Để Nghị quyết 35 đi mạnh hơn vào cuộc sống

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị giao ban Hiệp hội và DN khu vực phía nam đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) tổ chức ngày 10/3.

Cần vai trò của hiệp hội doanh nghiệp

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết, trong năm 2016, cả nước có 110.100 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng. Đây là số DN tăng cao kỷ lục từ trước đến nay và là lần đầu tiên nước ta có trên 100.000 DN thành lập trong 1 năm.

Góp chung vào thành tích này, 7 tỉnh, thành phố phía nam gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh và Lâm Đồng, có gần 47.800 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 371.500 tỷ đồng, chiếm hơn 43,4 % về số lượng DN và gần 41,7 % về số vốn đăng ký so với cả nước.

Ông Liêm cho rằng, sự khởi sắc này là một trong những dẫn chứng thực tế nhất cho thấy hiệu quả và tác động tích cực của công cuộc cải cách môi trường kinh doanh nói chung, cải cách đăng ký kinh doanh nói riêng đối với sự phát triển của cộng đồng DN theo tinh thần của Nghị quyết 35.

Qua phân tích, tổng hợp các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 35 và cam kết của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, cho thấy một số cam kết bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu đề ra.

Tại nhiều địa phương, từ khi Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 được ban hành, lãnh đạo nhiều địa phương đã có sự chuyển biến rõ ràng trong suy nghĩ và hành động. Nhiều nơi lãnh đạo với tinh thần cầu thị đã trực tiếp gặp gỡ, giải quyết những khó khăn cho DN thông qua những buổi cà phê với DN…

Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 35, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã trực tiếp chủ trì, gặp gỡ, chia sẻ và giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN. Nếu trước đây, có những vướng mắc của DN phải giải quyết tới nửa tháng thì nay có khi chỉ 2 tiếng đồng hồ.

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn bất cập cần được khơi thông.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TPHCM cho biết cộng đồng DN rất hoan nghênh Nghị quyết 35. Tuy nhiên, để tinh thần Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì vai trò của các hiệp hội DN là rất lớn.

Khu vực phía nam hiện có khoảng 217 hiệp hội DN đang hoạt động nhưng chỉ một số ít hiệp hội hoạt động hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa các DN hội viên với cơ quan hữu quan của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp hội viên.

Chính vì vậy, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong thời gian tới, các hiệp hội DN cần phải phát huy hơn nữa vai trò phản biện, đưa các kiến nghị của các DN hội viên lên các cơ quan chức năng của Nhà nước và đối thoại trực tiếp khi có vướng mắc.

Các hiệp hội phải đại diện cho tiếng nói của DN hội viên tham gia góp ý chính sách. Bên cạnh đó, các DN trong hiệp hội cũng phải chuyển đổi phương thức hoạt động, loại bỏ tư duy chạy chọt, quan hệ để công khai minh bạch thông tin, liên kết chặt chẽ trong giải quyết các tranh chấp theo pháp luật.

Kiến nghị từ DN

Ông Trần Ngọc Liêm cho biết, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến 2020 nhấn mạnh Nhà nước sẽ có những chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Để chính quyền các cấp sớm thực hiện được các mục tiêu trên, cộng đồng DN phía nam kiến nghị Quốc hội cần sớm thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành dự thảo Nghị định dự kiến sẽ ban hành liên quan đến dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để Luật có thể đi vào cuộc sống ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật về công nghiệp hỗ trợ. Thực tiễn hoạt động của các DN cho thấy, việc kết nối DN nhỏ và vừa trong nước với các chuỗi sản xuất cung ứng của các tập đoàn xuyên quốc gia rất cần một khung khổ pháp luật và chính sách đủ mạnh để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vốn đang rất trì trệ hiện nay.

Theo Lê Anh(Báo chính phủ)