CẦN QUY ĐỊNH LẠI MỘT SỐ ĐIỀU TRONG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 17

Dự thảo Nghị định nêu rõ, Khoản 2 Điều 17 Dự thảo quy định hướng xử lý cho trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm không phải do chính tổ chức tín dụng phát hành theo đó, “bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố” để phòng trường hợp bên tổ chức tín dụng (phát hành thẻ tiết kiệm) sử dụng số tiền tiết kiệm để thanh toán cho nghĩa vụ của chủ thẻ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận cầm cố.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng

Tuy nhiên, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đến quy định này ở điểm: theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng (2010) thì các tổ chức tín dụng có trách nhiệm “Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”, Điều 17 Thông tư 24/2014/TT-NHNN có quy định chi tiết các trường hợp phong tỏa tài khoản ngân hàng của khách hàng. Như vậy có thể thấy, tài khoản của khách hàng tại tổ chức tín dụng chỉ bị phong tỏa trong một số trường hợp nhất định và trong đó, không có trường hợp xuất phát từ yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác (không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hay là của chính khách hàng có tài khoản).

Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 17 Dự thảo cho phép bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong tỏa tài khoản tiền gửi của bên cầm cố là chưa phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (2010). Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, bên cầm cố thẻ tiết kiệm phải có trách nhiệm yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm.

Khó phân biệt thời điểm có hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba

Cũng theo VCCI, khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định “Biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm hoặc kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản trong trường hợp cầm giữ tài sản” là chưa rõ ở điểm: Thứ nhất, những trường hợp nào thì biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm?

Thứ hai, những trường hợp nào thì biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm?

VCCI cho rằng, việc thiếu rõ ràng trong xác định các trường hợp trên có thể dẫn tới xung đột trên thực tế, bởi sẽ có trường hợp không thể phân biệt được thời điểm có hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba (ví dụ: đối với những tài sản phải đăng ký biện pháp bảo đảm thì thời điểm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là thời điểm đăng ký hay thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm?).

Để hạn chế tình trạng này, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp trên.

Theo Nam Phong(VnExpress)