Quy định Thu phí mới tại cảng biển Hải Phòng: 'Bước lùi về môi trường kinh doanh...'

Nghị quyết 148 về mức phí mới của TP. Hải Phòng đang vấp phải sự phản đối của các DN
Nghị quyết 148 về mức phí mới của TP. Hải Phòng đang vấp phải sự phản đối của các DN xuất nhập khẩu.

Về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF). 

PV: Thưa ông, ông đánh giá việc TP. Hải Phòng ban hành mức phí hạ tầng tại khu vực cảng biển gây ảnh hưởng thế nào về mặt kinh tế?

- Ông Đào Huy Giám: Nghị quyết 148 về mức thu phí mới của TP. Hải Phòng được thông báo ngày 31/12/2016 và áp dụng từ 1/1/2017 đã gây “sốc” cho cộng đồng DN và ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh của DN cũng như môi trường kinh doanh nói chung.

Theo công bố của TP. Hải Phòng, với mức thu phí hiện nay, TP sẽ thu khoảng 1.500 tỷ đồng trong năm 2017. Còn theo thống kê của Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải ước tính thì tổng thu sẽ là 2.300 tỷ đồng, đây là chi phí trực tiếp mà DN phải chịu. Nhưng bên cạnh đó, DN còn phải chịu nhiều chi phí gián tiếp khác như chi phí làm thủ tục, thời gian làm thủ tục, chi phí lưu kho, lưu bãi, hư hỏng hàng hoá nếu có... Vừa qua, một số tổ chức quốc tế và các hiệp hội đã công bố tại một cuộc hội thảo, DN sẽ phải chịu thêm gần 15% chi phí gián tiếp. Như vậy, có thể ước tính các DN phải chịu chi phí khoảng 2.800 tỷ đồng cả trực tiếp và gián tiếp.

Không những vậy, về mặt kinh tế nói chung, nhiều hiệp hội DN coi đây là bước lùi về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN. Các DN coi đây là bước đi ngược lại nỗ lực, chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định hơn. 

 
 
Ông Đào Huy Giám
Ông Đào Huy Giám
 

PV: Theo ông, Nghị quyết này của TP. Hải Phòng có đảm bảo về tính hợp pháp, hợp lý?

- Ông Đào Huy Giám: Về mặt tính chất, đối tượng ban hành phù hợp với quyền hạn của cơ quan ban hành. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục, nguyên tắc ban hành và các nguyên tắc điều chỉnh trong quá trình ban hành thì không được tôn trọng. Do vậy, việc ban hành văn bản này đã vi phạm nhiều quy định của các luật. Thứ nhất, Luật về Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi khi ban hành chính sách phải căn cứ thực tiễn, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, phù hợp chủ trương của Nhà nước, đúng quy định của Luật. Ở đây, việc lấy ý kiến về Nghị quyết không được tiến hành đúng quy định, gần như không có ngày nào lấy ý kiến. Việc lấy ý kiến cũng có nhưng rất hình thức, chỉ với một nhóm nhỏ đối tượng không trực tiếp chịu tác động, là một cuộc họp ngắn phổ biến về việc ban hành quy định. Nghị quyết cũng không được công bố trước 30 ngày trên mạng theo quy định và đặc biệt là không xem xét đến khả năng thực hiện của đối tượng phải thực hiện. 

Về mức phí, ban hành phí phải căn cứ vào mức phí thực, vào chi phí để cấu thành mức phí, người ban hành văn bản phải là người chứng minh rằng có những loại phí này phát sinh, từ đó mới có mức phí theo quy định, để bù đắp cơ bản các chi phí. Tuy nhiên ở đây không có sự chứng minh đó, mọi người đều đánh giá mức phí ban hành “cao trên trời” so với chi phí thực tế. Thứ ba, đây được coi là văn bản vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử được nêu trong Pháp lệnh năm 2000 của Quốc hội và trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra còn một số yếu tố khác, tuy nhiên tôi chỉ liệt kê 3 điểm chính trên. 

PV: Với những yếu tố không hợp lý, hợp pháp như vậy, các DN, hiệp hội đã có những kiến nghị gì tới Thủ tướng Chính phủ?

- Ông Đào Huy Giám: Chúng tôi đã làm việc cùng Hiệp hội DN trẻ Việt Nam với 67 Hiệp hội thành viên, cùng các hiệp hội chuyên ngành như dệt may, thuỷ sản, da giày, đồ gỗ và các văn phòng luật sư. Cùng với nhau, chúng tôi đã chia sẻ thông tin, phân tích, đối thoại, cung cấp phản hồi một cách xây dựng. Chúng tôi cũng tham gia trực tiếp các đối thoại, gửi các kiến nghị lên các cơ quan liên quan theo hướng dẫn của Chính phủ. 

Trên cơ sở các phân tích, đánh giá, thu thập thông tin, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết này và xem xét lại quy trình ban hành văn bản pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Chúng tôi đánh giá rất cao Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ đã tiến hành ngay cuộc tham vấn từ trước Tết. Và đến nay, chúng tôi vẫn đang trông đợi câu trả lời tích cực từ Thủ tướng Chính phủ. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo H.Y (TC)