XUẤT XỨ HÀNG HÓA CHỈ BẮT BUỘC VỚI HÀNG NHẬP KHẨU

Mâu thuẫn trong quy định ghi xuất xứ hàng hóa

Theo VCCI, khoản 2 Điều 16 Dự thảo quy định “đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hóa đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa”. Quy định này được hiểu, đối với hàng sản xuất và tiêu thụ nội địa thì không bắt buộc ghi xuất xứ hàng hóa, nếu có địa chỉ của nhà sản xuất (địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa cũng là một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa).

Xuất xứ hàng hóa chỉ là yếu tố bắt buộc có trên nhãn đối với hàng nhập khẩu

Trong khi đó, khoản 1 Điều 10 Dự thảo lại quy định “xuất xứ hàng hóa” là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa, không phân biệt là hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất và tiêu thụ nội địa.

Như vậy, giữa hai quy định trên chưa có sự thống nhất về yêu cầu bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước.

Với những phân tích trên, VCI đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh lại khoản 1 Điều 10 Dự thảo theo hướng “xuất xứ hàng hóa” chỉ là yếu tố bắt buộc có trên nhãn đối với hàng nhập khẩu mà không phải cho tất cả các loại hàng hóa.

Không bắt buộc ghi chính xác thành phần định lượng

Góp ý cho quy định về thành phần, thành phần định lượng, VCCI cho rằng, Điều 17 Dự thảo quy định “Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của các thành phần” (khoản 2) và quy định chi tiết hơn về việc ghi thành phần, định lượng của một số hàng hóa cụ thể (khoản 3). “Quy định này được hiểu là thành phần định lượng phải ghi chính xác so với công bố chất lượng” – công văn nêu rõ.

Tuy nhiên VCCI cho rằng, thực tế phần lớn các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm, sẽ có dung sai nhất định giữa định lượng trong công bố chất lượng với thực tế kiểm tra, do tác động khách quan mà thành phần định lượng có một sai số nhất định so với thông tin công bố trước đó. Vì vậy, nếu phải ghi chính xác thành phần định lượng có thể dẫn tới việc các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt ghi nhãn không đúng.

Để phù hợp với thực tế vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại Điều 17 theo hướng: Các nhóm sản phẩm có thể có dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn, chủ thể chịu trách nhiệm về nhãn phải ghi tỷ lệ dung sai này trong nhãn; Tỷ lệ dung sai cụ thể cho từng nhóm sản phẩm đặc thù sẽ do pháp luật chuyên ngành quy định…

Theo Nam Phong(Báo DĐ DN)