PCI TẠO CẢM HỨNG VÀ ÁP LỰC CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẢI CÁCH

Tổng số doanh nghiệp tham gia phản hồi điều tra PCI năm 2016 là 10.037 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 2.042 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 và 2016.

PCI không những tạo cảm hứng mà còn là áp lực để các địa phương cải cách môi trường kinh doanh – đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại lễ công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016.

Những sáng kiến cải cách đã lan tỏa

Qua 12 năm điều tra, nghiên cứu PCI đã thúc đẩy những sáng kiến cải cách từ cơ sở. Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc , “dàn đồng ca” cải cách môi trường kinh doanh ở các địa phương ngày càng đồng đều, những động lực từ PCI đã thực sự lan tỏa.

Theo Chủ tịch VCCI, đích đến của PCI không phải là thứ bậc mà là những dư địa cải cách được chỉ ra, những phương pháp cải cách cần được tiến hành và những bài học thực tiễn cần được chia sẻ và lan tỏa, như: Nụ cười công chức tại Đà Nẵng; Cà phê doanh nhân Đồng Tháp – Tuyên Quang; Trung tâm hành chính công; Bác sĩ DN ở Bắc Ninh…; và gần đây nhất là câu chuyện về “Ngày DN” thứ 6 cuối tuần tại Cần Thơ…

Tôi hi vọng chúng ta sẽ có 1001 câu chuyện rất thực để tạo động lực cải cách tại Việt Nam. Sức mạnh của cải cách không chỉ là thông điệp mạnh mẽ và nghị quyết đồng bộ mà là những mô hình thực tế có sức lay động” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

PCI cũng thấy những tín hiệu vui như nhóm các dịa phương cuối bảng xếp hạng đang bứt phá với những sáng kiến cải cách. Những trung tâm thành phố lớn với sức ỳ từ nhiều năm đã có những cải thiện sôi nổi. Điểm rất đáng ghi nhận trong PCI 2016 là sự cải thiện điểm số PCI của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt, lần lượt ở vị trí 14 và 21 trên bảng xếp hạng. Cuộc đua để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh đang trở nên hấp dẫn.

Với một nền tảng hành chính phục vụ được xây dựng khá vững chắc, Đà Nẵng đã nhiều năm qua được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam” tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, thành phố này được các DN vinh danh vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI.

Bảng xếp hạng PCI 2016 chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI. Thành công này là sự ghi nhận của cộng đồng DN từ việc tích cực áp dụng những sáng kiến cải cách.

Quảng Ninh cũng có hệ thống chấm điểm điện tử của người dân đối với các cán bộ công chức hay mô hình PCI thu nhỏ trong nội bộ tỉnh.

Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu, sau nhiều năm nằm trong nhóm Khá.

Đánh giá một cách tổng thể, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, các tỉnh đã nỗ lực vượt lên, 81% các tỉnh đã có chỉ số cải thiện. Khoảng cách giữa các tỉnh đã thu hẹp.

Ba chỉ tiêu đánh giá tính năng động của chính quyền địa phương từ năm 2006 tới nay ghi nhận những biến chuyển khả quan. Tỉ lệ DN tại tỉnh trung vị đồng thuận với nhận định “Chính quyền tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” đã tăng từ 47% năm 2011 lên đến 57% năm 2016. Hiện tại, 70,5% DN tại tỉnh trung vị cho biết “Tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”, cao hơn 10% so với mức thấp kỷ lục của chỉ tiêu này vào năm 2011. Tỉ lệ DN cho biết “chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân” đã tăng thêm hơn 9 điểm phần trăm (44%) so với mức thấp kỉ lục của năm 2015.

Tạo động lực để DN phát triển

Theo Chủ tịch VCCI, môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều khởi sắc. Năm 2016, gần một nửa (48%) DN dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức năm 2015 (49%) và một nửa DN nước ngoài cho biết đang có kế hoạch tiếp tục phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả này trùng khớp với nghiên cứu cảm nhận đầu tư của Hội các DN nước ngoài tại Việt Nam. Đây là mức tăng cao nhất từ năm 2010 và là điểm sáng đáng khích lệ.

