BÁN HÀNG ĐA CẤP: CẦN SIẾT QUẢN LÝ, TĂNG MINH BẠCH

Cần minh bạch hóa thông tin

Góp ý đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, VCCI cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất đối với hoạt động kinh đoanh đa cấp là yếu tố minh bạch về thông tin. Thực tiễn một số vụ tranh chấp về bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy, người tham gia bán hàng gặp nhiều bất lợi bởi hầu hết các tài liệu, chứng cứ đều do phía doanh nghiệp nắm giữ. Kể cả trong trường hợp đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin trên website, nhưng doanh nghiệp vẫn nắm quyền quản trị website và máy chủ. Trong khi đó, hầu hết các tài liệu này đều đã được nộp hoặc thông báo cho cơ quan quản lý.

Trong các vụ tranh chấp về bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng luôn là người gặp nhiều bất lợi.

Do đó, VCCI đề nghị cần bổ sung quy định yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp nên đăng tải toàn bộ các thông tin, tài liệu mà doanh nghiệp đã nộp cho mình lên một địa chỉ website chung để người tham gia bán hàng có thể tra cứu khi có nhu cầu. “Website này cũng cần có số điện thoại của cơ quan nhà nước để người dân có thể tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về các hành vi vi phạm” – Bản góp ý nêu rõ.

Nên thay đổi về bản chất của việc ký quỹ

Cho rằng pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp từ trước đến nay đã có quy định về ký quỹ nhằm giải quyết quyền lợi của người tham gia. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, trên thực tế, quy định này dường như không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Dẫn dụ cho nhận định trên, VCCI cho hay, theo quy định hiện nay và tại Dự thảo, số tiền ký quỹ tương ứng với 5% của vốn điều lệ và không thấp hơn 5 tỷ hoặc 10 tỷ. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chỉ ký quỹ trên con số tối thiểu, số tiền này thường rất nhỏ so với các vụ lừa đảo bán hàng đa cấp thời gian qua. Mặc dù Bộ Công Thương đã có Thông tư 24/2014/TT-BCT hướng dẫn thủ tục chi trả cho người tham gia nhưng do chưa có tiêu chí xác định tính hợp lệ của hồ sơ nên việc xác minh chi trả vẫn nặng tính chủ quan của cán bộ phụ trách. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể để xử lý trường hợp có quá nhiều người đề nghị chi trả dẫn đến không đủ tiền. Vô hình chung, quy định hiện tại khiến Bộ Công Thương trở thành một đơn vị quản lý quỹ cho người tham gia khi rủi ro xảy ra. “Qua thực tế đó, VCCI nhận thấy, cần phải thay đổi về bản chất của việc ký quỹ và quản lý, sử dụng tiền ký quỹ” – Bản góp ý nhận định.

Cũng theo bản góp ý của VCCI, thông thường, quyền lợi của người tham gia đòi tiền của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp xuất phát từ việc doanh nghiệp không trả lại tiền khi người mua trả lại hàng. Do đó, sẽ đi vào thực chất hơn, nếu số tiền ký quỹ được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian và được quản lý bởi một công ty bảo hiểm, tương tự như quy định về bảo hiểm tiền gửi ngân hàng. Để làm được điều này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế như sau: Thứ nhất, khi bán hàng thu tiền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải trích một tỷ lệ phần trăm nhất định để mua bảo hiểm cho khách hàng. Tỷ lệ phần trăm này có thể do doanh nghiệp đa cấp thỏa thuận với công ty bảo hiểm hoặc theo luật định.

Thứ hai, sau thời hạn 30 ngày (hoặc một khoảng thời gian khác) kể từ ngày người mua nhận được hàng thì số tiền bảo hiểm này được trả lại cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Thứ ba, trong trường hợp người mua muốn trả lại hàng, mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp không hoặc không thể trả lại tiền thì công ty bảo hiểm sẽ trả lại tiền cho người mua, toàn bộ hoặc một tỷ lệ luật định.

Theo Nam Phong(Dân Việt)