GIÁ NHƯ TỪNG CÔNG CHỨC ĐỀU “NÓNG” NHƯ THỦ TƯỚNG!

– Thưa ông, theo thông lệ, trước thềm mỗi cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, VCCI sẽ là đơn vị tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp. Năm nay, có vẻ như bức tranh doanh nghiệp khá sáng sủa?

Nói về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thì bức tranh khá sáng sủa. Tháng 1/2017, gần 9.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau kỷ lục số doanh nghiệp thành lập mới trong 1 năm được lập vào năm 2016, số liệu này cho thấy sự hứng khởi tiếp tục lan tỏa trong giới kinh doanh.

Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị quyết 19-2017 với nhiều giải pháp cụ thể, mở rộng hơn tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh với 250 chỉ tiêu, thay vì chỉ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh như các phiên bản trước.
Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, môi trường kinh doanh Việt Nam lại có thêm khá nhiều thông tin không đồng điệu với sự hứng khởi của cộng đồng kinh doanh. Đó là vụ việc Hải Phòng áp đặt mức thu phí hạ tầng cảng biển bất ngờ, đó là dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước nắm giữ độc quyền… Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì cách “đá bóng trách nhiệm” ở cấp thực thi khi có kiến nghị của doanh nghiệp… Mà điều này lại có vẻ nhiều hơn, dồn dập hơn các tin tích cực.

DN cần thuận lợi trong thủ tục hành chính, cần an toàn trong các cơ chế, chính sách và cần chi phí kinh doanh ngày càng tiết giảm.

VCCI tiếp tục tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để gửi Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp dự kiến vào tháng 3 tới. Chúng tôi sẽ có các báo cáo riêng về kết quả thực hiện Nghị quyết 35/3016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ở góc nhìn doanh nghiệp. Những đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ bổ sung thêm nhiều nội dung cho báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi Nghị quyết 35.

– Trong báo cáo nhanh về Nghị quyết 35/3016/NQ-CP mà VCCI gửi tới cuộc họp Chính phủ tháng 1/2017, ông đã nhắc tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới”trong thực thi Nghị quyết?

Cải thiện môi trường kinh doanh là một cuộc chạy đua không phải của cá nhân ai, càng không phải của cá nhân Thủ tướng Chính phủ, mà là cuộc đua của cả một hệ thống. Thủ tướng Chính phủ là người thắp lửa và chuyển lửa, còn người về đích chính là từng cán bộ công chức nhà nước.

Bởi vậy, nếu các công chức không thay đổi, không lay chuyển theo sức nóng cải cách mà Thủ tướng Chính phủ đã thắp lên qua các nghị quyết, các văn bản thì doanh nghiệp không thể cảm nhận được những thay đổi thực tế.
Hiện tại, doanh nghiệp dù ứng trước niềm tin cho những kế hoạch cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ, những vẫn chưa thực sự thấy sức nóng cải cách ở các cấp thực thi.

Chúng tôi đi làm việc với các địa phương, có vẻ như đang có một sức ỳ tiềm ẩn, so với không khí quyết liệt của năm ngoái. Có thể hiểu là sau giai đoạn xây dựng các chương trình hành động, hiện tại, bước vào quá trình thực thi, các cấp đang vấp phải những rào cản từ chính thói quen cũ, cách ứng xử cũ với doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều công chức bắt đầu co cụm khi áp lực công việc khiến họ lo ngại đến sự an toàn của bản thân. Một số nơi, mô hình cà phê doanh nhân đang có vẻ không còn thuận lợi như ban đầu.

Tôi gọi đây là giai đoạn vượt chướng ngại vật của môi trường kinh doanh Việt Nam, sau giai đoạn khởi động. Nếu không thay đổi để vượt qua, cộng đồng doanh nghiệp khó có thể ứng tiếp niềm tin cho các thông điệp cải cách mạnh mẽ mà họ nhận được từ sau cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 4/2016.

– Suy cho cùng, doanh nghiệp cần gì từ những thông điệp cải cách môi trường kinh doanh, thưa ông?

Họ cần thuận lợi trong thủ tục hành chính, cần an toàn trong các cơ chế, chính sách và cần chi phí kinh doanh ngày càng tiết giảm.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế đang bất ổn, chính sách đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì các doanh nghiệp cần sự minh bạch và trách nhiệm giải trình để họ định lượng được các kế hoạch kinh doanh của mình.

– Trong bối cảnh này, VCCI sẽ có những kiến nghị gì?

Chúng tôi sẽ có tập hợp các kiến nghị cụ thể, tuy nhiên, mong muốn chung là nhìn thấy Chính phủ hành động ở từng cấp thực thi. Để làm được điều này, có lẽ cần phải có những mô hình thực thi, thay vì những mong muốn, mục tiêu chung chung.

Có thể lấy mô hình mà Chính phủ đang xây dựng cho Nghị quyết 19 để nhân rộng, đó là mô hình top-down – cải cách từ trên xuống. Nghị quyết 19 xác định và áp đặt mục tiêu cụ thể từ trên xuống cho các bộ, ngành, địa phương, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm chính. Đây cũng là cơ sở để giám sát, đánh giá việc thực thi.

VCCI cũng đang khuyến khích các địa phương áp dụng mô hình của PCI – đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua khảo sát khu vực doanh nghiệp tư nhân – để đánh giá năng lực thực thi của cấp quận, huyện, thị xã. Một số địa phương đã thực hiện khá thành công mô hình này. Mới nhất là Quảng Ninh vừa công bố xếp hạng Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI) vào cuối tháng 1/2017 vừa rồi và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

Tất nhiên, mọi cải cách đều cần có thời gian, có những trở ngại nhất định, song chúng tôi kỳ vọng sự phát triển của các doanh nghiệp, những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển của địa phương sẽ là cái đích mà lãnh đạo các cấp nhìn đến khi bắt tay vào các công việc liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh cụ thể.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Duy(Báo DĐ DN)