Doanh nghiệp Việt Nam đã qua cơn 'bĩ cực'?

DN Việt Nam hiện đang trong tình trạng khó khăn và không có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước
DN Việt Nam hiện đang trong tình trạng khó khăn và không có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong thời gian tới, để DN thành lập hoạt động sống khỏe, phát triển ổn định, các bộ, ngành cần quyết liệt thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19  của Chính phủ.

Hiệu quả hoạt động chưa cao

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại cuộc họp báo Chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016, ngày 11/4/2017 tại Hà Nội nhận định, sức khỏe DN vẫn yếu. Theo chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển DN năm 2016 của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng số DN thực tế đang hoạt động (không bao gồm các DN đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các DN ngừng hoạt động có đăng ký) tính đến 31/12/2016 cả nước có 477.808 DN, tăng 8% so với năm 2015. Số DN thành lập mới trên cả nước năm 2016 đạt kỷ lục với 110.000 DN, tăng 16,2% so với năm 2015.

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cũng có đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp các tỉnh, thành phố bình quân giai đoạn 2000 - 2015. Theo đó, tổng số DN đang hoạt động cập nhật đến 31/12/2015 là 442.485 DN, bình quân mỗi năm tăng 17,6%. Tổng vốn thu hút vào khu vực DN cả nước tại thời điểm 31/12 đạt hơn 23,656 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 -  2015, mỗi năm khu vực DN thu hút tăng thêm 22,8% vốn cho sản xuất kinh doanh.

Con số này cho thấy, DN Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, mạnh về quy mô, tăng trưởng về lao động và vốn. Tuy nhiên, theo ông Thúy, hiệu quả của DN vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… “Đây là một thực tế khách quan thể hiện sức khỏe của nền kinh tế nói chung và khu vực DN nói riêng, nền kinh tế nước ta đang phát triển theo chiều rộng song hiệu quả không cao. Thực tế DN Việt Nam có 97% DN vừa và nhỏ, trong đó vốn và điều kiện trang bị kỹ thuật rất lạc hậu. Do đó, hiệu quả kinh doanh chưa cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN là không bền vững...”, ông Thúy nói.

Tổng cục Thống kê cũng đưa ra con số lợi nhuận của khu vực DN là tăng thấp và đóng góp vào NSNN ít. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2015 đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000 - 2015 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 19%, thấp hơn mức tăng của vốn 22,8% và doanh thu 21,6%. Cùng với đó, mỗi năm khu vực DN đóng góp cho NSNN 746,4 nghìn tỷ đồng. Bình quân  giai đoạn 2000 - 2015 mỗi năm khu vực DN đóng góp cho NSNN tăng 18,2%, thấp hơn mức tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận. 

Ông Thúy nhấn mạnh: “Điều này cho thấy, hiệu quả DN Việt Nam hiện nay nhìn chung còn thấp, trong năm 2015, đặc biệt giai đoạn 2010 - 2015. Đó là khi Việt Nam vẫn đang nằm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và năm 2015 là năm đầu thoát khỏi khủng hoảng này. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN bằng những chính sách “cởi mở”. Điển hình như chính sách về thuế như: Hạn chế hoặc miễn giảm các loại thuế, trong đó có thuế TNDN, gia hạn nộp thuế TNDN. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những chính sách làm cho mức độ đóng góp vào NSNN của DN thấp đi so với trước thời kỳ khủng hoảng”. 

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ DN 

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương nhận định: “DN Việt Nam hiện đang trong tình trạng khó khăn và không có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Nếu khu vực DN cứ tồn tại với năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng, điều kiện kỹ thuật và năng lực kinh doanh hiện nay thì chắc chắn thời gian tới hiệu quả của nền kinh tế và DN rất thấp”.

Chính vì vậy, Chính phủ đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 35/NQ- CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (NQ 35) và Nghị quyết 19- 2016/NQ-CP của Chính phủ (NQ 19), chỉ rõ đích danh từng bộ ngành địa phương cần làm gì để khu vực DN phát triển tốt nhất trên mọi lĩnh vực, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động, trong đó có DN tầm cỡ quy mô lớn và đảm bảo các DN ngoài nhà nước đóng lớn vào GDP”.

Đồng thời, hiện nay, Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định 59) sửa đổi đã được các bộ ngành hoàn thiện và sắp tới trình lên Chính phủ thường trực. Cùng với đó, Luật DN vừa và nhỏ đã chuẩn bị giải trình để Quốc hội thông qua. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho DN phát triển.

“Chúng ta hy vọng số lượng DN thành lập mới giai đoạn 2011 - 2015, năm 2016 và từ quý I/2017 tăng mạnh sẽ tạo tiền đề tốt để nền kinh tế tăng cao hơn trong quý II, quý III năm 2017. Đồng thời, các DN phải phát huy tinh thần tự hào dân tộc, xây dựng nền kinh doanh lành mạnh, đảm bảo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh với DN trong khu vực và thế giới”, ông Long nhấn mạnh... 

Chính phủ đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 35/NQ- CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19 - 2016/NQ-CP của Chính phủ, chỉ rõ đích danh từng bộ ngành địa phương cần làm gì để khu vực DN phát triển tốt nhất trên mọi lĩnh vực, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động.
Theo Nam Khánh(Thời báo tài chính)