Cách phân biệt kim cương tự nhiên và nhân tạo

Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (DOJILAB) cho biết, vài năm gần đây, nhiều công ty trong ngành trang sức bắt đầu sản xuất kim cương tổng hợp đáp ứng nhu cầu thị trường. Không ít đơn vị đầu tư lớn để cải thiện màu sắc và độ tinh khiết cũng như tăng trọng lượng của sản phẩm nhân tạo này.

"Sản phẩm này được bán theo từng lô bao gồm hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn viên mà có thể đã được trộn lẫn cả kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp. Điều này ảnh hưởng đến người mua và thị trường trang sức trong nước", đại diện DOJILAB bày tỏ.

cach-phan-biet-kim-cuong-tu-nhien-va-nhan-tao

Đại diện Viện DOJILAB chia sẻ phương pháp phân biệt kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp.

Để nhận biết các loại kim cương tổng hợp, các nhà ngọc học đã sử dụng một số loại thiết bị như: khúc xạ kế, đèn cực tím, kính hiển vi, kính phân cực... Nhưng khi chất lượng kim cương tổng hợp được cải thiện, chúng trở thành thách thức đối với các nhà ngọc học khi chỉ sử dụng những thiết bị giám định cơ bản.

Tại hội thảo chuyên đề "Nhận biết kim cương tổng hợp nhân tạo từ phòng giám định đến thị trường" do Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (DOJILAB), thuộc Tập đoàn DOJI tổ chức mới đây, một số phương pháp giám định mới để phân biệt đặc tính cũng như chất lượng giữa kim cương tự nhiên và tổng hợp được nhiều chuyên gia đưa ra.

Phương pháp mà Viện DOJILAB giới thiệu dựa trên tính phát quang và lân quang của kim cương tổng hợp. Tính phát quang của kim cương thường mạnh hơn dưới sóng ngắn và có thể biểu hiện những mô hình đặc trưng. Khi đèn cực tím tắt, kim cương tổng hợp vẫn cho thấy lân quang (dạ quang) sau đó một phút hoặc lâu hơn.

cach-phan-biet-kim-cuong-tu-nhien-va-nhan-tao-1

Tiến sĩ Ahmadjan Abduriyim - Chủ tịch Hội ngọc học Tokyo (Nhật Bản - đứng bên trái) thuyết trình tại hội thảo.

Dẫn số liệu từ Viện Ngọc học Mỹ, đại diện DOJILAB cho biết, trong số các mẫu được giám định thì 35% kim cương tự nhiên có màu phát quang. 97% trong số kim cương này phát quang màu lơ và không có lân quang (dạ quang); 3% còn lại có màu phát quang khác màu lơ với lân quang từ mức độ yếu tới trung bình. Vì thế bất kỳ viên kim cương nào phát quang ngoài màu lơ hoặc có lân quang đều có thể bị nghi ngờ là kim cương tổng hợp.

Nhờ đó, DOJILAB đã dựa vào tính phát quang và lân quang của kim cương tổng hợp để bước đầu nhận biết sản phẩm. Do tính phát quang và lân quang của kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp khác nhau nên những viên kim cương bị nghi ngờ sẽ được phân loại và xác định.

Để cho kết quả chính xác, Viện DOJILAB sẽ tiếp tục kiểm tra thêm với một số thiết bị khác như kính hiển vi, kính phân cực và những thiết bị hiện đại khác.

Theo Thanh Thư / VNE