Chính phủ phục vụ và 1.500 câu hỏi của người dân, doanh nghiệp

Năm 2016, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận, giải đáp, phản hồi hơn 1.500 câu hỏi của người dân và doanh nghiệp

Đây là kết quả của sự nỗ lực, tinh thần quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc gỡ các vướng mắc để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ như quyết tâm, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Những con số biết nói

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 với nhiều thay đổi lớn, tác động trực tiếp tới người tham gia bảo hiểm. Theo đó có hơn 500 thắc mắc được gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ và đã được BHXH Việt Nam tiếp nhận, trả lời, từ những câu hỏi đơn giản nhất như “Trường hợp tôi bao nhiêu tuổi thì được về hưu?” cho đến những câu hỏi mang tính rất riêng tư như “Tôi nghỉ hưu năm nào thì có lợi nhất?”…

Chỉ mới đây thôi, Cổng TTĐT Chính phủ nhận được thắc mắc của ông Nguyễn Tiến Vinh (Hà Tĩnh), ông Vinh đã có 27 năm đóng BHXH, nhưng do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước nên năm 2014, ông nghỉ việc. Thời điểm đó, ông mới 48 tuổi, chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi. Theo quy định tại Luật BHXH năm 2006 thì đến tháng 7/2016, ông sẽ được giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2016, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực. Theo đó, phải đến 55 tuổi ông Vinh mới đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi.

Gửi thư đến Cổng TTĐT Chính phủ, ông Vinh băn khoăn “tôi có được hưởng chế độ nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ 61%) không? Trường hợp như tôi sẽ được giải quyết theo Luật BHXH năm 2006 hay Luật BHXH năm 2014?”. Nhận được câu trả lời cặn kẽ, cụ thể của BHXH Việt Nam, ông Vinh thấy thực sự hài lòng và yên tâm về chế độ hưu của mình.

Hay như trường hợp của ông Phạm Xuân Chức (tỉnh Ninh Bình), ông Chức là con duy nhất của liệt sĩ, thuộc đối tượng được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, tên của ông trong Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ không trùng với tên trong Giấy khai sinh và Chứng minh nhân dân nên ông không được giải quyết hưởng chế độ ưu đãi này.

Ông Chức bị bệnh tim, chi phí phẫu thuật lớn, gia đình không dư dả về kinh tế. Trong lúc khó khăn, gia đình ông Chức đã gửi thư đề nghị hướng dẫn thủ tục điều chỉnh thông tin cho ông Chức để làm căn cứ cấp thẻ BHYT. Chỉ sau một thời gian ngắn, bà Phạm Thị Yên, con gái của ông Chức gửi thư đến Cổng TTĐT Chính phủ vui mừng thông báo “các cán bộ đã tiếp nhận và hướng dẫn rất chi tiết các thủ tục cho gia đình tôi. Bố tôi đã được cấp thẻ BHYT và cũng đã được phẫu thuật thành công. Xin cảm ơn các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, thực hiện tốt chính sách cho thân nhân người có công”.

Đây cũng chỉ là một trong gần 300 vướng mắc của người dân về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan tại các địa phương tiếp nhận, giải đáp, tháo gỡ trong năm 2016.

Với quan điểm đưa chính sách đến từng đối tượng thụ hưởng, thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc của người dân trong thời gian nhanh nhất. Bà Lê Thị Thảo, một trong những cán bộ trực tiếp tham gia công việc này tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Các câu hỏi do Cổng TTĐT Chính phủ chuyển đến chúng tôi đều phân chia theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị chuyên môn để bảo đảm việc trả lời, hướng dẫn được cụ thể và kịp thời nhất, các câu hỏi-đáp này cũng được chúng tôi đưa đồng thời lên Trang thông tin của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm tạo sự lan tỏa cho chính sách đi vào cuộc sống”.

Một điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp

Luật Đấu thầu có hiệu lực từ tháng 7/2014 và các văn bản hướng dẫn Luật hầu như đã được ban hành đầy đủ. Sau hơn 2 năm đi vào áp dụng, Luật là thế, nhưng các tình huống thực tế trong đấu thầu vẫn luôn làm các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp, những người trực tiếp áp dụng chính sách trong lĩnh vực này lúng túng, thậm chí gây tranh cãi.

