Kiểm toán không tìm thấy gần 400 tỷ đồng hàng tồn của Ntaco

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo quyết định hủy niêm yết cổ phiếu ATA của Công ty cổ phần Ntaco từ 6/2, sau khi tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho Báo cáo tài chính năm 2015 của doanh nghiệp.

Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C từ chối đưa ra ý kiến do không có đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác minh số tài sản là hàng tồn kho gần 400 tỷ đồng (tính đến 16/5/2016) cho dù đã thực hiện các biện pháp thay thế. Ngoài ra, việc xác nhận khoản nợ phải thu của doanh nghiệp trị giá gần 206 tỷ đồng cũng không đem lại kết quả.

Tài sản tồn kho "bốc hơi" đã được công ty xử lý thông qua việc tính vào chi phí trong kỳ kinh doanh; trong khi khoản công nợ phải thu đã được trích lập dự phòng một nửa. Điều này khiến lợi nhuận năm 2015 của Ntaco theo báo cáo mới công bố âm hơn 425 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm đó là gần 421 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Ntaco khi đó chỉ còn 164 tỷ đồng, giảm gần 80% so với đầu năm 2015, trong đó các khoản phải thu chiếm gần 70%. Nợ phải trả của công ty vẫn duy trì gần 465 tỷ đồng, riêng nợ ngắn hạn từ các tổ chức tín dụng ở mức gần 350 tỷ đồng.

kiem-toan-khong-tim-thay-gan-400-ty-dong-hang-ton-cua-ntaco

Cổ phiếu ATA của Ntaco đã nhận được quyết định hủy niêm yết của HOSE do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.

Cách đây hơn nửa năm, việc thực hiện báo cáo kiểm toán cũng là nguyên nhân khiến Ntaco hủy hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính với Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt. Theo công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE, Ntaco đã đưa ra lý do không thống nhất được ý kiến trên dự thảo báo cáo tài chính kiểm toán cho năm tài chính 2015. 

Đơn vị kiểm toán Đất Việt cũng cho biết, Ntaco đã không đồng ý với các ý kiến kiểm toán mà họ đưa ra và yêu cầu đơn vị kiểm toán dừng việc phát hành Báo cáo tài chính. 

Ntaco tiền thân là Công ty TNHH Tuấn Anh được thành lập từ 15/8/2000 với vốn điều lệ ban đầu là 2,7 tỷ đồng với ngành nghề chính là chăn nuôi cá bè, xây dựng cầu đường, giao thông thủy lợi... Bắt đầu từ năm 2002, công ty chuyển hướng sang nuôi trồng và chế biến thủy sản, gồm các sản phẩm chính là cá tra và cá basa. 

Năm 2008 - 2010 là giai đoạn hoàng kim nhất của Ntaco, sau khi tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng cùng việc mở rộng quy mô kinh doanh. Quy mô của công ty tăng nhanh qua các năm lên mức đỉnh hơn 700 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế hơn 46 tỷ đồng vào năm 2010.

Hoạt động sau đó dần sa sút, đến năm 2014, doanh thu của Ntaco giảm còn hơn 253 tỷ đồng, trong khi công ty chịu khoản lỗ sau thuế hơn 14 tỷ đồng. Nguyên nhân theo giải trình từ phía công ty là do hoạt động xuất khẩu giảm mạnh, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thực hiện điều tra về mặt thương mại đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản của Ntaco.

Cùng với đó, hàng loạt biến cố đã xảy ra từ nhân sự cho tới hoạt động kinh doanh. Đầu tiên là thay đổi nhân sự với việc miễn nhiệm 3 trên 5 thành viên Hội đồng quản trị theo yêu cầu từ nhóm cổ đông mới.

Đến đầu tháng 3/2016, đơn vị này bất ngờ công bố điều chỉnh số liệu kết quả kinh doanh quý 4/2015 với mức lợi nhuận tăng đột biến từ 2 tỷ lên hơn 80 tỷ đồng. Nguyên nhân do Ntaco bất ngờ ghi nhận khoản thu nhập 155 tỷ đồng do các chủ nợ là Công ty cổ phần Âu Việt, Công ty cổ phần Châu Á và cá nhân ông Nguyễn Tuấn Anh xác nhận xóa nợ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh thực tế là cổ đông lớn nhất của công ty khi cổ phiếu ATA bắt đầu giao dịch và cũng giữ vai trò Tổng giám đốc kể từ khi công ty được thành lập cho tới năm 2015, trong khi ban lãnh đạo của hai đơn vị đã xóa nợ cho Ntaco cũng đều là thành viên ban lãnh đạo dưới thời ông Nguyễn Tuấn Anh.

Cổ phiếu ATA của công ty sau thông tin tích cực về lợi nhuận, cũng tăng trần nhiều phiên liên tục giúp thị giá tăng từ mức 2.000 đồng lên 6.500 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, sau những sự kiện mới đây, mã ATA của Ntaco hiện chỉ còn giao dịch ở ngưỡng 690 đồng mỗi cổ phiếu, bằng một phần mười so với thời điểm giữa năm 2016.

Theo Minh Sơn(VnExpress)