Chủ tịch QH trực tiếp gọi phê bình lãnh đạo địa phương thiếu nghiêm túc

Sáng 11.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 100%.

chu tich qh truc tiep goi phe binh lanh dao dia phuong thieu nghiem tuc hinh anh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trước đó góp ý vào dự thảo Quy chế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có nhiều địa phương chưa nghiêm túc khi Đoàn giám sát xuống làm việc, thậm chí có một số địa phương lớn coi thường hoạt động giám sát, kể cả hoạt động giám sát tối cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn chứng, mới đây có Đoàn giám sát của Quốc hội do ông làm Trưởng đoàn về giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại một địa phương (không nêu tên cụ thể), nhưng chỉ cho một Phó Chủ tịch UBND đi cùng, cộng với mấy cán bộ lãnh đạo phòng, ban cấp Phó khác. "Một tập thể toàn cấp Phó, các đồng chí như vậy là không nghiêm túc. Hôm đó tôi định họp tuyên bố lý do phê bình, nhắc nhở tại chỗ, ghi vào biên bản nhưng rồi thôi" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải thẳng thắn nghiêm khắc phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương đối với hoạt động giám sát. "Vụ việc Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, tôi đã trực tiếp gọi cho lãnh đạo địa phương đó để phê bình. Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, dẫn đầu đoàn đi giám sát tối cao nhưng lãnh đạo địa phương đó thái độ tham gia làm việc kiểu thiếu tôn trọng" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc giám sát cần phải tránh chồng chéo, tránh gây phiền hà cho địa phương. "Đoàn về địa phương giám sát nhưng lãnh đạo địa phương cũng nhiều việc. Một địa phương phải đón 4 -5 đoàn giám sát/năm thì rất mệt, chúng ta phải đặt mình vào vị trí lãnh đạo địa phương để hiểu" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện hoàn cảnh để tiến hành giám sát. Theo ông Lưu, nếu như việc giám sát có hiệu quả thì sẽ tác động lan tỏa. "Qua một vụ việc giám cụ thể xem nó tác động đến những vấn đề gì trong việc hoạch định chính sách, trong việc thực hiện thi hành chính sách pháp luật. Dù có ít cuộc giám sát nhưng đem lại hiệu quả còn hơn giám sát nhiều nhưng hiệu quả ít" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trước đây nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói giám sát phải thực sự có chất lượng, chứ không phải kéo đi một đoàn rất đông nhưng không đem lại hiệu quả gì, như thế không bằng một bài báo hay một đợt kiểm tra đột xuất. Chỉ cần một bài báo vấn đề bức xúc đã được kiến nghị lên Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau giám sát những hạn chế, trì trệ, vướng mắc phải được giải quyết một cách hiệu quả nhanh chóng thì việc giám sát mới có hiệu quả, chứ không phải giám sát xong 2 -3 năm sau tình hình vẫn thế thì không ổn.

Chiều 5.1, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Cùng tham gia đoàn giám sát còn có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Sau đó một ngày, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Hà Nội với 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhưng với lực lượng quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng. Ông Hiển cũng đặt vấn đề, 40% thực phẩm ở Hà Nội phải nhập từ nơi khác, liệu có kiểm soát được; giữa sản xuất an toàn và an toàn thực phẩm vẫn còn khoảng cách rất xa.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề an toàn thực phẩm của Hà Nội đã đến giới hạn đỏ. Vừa qua, tại Bệnh viện Xanh Pôn, tiến hành thử 100 test có 8 test có nguy cơ biểu hiện ung thư, đó là tỷ lệ cao. 

Theo  Dân Việt