Đằng sau những tín hiệu tích cực đó chính là chủ trương của Chính phủ mới trong việc xây dựng quốc gia khởi nghiệp và chính phủ kiến tạo. Hiện nay, đang có một sung lực cải cách mạnh mẽ và đồng bộ được thực hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, là những động thái cải cách tích cực từ cấp cơ sở đã tạo nên một bước đi mới cho cải cách” – TS Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Ted Osius – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: Bản báo cáo này có tầm quan trọng sống còn đối với các nhà đầu tư và DN đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ tự hào hợp tác với VCCI trong 12 năm qua trong các nỗ lực khảo sát và phân tích số liệu để xây dựng bản báo cáo này.

Nhiều địa phương trước đây không được xếp hạng cao thì nay đã cải thiện, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương xếp hạng cao nhất và xếp hạng thấp nhất. Các DN nước ngoài nhận thấy rằng chi phí gia nhập thị trường đã giảm đáng kể, và họ coi đó là nhờ có Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014. Các địa phương đang ngày càng sáng tạo trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Họ đã chủ động tiếp cận giới DN để tìm các giải pháp sáng tạo cho những thách thức cải cách đang tồn tại” – Vị đại sứ nhấn mạnh.

Tựu chung lại, PCI đã mang đến những hiệu ứng lan toả tích cực trong không khí cải cách chung của cả nước. Và PCI từ bộ chỉ số mang tính khuyến cáo, khuyến nghị, PCI đã trở thành yêu cầu bắt buộc và được ghi nhận trong Nghị quyết của Chính phủ về các định hướng cải cách của chính quyền địa phương. PCI không chỉ là thông điệp của VN trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của VN mà nó đã đưa đến chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy cải cách. PCI cũng đã được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.

Cảm nhận của các DN về vấn đề môi trường

 

Đây là năm đầu tiên PCI điều tra quan điểm của các DN về sự ảnh hưởng của các vấn đề môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, phần đông các DN (50% DN FDI và 45% DN trong nước) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm, đặc biệt là các DN nông nghiệp, thủy sản, tài chính và dịch vụ.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chế tạo cũng chịu nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Kết quả điều tra PCI cũng thấy rằng một số lượng lớn các DN đã nỗ lực phòng chống ô nhiễm môi trường ngay chính tại DN của mình, thông qua việc áp dụng các quy chế nội bộ và các chương trình đào tạo, tập huấn cho người lao động về bảo vệ môi trường. 75% DN FDI và 73% DN dân doanh hiện đang áp dụng các “chính sách xanh” (giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng nguyên liệu và năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất) tại chính DN. Tỉ lệ DN cho biết họ tuân thủ các quy định môi trường ở mức cao, đồng thời cũng sẵn lòng nỗ lực bảo vệ môi trường dù biết rằng việc này sẽ làm tăng chi phí của DN Sau sự cố môi trường Formosa, các DN dường như đồng tình cao hơn và chấp nhận nghĩa vụ thực thi các quy định về môi trường mà chính quyền địa phương tiến hành, dù điều đó có thể sẽ gia tăng gánh nặng chi phí và trách nhiệm cho DN (tỉ lệ 95% đối với DN FDI và 91% đối với DN trong nước).

Đồng thời, các DN cho rằng chính các DN phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường dù việc này làm tăng chi phí của DN (97% DN FDI và 96% DN trong nước đồng ý). Cuối cùng, một thông điệp rõ ràng là, đặt ra vấn đề phải lựa chọn hoặc tăng trưởng kinh tế hoặc môi trường trong lành là một quan điểm sai lầm. Cộng đồng DN Việt Nam hưởng lợi từ một Việt Nam “xanh” và họ ủng hộ các nỗ lực để giữ cho môi trường trong lành tại đất nước này.

Theo Báo DĐ DN