Đừng đặt gánh nặng lên vai Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ

Ảnh: VGP/Huy Thắng
Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV do VCCI phối hợp với Hội đồng Trung ương các Hiệp hội DN Việt Nam tổ chức ngày 13/4, hầu hết đại diện các DN cho rằng dự án Luật có nhiều nội dung tích cực như: Thông tin tư vấn, thị trường, hỗ trợ thông tin về đầu tư cho DN, hỗ trợ đào tạo nguồn lực… Tuy nhiên, Luật cần có những quy định cụ thể hóa, không nên quy định chung chung, dẫn tới khó thực hiện. 

Điều các DN mong muốn là cần tạo một môi trường tốt để có thể cạnh tranh bình đẳng, thay vì đưa ra quá nhiều tham vọng về chính sách hỗ trợ, đặc biệt  trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp.

Qua quá trình tranh luận, lấy ý kiến, cho thấy, dự thảo Luật lần này vẫn cần phải điều chỉnh nhiều nội dung. Cụ thể, đại diện một số hiệp hội DN không đồng tình với việc đưa quy định trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam vào Điều 29 của dự thảo Luật.

Điều 29 quy định cụ thể 6 nhóm trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam đối với DN, từ tập hợp, liên kết, đại diện bảo vệ, huy động nguồn lực, thực hiện hỗ trợ DN hội viên, cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ DN, cung cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội… cho tới đào tạo, tư vấn cung cấp thông tin cho DNNVV.

Đại diện các DN cho rằng, quy định này là không hợp lý, vì đã quy định vào luật có nghĩa là mang tính chất ràng buộc phải tham gia Hiệp hội DNNVV Việt Nam thì mới được nhận hỗ trợ.

Các DN bày tỏ quan điểm, việc quy định quá nhiều trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam trong thực hiện hỗ trợ DN hội viên, cung cấp chứng chỉ, chứng nhận… là tạo ra một cấp hành chính mới, phiền hà, mang cơ chế xin cho ở một hiệp hội.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc tham gia hội là tự nguyện, thấy cần thì tham gia Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hoặc ngược lại thì không nhất thiết tham gia: “Nếu Luật này chi phối như vậy, thì sau này muốn hỗ trợ thì DN phải vào Hiệp hội thì mới được hỗ trợ. Điều này làm mất tính thị trường, mất tính cạnh tranh và mất tính đổi mới trong quan hệ lao động và quan hệ tổ chức với nhau”.

Nhiều DN cũng băn khoăn về tiêu chí xác định DNNVV là DN có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Với quy định này, đại diện các DN cho rằng không phù hợp, và theo đó thì hầu như tất cả DN hiện nay phải tập hợp vào Hiệp hội DNNVV.

Do đó, nhiều ý kiến đề nghị tiêu chí xác định DNNVV nên tham khảo với quy định trong Luật DN và Luật Chứng khoán, không nên đặt ra tiêu chí buộc phải gom về Hiệp hội DNNVV Việt Nam.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, ngoài VCCI, DN hiện chỉ cần thêm đầu mối là hiệp hội ngành nghề và hiệp hội doanh nghiệp địa phương. 

GS.TS. Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho rằng, để từ “hỗ trợ” sẽ khiến Việt Nam bị ảnh hưởng khi thực thi các hiệp định thương mại tự do. 

Tên dự án Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nên đổi tên thành Luật Bảo vệ DNNVV, cần ngắn gọn và sát với thực tế hơn.

Ông Tuất dẫn chứng về luật 8 chữ khá nổi tiếng của Hàn Quốc vào những năm 1960, chỉ với câu ngắn “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ”, mà chỉ sau vài năm, hàng vạn DN nhỏ Hàn Quốc đã ra đời và chế tạo linh kiện nhỏ ở tầm công nghệ cao.

Theo Anh Minh(Báo chính phủ)