Bỏ quy định nữ lao động nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ” là hợp lý?

Không phù hợp thực tế

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Chuyên gia lao động cho rằng có thể bỏ quy định cho lao động nữ nghỉ 30 phút nhân kỳ đèn đỏ, bởi quy định này không còn phù hợp với thực tế. “Trước đây, từ năm 1994 khi lao động còn làm ở các công trường, do môi trường, điều kiện làm việc không thuận lợi. Lao động nữ phải đi rất xa mới có thể làm vệ sinh, giặt giũ nhân ngày đèn đỏ. Vì thế Luật lúc đó mới có quy định cho lao động nghỉ 30 phút để làm vệ sinh cá nhân.

bo quy dinh nu lao dong nghi 30 phut ngay “den do” la hop ly? hinh anh 1

Nhiều chuyên gia lao động nêu quan điểm nên bỏ quy định nghỉ 30 phút ngày kinh nguyệt. Ảnh IT

Tuy nhiên, điều kiện làm việc bây giờ đã thuận lợi hơn, chị em chỉ mất 1-2 phút để thay băng, vệ sinh cá nhân” – bà Hồng nói.

Mặt khác, theo bà Hồng, báo cáo của ILO cách đây khá lâu cho thấy, chỉ có khoảng 5% lao động nữ gặp các vấn đề về sức khỏe, cản trở tới năng suất lao động.

“Do vậy, theo tôi có thể bỏ quy định này. Thay vào đó, khi lao động nữ gặp vấn đề sức khỏe trong thời kỳ kinh nguyệt có thể xin nghỉ ốm, nhận hỗ trợ tiền ốm đau và vẫn được nhận tiền lương. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chủ động bố trí được hoạt động sản xuất” – bà Hồng nói.

Về vấn đề dành 1 tiếng cho con bú, quan điểm của bà Hồng là vẫn phải giữ vì các quốc gia trên thế giới từ khá lâu rồi. Nhiều nước còn cho nghỉ tận 2 tiếng. Khi thực hiện, tùy từng hoàn cảnh lao động nữ ở Camphuchia có thể được nghỉ 30 phút buổi sáng, hoặc 30 phút buổi chiều, hoặc là 1 tiếng luôn, tùy lao động lựa chọn. Do đó, theo bà Hồng đã quy định trong luật thì phải thực hiện nhưng để cho hài hòa thì nên đưa vấn đề này thương lượng tập thể để lao động được chọn.

Đồng tình với quan điểm của bà Hồng, bà Nguyễn Thị Cường – Một chuyên gia khác về lao động việc làm thì cho rằng, có thể đơn giản hóa quy định nghỉ 30 phút nhân ngày "đèn đỏ". “Bộ LĐTBXH nên có những văn bản nghị định hướng dẫn cụ thể. Có thể, quy định cụ thể số giờ, số ngày lao động nữ được nghỉ trong trong thời kỳ “đèn đỏ” trong một tháng. Lao động nào nghỉ thì khai báo, lao động nào không nghỉ mà vẫn làm việc thì có thể báo cáo doanh nghiệp để được trả lương cho thời giờ làm thêm đó. Bằng cách này lao động sẽ không bị thiệt thòi” – bà Cường nói.

Khiến DN e dè trong tuyển dụng lao động nữ

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) thì cho rằng, nếu cứ bi kịch quá vấn đề thì đây có thể là rào cản ảnh hưởng đến chính phụ nữ. Điều này có thể khiến cho doanh nghiệp lách luật, e dè hơn khi tuyển lao động nữ. “Quan điểm của tôi là vẫn nên bỏ quy định này. Giờ đây, Luật quy định lao động được nghỉ 15 phút giữa giờ làm. Ngoài ra còn được đi vệ sinh vì thế họ có thể sử dụng thời gian này để vệ sinh trong những ngày "đèn đỏ". Còn nếu lao động quá mệt, thì có thể xin nghỉ ốm” – bà Hương nói.

Theo Dân Việt