Và trong năm 2016, hơn 400 câu hỏi về các tình huống đấu thầu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp, phản hồi nhanh chóng, đầy đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trở thành địa chỉ tin cậy, là “trọng tài” công minh để phân xử, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, góp phần tạo dựng môi trường mua sắm cạnh tranh, công bằng và minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực về kinh tế - xã hội.

Ông Trần Quang Lục (tỉnh Quảng Ngãi) một trong những người làm về công tác đấu thầu có nhiều vướng mắc được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp đã ghi nhận hiệu quả của công việc này. “Câu trả lời của Bộ chủ quản dễ hiểu, đi thẳng vấn đề, là thông tin đáng tin cậy nhất để những người làm công tác đấu thầu như chúng tôi yên tâm áp dụng. Không những thế, chúng tôi còn được tham khảo rất nhiều tình huống khác nhau trên Chuyên trang Giải đáp online của Cổng TTĐT Chính phủ”, ông Lục chia sẻ.

Hàng chục chính sách thuế mới được ban hành trong năm 2016, khiến người dân, doanh nghiệp có cảm giác "rơi vào mê cung", không biết áp dụng ra sao. Làm thế nào để được hoàn thuế? Tính thuế thu nhập cá nhân ra sao? Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân…? Chính sách sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi gỡ từ các “nút thắt” nhỏ, với quan điểm như vậy nên trong năm 2016, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Cổng TTĐT Chính phủ tích cực tiếp nhận, lắng nghe và giải đáp các vướng mắc này.

Là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Văn Long vừa qua gặp lúng túng trong thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu. Vướng mắc này của ông Long đã được Bộ Tài chính giải đáp nhanh chóng sau khi Cổng TTĐT Chính phủ chuyển đến.

Không chỉ dừng lại ở đó, Bộ Tài chính còn ghi nhận, tiếp thu kiến nghị của ông Long về việc giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Là người trực tiếp gửi câu hỏi của doanh nghiệp qua Chuyên trang giải đáp chính sách online trên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Long cho rằng kênh giải đáp theo hình thức này thực sự hữu ích với người dân, doanh nghiệp bởi sự thuận tiện, đơn giản khi gửi câu hỏi và nhận câu trả lời. Theo ông Long, Cổng TTĐT Chính phủ cần có hình thức quảng bá rộng rãi hơn về Chuyên trang này.

Tính đến cuối năm 2016, hơn 150 trường hợp gặp vướng mắc về thuế đã được Bộ, ngành chủ quản giải đáp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm kinh doanh, sản xuất theo đúng pháp luật.

Giao thông, vấn đề quan tâm của toàn xã hội cũng là lĩnh vực nhận được lượng thắc mắc lớn. Đặc biệt, khi Nghị định mới của Chính phủ về xử lý vi phạm giao thông được ban hành và có hiệu lực thì hàng loạt các câu hỏi, các ý kiến khác nhau xoay quanh việc xử lý xe không chính chủ, xử phạt vượt đèn vàng, phạt xe quá tải… lại được đưa ra.

Là một lái xe, thường xuyên đối mặt với các tình huống giao thông và cũng bắt gặp các bất cập liên quan đến các biển báo hiệu đường bộ. Nhận thấy những bất cập dù nhỏ nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn giao thông, ông Huỳnh Cảnh (TP. Hồ Chí Minh) đã gửi phản ánh đến Cổng TTĐT Chính phủ. “Thật bất ngờ khi tôi nhận được thư trả lời, bất ngờ và vui hơn khi kết quả trả lời của Bộ Giao thông vận tải theo đúng phản ánh của tôi”, đây là chia sẻ của ông Cảnh sau khi nhận thông tin giải đáp từ phía Bộ Giao thông vận tải.

Nói về công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trong năm qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ của Bộ Giao thông vận tải cho biết “Chúng tôi nhận được không ít những nội dung hỏi giống nhau, chẳng hạn như những vướng mắc xung quanh việc cấp, đổi giấy phép lái xe. Tuy nhiên, hiểu được tâm lý của người dân, luôn mong muốn được hướng dẫn với trường hợp cụ thể, chúng tôi cố gắng không bỏ sót các trường hợp, để người dân hiểu và nắm rõ hơn những chính sách, quy định pháp luật”.

Theo Chinhphu.vn