PCI KHIẾN CÁC TỈNH SỐT RUỘT CẢI CÁCH

Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Lào Cai đã góp phần giảm thiểu việc đi lại của người dân. Ảnh: S.T

Nếu như Nghị quyết 19 buộc chúng ta phải so sánh với các nước xung quanh và trên thế giới, thì PCI thúc đẩy các tỉnh so sánh với nhau. Đến hôm nay, hiệu ứng của PCI đang lan truyền xu hướng cạnh tranh, so sánh tới các cấp chính quyền cơ sở.

Chính quyền được nghe DN nói thẳng, nói thật

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, thông điệp của Chính phủ đã rất rõ ràng, chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ. Chính phủ cũng giao cho VCCI và các hiệp hội DN trách nhiệm giám sát thúc đẩy và công bố chỉ số hài lòng của DN đối với chính quyền, coi đây là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.

Như vậy, Chính phủ khẳng định DN, doanh nhân là đối tác, là khách hàng của những dịch vụ công. Thực tế sau 12 năm triển khai, điểm khiến PCI ngày càng trở nên quan trọng hơn đó là nói nên tiếng nói thật, trung thực của các DN. Nếu nhìn dưới góc độ cung cấp dịch vụ, đối với các tập đoàn, DN lớn trên thế giới hay ở Việt Nam cũng vậy, họ chỉ có thể cải thiện được chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mình nếu lắng nghe được những phản hồi chân thực từ khách hàng. Những điều tra mang tính độc lập, không phải từ cấp dưới báo cáo lên là một công cụ hữu hiệu.

Là người đã gắn bó với PCI từ những ngày đầu, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì một trong những giải pháp hàng đầu là phải để DN nói thật ra hết những vấn đề của họ, những tâm tư nguyện vọng của họ.

Từ sự thành công của PCI, một số tỉnh đã tiến hành giám sát và đánh giá của DN ở cấp sở, huyện…

Mặc dù thời gian gần đây, các tỉnh vẫn có những hội nghị tiếp xúc, đối thoại với DN. Tuy nhiên, DN thường có tâm lý e ngại, nể nang, ít DN dám nói thẳng, nói thật. Để có được tiếng nói thẳng, nói thật, một số tỉnh đã có sáng kiến mô hình cà phê doanh nhân. Qua đó, doanh nhân sẽ cởi mở hơn, dễ nói thật hơn. Lãnh đạo địa phương có thể nghe được tiếng nói chân thực từ hoạt động của DN để có thể đưa ra những chỉ đạo kịp thời mà không qua các tầng nấc trung gian.

Thúc đẩy sáng kiến cải cách

Ông Tuấn cho rằng, thông qua PCI, các tỉnh có thể so sánh với nhau, thay vì trước kia mỗi tỉnh thường nhìn theo chiều dài thời gian của mình, thì thấy luôn tiến bộ. Nhưng khi nhìn sang bên cạnh, các tỉnh khác cũng không đứng yên. Do đó, PCI tạo cho các tỉnh sự sốt ruột. Họ thấy các tỉnh khác đẩy mạnh cải cách hành chính như vậy nên đã thu hút được nhiều đầu tư thì mình phải làm gì?

Ở đây không phải chuyện xé rào đã xảy ra tại nhiều địa phương trong một giai đoạn khá dài đề thu hút đầu tư. Bởi vì, đó là vi phạm pháp luật, vi phạm chủ trương chính sách trung của cả hệ thống. PCI đã khuyến khích những sáng tạo bên dưới. Khi những chuyển động ở Trung ương thông qua một số luật như Luật Đầu tư, Luật DN… đang khá tiên tiến thì sự chuyển biến lại phụ thuộc rất nhiều từ những sáng kiến bên dưới.

Mỗi tỉnh sẽ phải nỗ lực có những sáng kiến cải cách riêng. Những mô hình như trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh, trung tâm xúc tiến đầu tư hay bác sĩ DN ở Bắc Ninh… là những sáng kiến từ thực tiễn. Khi những sáng kiến cải cách được thực hiện thành công thì sẽ trở thành chính sách ở Trung ương. Ví dụ một cửa trong cấp đăng ký kinh doanh. Trước kia Luật DN chưa có, nhưng khi Lào Cai thí điểm thành công và nó đã được đưa vào chính sách ở Trung ương. Mô hình trung tâm hành chính công ban đầu chỉ có ở Quảng Ninh, sau nhiều địa phương cũng áp dụng như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình… PCI đã tạo sự năng động cho các địa phương.

Đến nay, từ sự thành công của PCI, một số tỉnh đã tiến hành giám sát và đánh giá của DN ở cấp sở, huyện… Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc… đã làm rất chuyên nghiệp. Như vậy, sự cạnh tranh ở cấp Sở, ngành, quận, huyện tiếp nối và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách. Sự chuyển biến thực sự trong các cơ quan chính quyền cấp cơ sở đang diễn ra. Chính quyền đang ngày càng coi trọng DN như một đối tác, một khách hàng. Kể cả những cán bộ công chức muốn hành DN cũng phải dè chừng hơn vì quyền năng giám sát của DN.

Điều này cũng đòi hỏi DN phải có trách nhiệm hơn. Đây là câu chuyện về hai bàn tay vỗ mới lên tiếng.

Theo Bá Tú(Báo DĐ DN)