Danh mục dược liệu độc sử dụng làm thuốc

Ảnh minh họa

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục dược liệu độc sử dụng làm thuốc tại Việt Nam.

Danh mục dược liệu độc sử dụng làm thuốc tại Việt Nam bao gồm danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật (40 loại gồm: Ba đậu, ba đậu nam, bạch hoa xà, bán hạ nam (sống), cà độc dược…), dược liệu độc nguồn gốc từ động vật (gồm 5 loại: Bọ hung, ngô công, sâu ban miêu, cóc, toàn yết) và dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật (8 loại: bàng sa, duyên đơn, duyên phấn, hùng hoàng, kinh phấn, lưu hoàng, mật đà tăng, thần sa).

Bộ Y tế cho biết, danh mục dược liệu độc sử dụng làm thuốc tại Việt Nam được xây dựng dựa trên các căn cứ sau: Bằng chứng khoa học về an toàn và độc tính của dược liệu; tài liệu y văn về sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, kinh nghiệm sử dụng thuốc cổ truyền tại Việt Nam có thành phần là các dược liệu sử dụng làm thuốc có thể gây ra tác dụng có hại nghiêm trọng (là những tác dụng có thể gây ra hậu quả tử vong, nguy hiểm đến tính mạng, cần phải nhập viện để điều trị hay kéo dài thời gian điều trị, gây tàn tật nặng nề hay vĩnh viễn, sinh con dị dạng, dị tật bẩm sinh và các hậu quả tương đương) đã được biết và/hoặc khuyến cáo có tác dụng này; cơ sở dữ liệu về dược liệu độc ở một số nước trên thế giới; phù hợp với thực tế sử dụng, cung ứng thuốc của Việt Nam.

5 tiêu chí lựa chọn

Theo dự thảo, dược liệu đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau được lựa chọn đưa vào Danh mục dược liệu độc sử dụng làm thuốc: 1- Dược liệu được sử dụng làm thuốc có độc tính cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng; 2- Dược liệu có độc tính hoặc trong quá trình sử dụng có thể gây ra tác dụng có hại nghiêm trọng đã được biết và/hoặc khuyến cáo có tác dụng có hại; 3- Dược liệu dùng làm thuốc cần phải chú ý đến cách sử dụng, kiểm soát chặt chẽ liều dùng, đối tượng dùng và phải được chế biến theo quy trình nghiêm ngặt, đúng kỹ thuật; 4- Dược liệu có phạm vi liều dùng hẹp, phải thận trọng khi dùng, có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần phải theo dõi lâm sàng; 5- Được chỉ định trong điều trị nhất thiết phải có sự thăm khám, tư vấn và theo dõi của thầy thuốc.

Dự thảo nêu rõ, dược liệu độc dùng làm thuốc phải được sử dụng, kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đối tượng dùng, đường dùng và phải được chế biến theo đúng các quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế quy định. Việc kinh doanh, sản xuất thuốc có sử dụng dược liệu trong Danh mục dược liệu độc phải thực hiện theo đúng các quy định về dược và các quy định về an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn(Báo chính phủ)