiệp hội doanh nghiệp trong nước, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các hiệp hội ngành nghề để trao đổi và thống nhất về phương án chung của Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Kết quả, Hội đồng thống nhất đề xuất với Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng 2017 là 7,2% so với năm 2016 và Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2017 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

2017: Năm đổi mới và gắn với hiệu quả công việc

Trong bối cảnh đó, năm 2017 được xem là năm bản lề của những đổi mới, tái cấu trúc trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân. VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 09/BCT-NQ về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Triển khai Chương trình hành động của VCCI triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”.

Tiếp tục triển khai Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 tập trung vào ba nhiệm vụ: (1) Cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; (3) Nâng cao năng lực hoạt động cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời tham mưu cho Chính phủ xây dựng và triển khai Nghị quyết 19 mới dự kiến ban hành trong quý I/2017.

Triển khai các hoạt động xây dựng, góp ý chính sách pháp luật, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh doanh tại các địa phương

Xây dựng và tăng cường cơ chế đối thoại, tiếng nói đại diện của VCCI đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thông qua các diễn đàn như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam, Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp, các Diễn đàn doanh nghiệp và Hội đồng kinh doanh giữa Việt Nam với các thị trường trọng điểm. Tăng cường phối hợp giữa các Ủy ban của Ban chấp hành VCCI với các nhóm công tác của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam.Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững trong năm 2017. Kết nối, hỗ trợ, nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp. Coi đây là kênh thông tin quan trọng để phối hợp cùng VCCi trong các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tham vấn, phản biển chính sách theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của VCCI đã đề ra, cũng như thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao thông qua các Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 06 của Ban chấp hành TW, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 34 của Chính phủ, Chỉ thị 11 của Thủ tướng phủ…

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt chú trọng tới việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ APEC, tận dụng cơ hội khi Việt Nam là Chủ trì các hội nghị này. Năm 2017, VCCI sẽ chủ trì tổ chức các hoạt động: APEC CEO Summit, Kỳ họp IV của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Đối thoại của ABAC với Nguyên thủ các nước, Diễn đàn Kinh doanh với Việt Nam (Doing business with Vietnam), Diễn đàn khởi nghiệp APEC và các hoạt động quan trọng khác, vì vậy toàn hệ thống phải nỗ lực để có thể đạt mục tiêu đề ra.

Nâng cao hơn nữa vai trò đại diện giới sử dụng lao động, thông qua tư vấn pháp luật, triển khai Nghị quyết 04, Quyết định số 1129/QĐ-TTg, tích cực tham gia vào các hoạt động tại ủy ban Quan hệ Lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng Quản lý Bảo hiểm Xã Hội…

Năm 2017 cũng là năm VCCI sẽ tăng cường một bước cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực…Đẩy mạnh kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, cơ chế quản lý tài chính nội bộ, cơ chế liên kết, phối hợp để nâng cao tính tự chủ, năng động, sáng tạo và hiệu quả công tác của các đơn vị và cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống. Triển khai đề án tái cấu trúc VCCI, chú trọng vào việc xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế quản lý nội bộ.

Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp