Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2016

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0098/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2016

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2017

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị11/CT-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong quý 4 năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI, GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có CV số: 12559/BGTVT-VT ngày 25/10/2016 trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội phản ánh một số nội dung liên quan đến quản lý hoạt động vận tải và cải cách thủ tục hành chính như sau:

  1. Về nội dung: “tình trạng “xe dù bến cóc” trong cả nước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 5615/VPCP-KTN gửi Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết kiến nghị, Bộ GTVT đã có văn bản 8134 ngày 14/7/2016 gửi các tỉnh, giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT triển khai. Đến nay, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đã được các Sở GTVT: Bà Rịa –Vũng Tàu, Lào Cai… thông báo một số kết quả triển khai. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ hoạt động của Bến xe trá hình của Công ty Thành Bưởi. Nhưng nhìn chung, xe giả danh Xe chạy hợp đồng chạy Tuyến cố định vẫn phát triển rầm rộ như: Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.v.v…”.

Bộ GTVT đã trả lời:

Bộ GTVT đã phối hợp cùng Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp, phối hợp chặt chẽ các lực lượng để triển khai nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; theo đó, chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/2016/NĐCP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bộ GTVT đã trình Chính phủ nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có điều chỉnh một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phối hợp, hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra thông tin từ thiết bị giám sát hành trình và rà soát việc cấp phù hiệu xe hợp đồng để nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

  1. Về nội dung: “Bộ GTVT ban hành Quyết định 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2016 phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Quyết định này gây rất nhiều khó khăn cho Doanh nghiệp và các Sở GTVT vì: Bến xe chưa ổn định, chưa khảo sát lưu hành khách, chưa có quy hoạch tần suất của Bến xe, Bộ đưa vào quy hoạch chi tiết, Doanh nghiệp, Sở GTVT muốn điều chỉnh, thay đổi, đều phải xin ý kiến của Bộ, đây là cách quản lý tập trung – quan liêu – bao cấp. Doanh nghiệp muốn mở tuyến mới (chưa có trong quy hoạch), thay đổi lộ trình các Sở GTVT phải tập hợp nhu cầu để 06 tháng xin Bộ phê duyệt.

 Đề nghị Bộ GTVT: chỉ nên cập nhật các nội dung do các Sở và Doanh nghiệp đề xuất, không cần Bộ phải với tay xuống 63 tỉnh thành để phê duyệt việc tăng tuyến, chạy theo tuyến nào, chạy theo đường nào?”

Bộ GTVT trả lời như sau:

Bộ GTVT đã tiếp thu và điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi hơn cho đơn vị kinh doanh trên cơ sở bảo đảm thực hiện đúng khoản 4 Điều 24 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 2548/QĐ-BGTVT ngày 16/8/2016 điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT đã điều chỉnh nội dung được nêu tại kiến nghị nêu trên.

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2729/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2016 hướng dẫn về phương pháp tính toán công suất bến xe khách.

Hiện nay, các Sở GTVT đã thực hiện công bố công khai biểu đồ chạy bến xe trên các tuyến cố định.

  1. Về nội dung: “Bộ GTVT được mệnh danh là Bộ ban hành nhiều văn bản đứng đầu trong 14 Bộ, tuy nhiên mỗi lần ban hành các văn bản lại đặt ra nhiều thủ tục, biểu mẫu làm cho Doanh nghiệp rất khó khăn về thủ tục hành chính. Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ đề nghị Bộ GTVT rà soát lại các thủ tục hành chính: Sở GTVT không làm thay các Doanh nghiệp, Bộ không làm thay Sở, việc gì thuộc về quản trị Doanh nghiệp để cho doanh nghiệp làm. Chúng tôi đề nghị trong năm 2016 rà soát lại, kiên quyết loại bỏ khoảng 30%-40% thủ tục rườm rà làm khó cho Doanh nghiệp tạo cớ cho thanh tra chuyên “hành” các Doanh nghiệp”.

Bộ GTVT đã trả lời như sau:

Bộ GTVT đang cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính, các quy định đã và được Bộ triển khai trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Cụ thể đối với hoạt động vận tải đường bộ, nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đã được rà soát và điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ nhằm đơn giản hóa trong việc cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho phương tiện…

Bên cạnh đó, nhiều nội liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đang tiếp tục được rà soát, điều chỉnh. Ngày 06/5/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó tổng số thủ tục được cắt giảm là 79 TTHC (đạt 14,8%) và đơn giản hóa 228 TTHC (đạt 42,8%). Hiện nay, Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 06/5/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tiếp tục duy trì hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC. Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thông qua điện thoại, Email, văn bản theo quy định tại Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT ngày 30/9/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý. Bộ đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT ngày 25/8/2016 thay thế Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định số 4447/QĐ-BGTVT ngày 18/12/2015 ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ GTVT năm 2016.

Bộ GTVT đang tiếp tục quán triệt, kiểm tra và triển khai thực hiện nghiêm việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải.

  1. Bộ Tài chính

2.1. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có CV số: 5293/TCT-CS ngày 15/11/2016 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc sửa đổi quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính và kiến nghị xem xét, cải tiến lại hệ thống hóa đơn, chứng từ,cụ thể như sau:

- Về sửa đổi quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính:

Ngày 26/10/2016, Tổng cục Thuế đã có công văn số 4987/TCT-CS (bản photo kèm theo) gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

“về nguyên tắc đối với người nộp thuế đã được cấp đăng ký thuế nhưng chưa thông báo thông tin về các tài khoản của người nộp thuế đã mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với cơ quan thuế trước thời điểm Nghị định 83/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải thông báo bổ sung, thời hạn chậm nhất ngày 31/12/2013. Người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh, định kỳ hàng quý khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan thuế. Đây không phải là căn cứ để cơ quan thuế không thực hiện hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014 ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính). Tại Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC có hướng dẫn:

“3 chứng từ hướng dẫn qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”

2.2. Tổng cục Thuế đã có công văn số 5724/TCT-CS ngày 9/12/2016 trả lời kiến nghị của Công ty Honda Việt Nam góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn như sau:

Trên cơ sở nội dung Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 176/2016/TT-BTC ngày 31/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn trong đó đã tiếp thu ý kiến của Công ty Honda Việt Nam

  1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn số 4691/LĐTBXH-PC ngày 23/11/2016 trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp như sau:

3.1. Về kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị bổ sung quy định “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”:

Tại khoản 3 Điều 126 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng mà không quay lại doanh nghiệp làm việc chưa được pháp luật lao động quy định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề này, sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3.2. Về kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị sửa đổi Điều 152 Bộ Luật Lao động năm 2012 theo hướng dẫn quy định thời gian khám sức khỏe định kỳ là 1 năm 1 lần:

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Y tế. Ngoài ra, sẽ đề xuất việc khám chữa bệnh nghề nghiệp sẽ dựa trên yếu tố tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp mà không cần dựa vào điều kiện phải có kết quả quan trắc môi trường lao động.

3.3. Về kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm như mức trước năm 2010:

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh  tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành đánh giá tỷ lệ đóng – hưởng của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trên cơ sở kết quả đánh giá tỷ lệ đóng – hưởng và thực trạng khả năng cân đối của các quỹ, để đảm bảo lợi ích hài hòa của người lao động, người sử dụng lao động, ngày 28/10/2016 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4295/LĐTBXH-BHXH báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

3.4. Về kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đối với Điều 17, Điều 19 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động:

Điều 17 “Đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động”:

- Kiến nghị về công việc có liên quan đến thiết bị điện thuộc nội dung mục 16 (không phải mục số 7) tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16/6/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Nội dung nguyên văn mục số 16 là “Các công việc  làm về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện: thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện”. Như vậy, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là người lao động làm các công việc về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện mà không bao gồm những người sử dụng và tiếp xúc với các thiết bị điện thông thường (như nhân viên văn phòng tiếp xúc với máy tính). Đây là những công việc có yêu cầu cao về công tác an toàn vệ sinh lao động, nên việc huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động là hoàn toàn cần thiết.

- Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH chỉ quy định danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Các loại máy, thiết bị cần xác định về hiệu suất cũng đã được ban hành tại Phụ lục Ib kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 19 “Thời gian huấn luyện”:

- Về thời lượng thời gian huấn luyện đối với nhóm 3: đối tượng nhóm 3 “Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành” (khoản 3 Điều 17 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP) là nhóm đối tượng gặp nguy cơ về mất an toàn lao động nhiều nhất. Do đó, yêu cầu thời lượng thời gian huấn luyện là 24 giờ như quy định mới đảm bảo cung cấp cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết về an toàn lao động (so sánh cho thấy thời lượng huấn luyện như quy định vẫn thấp hơn so với bình quân của thế giới).

- Về thời lượng huấn luyện đối với nhóm 5: quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP thì tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 56 giờ (bao gồm cả thời gian kiểm tra), trong đó huấn luyện chuyên môn về an toàn vệ sinh lao động chỉ chiếm 16 giờ, còn lại 40 giờ dành cho thời gian huấn luyện chuyên môn về y tế lao động để huấn luyện nghiệp vụ về y tế lao động cho cán bộ y tế làm việc tại doanh nghiệp nhằm giúp thực hiện tốt công tác quản lý y tế lao động và bệnh nghề nghiệp, đây là nội dung tương đối mới được quy định trong Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các Nghị định liên quan. Bên cạnh đó, những cán bộ y tế đã được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động thì chỉ cần huấn luyện bổ sung chuyên môn về y tế lao động.

Về thời lượng huấn luyện đối với nhóm 6: đối tượng nhóm 6 là các An toàn, vệ sinh viên, là những người lao động am hiểu, gương mẫu trong việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra, có ảnh hưởng tích cực đến việc chấp hành quy định an toàn vệ sinh lao động của các cá nhân khác trong tổ, do đó ngoài nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định thì còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên với thời lượng là 4 giờ.

3.5. Về kiến nghị của Hiệp hội Thủy sản “Tất cả lao động phổ thông khi vào làm việc cho doanh nghiệp thời gian ổn định đủ 3 tháng, thì chủ doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động hoặc quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả số tiền mà doanh nghiệp đã đóng 32,5% đối với các lao động nghỉ việc dưới 3 tháng để doanh nghiệp lấy lao động khác và thực hiện tiếp theo quy định”:

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời tại Công văn số 4782/LĐTBXH-PC ngày 23/11/2015 như sau:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Việc đăng ký tham gia và đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm nào (kể cả trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) thì thực hiện dừng đóng BHXH và chốt sổ BHXH, ghi nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm đó.

Việc kiến nghị Chính phủ quy định cho thoái thu số tiền đã đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp người lao động trong vòng 03 tháng kể từ ngày bắt đầu làm việc là không phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

4.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 10027/BNN ngày 25/11/2016 trả lời kiến nghị của Công ty CJ Freshway về việc kiểm dịch trứng gia cầm tươi như sau:

Triển khai thực hiện Luật thú y năm 2015, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và các phụ lục kèm theo, trong đó có:

- Phụ lục 1 : Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch

Danh mục này quy định chung cho tất cả các đối tượng động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, gửi kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

- Phụ lục 2: Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện miễn kiểm dịch.

Danh mục này là danh mục đối tượng động vật, sản phẩm động vật trên cạn được miễn không phải thực hiện việc kiểm dịch trong các trường hợp cụ thể, gồm có: Khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh và khi xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ các quy định hiện hành về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, việc kiểm dịch đối với trứng gia cầm tươi thực hiện như sau:

- Khi Công ty nhập khẩu trứng gia cầm tươi vào Việt Nam; tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, gửi kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam trứng gia cầm tươi phải thực hiện việc kiểm dịch.

- Khi Công ty xuất khẩu trứng gia cầm tươi từ Việt Nam sang nước khác việc kiểm dịch được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng.

- Khi Công ty vận chuyển trứng gia cầm tươi trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, ra khỏi địa bàn cấp tỉnh không phải thực hiện việc kiểm dịch.

4.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 9280/BNN-QLDA ngày 2/11/2016 trả lời kiến nghị “Đề nghị các bộ ngành liên quan trên cổng thông tin của mình, tại phần thông tin về hội nhập quốc tế nên đăng tải và thường xuyên cập nhật các thông tin, yêu cầu, lộ trình cụ thể (bằng tiếng Việt) theo từng ngành hàng, sản phẩm, theo từng quốc gia, và từng hiệp định thương mại tự do để các doanh nghiệp có thể tra cứu được những thông tin cần thiết và có thể chuẩn bị tốt để đón nhận các cơ hội và đối đầu với các khó khăn, thách thức từ các hiệp định thương mại tự do. Đăng tải các hướng dẫn, giải thích cam kết nội dung cụ thể các hiệp định thương mại tự do” như sau:

Đối với nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên công khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ www.mard.org.vn, mục Hợp tác quốc tế và mục Thị trường & Xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp có thể truy cập để tra cứu thông tin cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

  1. Bộ Công Thương

Bộ Công thương đã có Công văn số 12003/BCT-KH ngày 14/12/2016 trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh LPG như sau:

- Đối với kiến nghị bỏ hoặc giảm điều kiện đối với thương nhân phân phối LPG về tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 300m3 và tổng dung tích chai chứa LPG 2.620.000 lít đối với kinh doanh LPg chai (Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 9), Bộ đã trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), Bộ Công thương đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2016/NĐ-CP và dự kiến đề xuất theo hướng bỏ các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số lượng chai chứa LPG. Cụ thể: bỏ quy định điều kiện về bồn chứa, chai chứa LPG đối với thương nhân phân phối LPG tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP.

- Đối với kiến nghị bỏ Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG “Lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 01 tổng đại lý hoặc 03 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này”, Bộ đã trả lời:

Bộ Công thương tiếp thu và sẽ xem xét đề xuất sửa đổi Nghị định số 19/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định đại lý phải lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 01 tổng đại lý hoặc 03 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối.

- Đối với kiến nghị bỏ điều kiện thương nhân phân phối LPG bắt buộc phải có trạm nạp LPG, Bộ đã trả lời:

Bộ Công thương tiếp thu và sẽ xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định trạm nạp LPG phải thuộc sở hữu của thương nhân phân phối.

- Đối với kiến nghị về thời hạn cấp phép, đề nghị giảm thời hạn cấp phép xuống mức 07 ngày làm việc như quy định trước đây tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP, Bộ đã trả lời:

Thực hiện việc rà soát tổng thể và xây dựng phương án đơn giản hóa quy định pháp luật, thủ tục hành chính năm 2017, trong đó đối với lĩnh vực kinh doanh khí theo Nghị định số 19/2016/NĐ-CP, Bộ Công thương sẽ xem xét việc giảm thời hạn cấp phép xuống, để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí tuân thủ của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý nhà nước.

- Đối với kiến nghị đề nghị về gộp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG với Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai thành một Giấy chứng nhận và giao cho Sở Công thương cấp, Bộ đã trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP, thương nhân phân phối LPG thuộc nhóm thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, là nơi phát nguồn LPG trên thị trường với nhiều quyền và nghĩa vụ có tác động đến sự biến động của thị trường LPG ở quy mô rộng như: tổ chức hệ thống phân phối LPG, tổ chức nạp LPG vào chai, quy định giá bán LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối... Thương nhân phân phối LPG không chỉ hoạt động riêng trên địa bàn một tỉnh mà còn có các cơ sở kinh doanh LPG và hệ thống phân phối LPG hoạt động trải dài trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công thương không đủ chức năng và nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại hình thương nhân và cơ sở kinh doanh LPG nằm ngoài phạm vi thuộc địa bàn tỉnh quản lý.

Trạm nạp LPG vào chai là một trong số các cơ sở kinh doanh LPG nằm trong hệ thống các cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động kinh doanh LPG (gồm cửa hàng bán LPG chai, trạm cấp LPG, trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải) luôn phải đáp ứng các điều kiện phải đưa ra nhằm đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, Sở Công thương trên địa bàn tiến hành kiểm tra các điều kiện của cơ sở kinh doanh LPG và cấp Giấy chứng nhận.

Với những lý do trên không thể gộp 02 loại giấy thành một Giấy chứng nhận và giao cho Sở Công thương cấp. Tuy nhiên để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh LPG, dự kiến đề xuất sửa đổi Nghị định số 19/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định trạm nạp LPG vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân phân phối LPG và thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG.

- Đối với kiến nghị đề nghị các Bộ, Ngành liên quan đăng tải thông tin về hội nhập quốc tế trên cổng thông tin điện tử, Bộ đã trả lời:

Bộ Công Thương ghi nhận kiến nghị này, dự kiến ngày 01/01/2017, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương sẽ mở chuyên trang “Hội nhập quốc tế”. Chuyên trang sẽ đăng tải đầy đủ thông tin về hội nhập quốc tế, qua đó góp phần phổ biến sâu rộng và hiệu quả đến các doanh nghiệp những thông tin về hội nhập nói chung và thông tin về các hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết với các quốc gia khác.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO CỦA VCCI

Trong quý 4 năm 2016, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

 - VCCI hoàn thiện góp ý các dự thảo: Luật đo đạc và bản đồ; Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; Nghị định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng; Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện; Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an; Nghị định sửa đổi Nghị định số 89/2006/ NĐ-CP về Nhãn hàng hóa; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và nghị định số 158/2013/NĐ-CP; Thông tư thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm...

- Tổ chức Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 nhân kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 với chủ đề: Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu. Tham dự Tọa đàm có nhiều chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn và đại diện Tổ chức tài chính quốc tế cùng gần 400 đại biểu là doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Toạ đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp, khuyến khích và cổ vũ doanh nhân Việt Nam vươn tới những chuẩn mực quốc tế.

- Phối hợp cùng Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, đồng thời trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ban ngành, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo doanh nhân đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên cả nước.

- Tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Cuba, Italia và dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru. Đoàn gồm đại diện doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực: Dầu khí, tài chính – ngân hàng, giáo dục – đào tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển và khu công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực – thực phẩm, may mặc, điện tử, khoáng sản, y tế, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, năng lượng mới và xử lý môi trường… VCCI đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Cu ba và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Italia, Gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và doanh nghiệp Peru với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp nước sở tại. Thông qua các Diễn đàn doanh nghiệp, nhiều thỏa thuận, ghi nhớ và hợp đồng có giá trị lớn đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước.

- Phối hợp Hội đồng Anh, Unilever Việt Nam và Tập đoàn Vingroup tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ III với chủ đề “Sáng tạo để triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững”. Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, Đại sứ, Đại diện VCCI, tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Phối hợp với Bộ LĐ – TBXH, Bộ Công Thương, Bộ TN – MT, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban chứng khoán nhà nước tổ chức Lễ Công bố Bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2016 lần thứ nhất. Việc tham gia và đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông, góp phần vào việc phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức Đối thoại cấp cao ba bên với nội dung “Tối ưu hóa phát triển và tác động việc làm của đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động của các công ty đa quốc gia trong ngành điện tử Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn thông qua TPP và FTA”. Các ý kiến tại Đối thoại đánh giá TPP đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, điện tử…

- Phối hợp với Hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME) và Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê kong (MBI) tổ chức hội thảo chủ đề: “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ và kiến nghị xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách cho thấy, các Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thống kê cho thấy phụ nữ điều hành 1/4 số Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ (43.4% so với 36%).

- Phối hợp ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo tăng cường tiếp cận vốn và công nghệ cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội thảo nhằm góp phần cung cấp thông tin và những hỗ trợ cần thiết giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt thêm cơ hội kinh doanh, đạt mục tiêu phát triển ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là "xương sống" của nền kinh tế Việt Nam, do đó việc phát triển khu vực này mạnh mẽ cũng như bền vững đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong dài hạn. Ngoài ra, Hội thảo cũng giới thiệu những giải pháp tài chính đã được Standard Chartered thiết kế đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và đạt những mục tiêu dài hạn.

- Phối hợp với VBF tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kỳ cuối năm 2016 với chủ đề: Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: “Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”. Diễn đàn nhằm tạo ra cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ, các bộ, ngành trao đổi với nhau về những chính sách công –tư, đặc biệt trong bối cảnh một chính phủ hành động mới hiện nay. Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức Chính phủ, Bộ, ngành của Việt Nam cùng đông đảo doanh nhân trong và ngoài nước. Tham dự Diễn đàn có VCCI và các  Hiệp hội doanh nghiệp thương mại, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tới từ Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Anh Quốc.

 - Phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Ban kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng và khoảng 100 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Diễn đàn tạo cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau đối thoại nhằm tìm ra những sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Diễn đàn cũng đã tập trung vào thảo luận 4 vấn đề: Thể chế chính sách; Chiến lược phát triển ngành hàng doanh nghiệp đang tham gia; Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam và kế hoạch dự kiến đầu tư vào nông nghiệp.

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong quý 4 năm 2016, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ Giao thông VT;

- Bộ Tài chính;

- Bộ NN&PTNT;

- Bộ VH, TT, DL;

- Lưu VT, VP (TH).    

Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2016 (Tải về)