Doanh nghiệp gặp khó vì Nghị định 86 và Thông tư 63

Nhiều DN than khó vì phải đăng ký kinh doanh bổ sung ngành nghề vận tải để được cấp phù hiệu cho xe tải

Theo Nghị định số 86 năm 2014 của Chính phủ, đặc biệt là Thông tư 63 của Bộ GTVT, ôtô kinh doanh vận tải có trọng tải từ 3,5 đến dưới 7 tấn phải gắn phù hiệu lưu hành, nếu không sẽ bị phạt.

Tại TP.HCM, muốn được cấp phù hiệu, doanh nghiệp phải đăng ký bổ sung kinh doanh ngành vận tải hàng hóa bằng ôtô. Thế là bỗng dưng doanh nghiệp có thêm ngành kinh doanh mới!

Phải bổ sung ngành nghề mới

Ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc Công ty thủy hải sản Gió Mới, cho biết từ đầu năm đến nay chiếc xe tải 4,6 tấn duy nhất của doanh nghiệp phải tạm xếp xó, không thể chạy được vì quy định từ ngày 1/1/2017 xe tải trên 3,5 tấn phải gắn phù hiệu lưu hành mới được phép lưu thông.

“Chiếc xe tải này trước giờ tôi vẫn dùng chở hàng của chính doanh nghiệp mình đến các nhà hàng, vậy mà nay tôi phải thuê một xe khác chở hàng cho mình vì thủ tục gắn phù hiệu cho xe tải này chưa xong” - ông Triều nói.

Theo ông Triều, dù hiểu rằng quy định trên nhằm gắn hộp đen cho xe tải để tiện quản lý, nhưng thủ tục để được gắn phù hiệu cho xe tải khá phức tạp.

Theo đó, ông phải bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải ôtô tại Sở KH&ĐT TP.HCM, sau đó lên Sở GTVT làm giải trình mục đích sử dụng, rồi đi đăng kiểm, khai báo lại... mới được gắn phù hiệu, hộp đen cho xe.

“Tôi chỉ có mỗi một chiếc xe tải, cũng không có nhu cầu cho thuê xe nên thấy rắc rối quá. Tôi đã nhờ dịch vụ làm thủ tục, chấp nhận tốn kém nhưng đến nay vẫn chưa xong” - ông Triều nói.

Cũng trong tình cảnh như trên, ông Nguyễn Đặng Hiến, Giám đốc Công ty Tân Quang Minh chuyên sản xuất nước giải khát, cho biết doanh nghiệp có 4 xe tải để chở hàng hóa của công ty đến nhà phân phối, không chạy thuê.

Nhưng từ đầu năm 2017, theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, doanh nghiệp phải bổ sung ngành nghề vào giấy đăng ký kinh doanh.

“Chúng tôi không kinh doanh vận tải, nên muốn được cấp phù hiệu cho 4 xe mà không phải bổ sung ngành nghề kinh doanh mới” - đại diện Công ty Tân Quang Minh đề xuất.

Nên có hướng dẫn sát thực tế hơn

Trong văn bản trả lời một doanh nghiệp có thắc mắc về vấn đề trên, Sở GTVT TP.HCM cho rằng theo hướng dẫn thực hiện Nghị định 86 của Chính phủ, khái niệm kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc sử dụng ôtô vận tải hàng hóa, hành khách nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm cả kinh doanh thu tiền trực tiếp và không thu tiền trực tiếp.

Trong đó, hoạt động kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh mà đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ...

Do đó, theo Sở GTVT TP.HCM, trường hợp hoạt động của một số doanh nghiệp có thắc mắc là... kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

Trong khi đó, Sở GTVT nêu Thông tư của Bộ GTVT đã hướng dẫn rõ bộ hồ sơ để được cấp phù hiệu là doanh nghiệp có kinh doanh taxi hay ôtô kinh doanh vận tải... phải có giấy phép kinh doanh vận tải.

Dù Sở GTVT đã trả lời nhưng theo ông Nguyễn Đặng Hiến, công ty ông chuyên sản xuất nước giải khát, sử dụng xe tải chỉ để chở hàng hóa cho khách hàng của mình, doanh nghiệp không kinh doanh vận tải, do vậy quy định phải bổ sung ngành nghề vận tải là không hợp lý.

Ông Hải Triều cũng chia sẻ doanh nghiệp ủng hộ chủ trương gắn phù hiệu xe tải, nhưng cách làm hiện nay là “đẻ ra” nhiều giấy phép con. Chưa kể có xe chưa hết hạn nhưng phải đi đăng kiểm lại, tốn kém chi phí không cần thiết.

Theo luật sư Võ Đan Mạch - Đoàn luật sư TP.HCM, theo Nghị định 86 và thông tư 63/2014 của Bộ GTVT thì doanh nghiệp có xe tải từ 3,5 tấn phải xin giấy phép kinh doanh ngành nghề vận tải, rồi mới làm hồ sơ xin phù hiệu.

Vấn đề là thực tế có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng ôtô tải chỉ để vận chuyển hàng nội bộ, không hạch toán riêng, nên không thể quy vào diện “doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô không thu tiền trực tiếp”.

Ông Mạch cho rằng đang có cách hiểu vận dụng và quy định chưa sát thực tế. Vì vậy cơ quan quản lý cần điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp.

“Phải xác định lại thế nào là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chứ không thể ép bổ sung ngành nghề như vậy. Căn cứ thực tiễn, cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện” - ông Mạch đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN-KCX TP.HCM, cho rằng với quy trình trên, cách quản lý chẳng khác gì phát sinh thêm “giấy phép cháu, giấy phép chắt” khi buộc doanh nghiệp sở hữu xe vận tải nhưng không có nhu cầu kinh doanh ngành vận tải phải đăng ký kinh doanh lại.

Cũng theo ông Bé, doanh nghiệp đồng ý cần gắn phù hiệu lưu hành cho xe tải, gắn hộp đen, nhưng với quy trình như hiện nay là không hợp lý. “Các doanh nghiệp này không thu cước phí của bất cứ đơn vị nào và đã tự động lắp hộp đen về quản lý từ lâu. Giờ đây phải làm thêm các thủ tục hành chính trong kinh doanh vận tải là thật sự rườm rà và không cần thiết” - ông Bé nói.

Theo Như Bình/Báo chính phủ/báo Tuổi Trẻ