Hình ảnh cuộc họp giao ban của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) chi nhánh Hải Phòng ngày 14/4

Hình ảnh cuộc họp giao ban của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) chi nhánh Hải Phòng ngày 14/4

Phát biểu tại cuộc họp giao ban của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) chi nhánh Hải Phòng, ông Phí Văn Dực- Giám đốc VCCI Hải Phòng cho biết: “Thực hiện chức năng là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và DN, bám sát nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu năm 2017 tăng trưởng cao hơn năm 2016. VCCI Hải Phòng sẽ tiếp tục tập hợp và đề xuất với các cơ quan chức năng những kiến nghị của cộng đồng DN về kiến tạo môi trường chính sách thuận lợi; hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường triển khai các công tác đào tạo- xây dựng năng lực; chia sẻ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm về phát triển bền vững cho DN”.

Tại cuộc họp, 18 Hội và Hiệp hội (HH) DN trên địa bàn TP Hải Phòng đã cùng đóng góp những ý kiến, cũng như bày tỏ khó khăn, vướng mắc mà các DN đang gặp phải. Các đơn vị này cũng đề xuất VCCI Hải Phòng tập hợp kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết cho DN.

DN “hoảng” vì giá thuê đất…

Liên quan đến việc thành phố cho các DN thuê đất tại CCN Vĩnh Niệm, đại diện HH DN Quận Lê Chân cho biết, ban đầu vì muốn thu hút đầu tư thành phố đề ra nhiều ưu đãi, trải thảm đỏ để đón tiếp các DN, DN vào CCN không phải GPMB mà do nhà nước hỗ trợ, Hợp đồng thuê đất ký với Sở TNMT 50 năm, giá thuê dất là 1000đ/m2 và trong hợp đồng có điều khoản quy định giá thuê đất sẽ không thay đổi theo từng năm. Nhưng bắt đầu năm 2011, Cục thuế đề nghị UBND thành phố điều chỉnh giá thuê đất tăng 50- 70 lần so với giá trong hợp đồng, năm 2015 thành phố chính thức điều chỉnh khiến các DN trong CCN Vĩnh Niệm “đứng ngồi không yên”.

Chúng tôi đã kiến nghị vấn đề này lên các cấp địa phương 7 năm nay nhưng chưa được giải quyết. Tới đấy chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị, nếu không thể thương lượng được có thể chúng tôi sẽ đưa ra tòa hành chính vị này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm như trên, ông Phạm Quang Vinh- Chủ tịch HH Du lịch Hải Phòng chia sẻ: Đa số các DN làm du lịch đều rất khó khăn vì phải đi thuê đất bởi làm du lịch phải có tài sản phải có đất đai. Nhưng tiền thuê đất thì liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, trong khi diện tích đất xây dựng công trình chiếm tỷ lệ ít hơn so với diện tích đất đường giao thông nội bộ và cây xanh.

Vì vậy, HH kiến nghị điều chỉnh giảm đơn giá đất đối với diện tích trồng cây xanh, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe để giảm khó khăn cho các DN làm du lịch. Việc áp dụng giá thuê đất 1 giá rất lạc hậu và không thực tế.

Ông Vinh đưa ví dụ như trường hợp của Cty TNHH Phí Vinh, có diện tích đất xây dựng công trình chiếm 30%, phần diện tích đất còn lại để xây dựng đường giao thông nội bộ và trồng cây xanh. Thời gian vừa qua, Cty Phú Vinh đã có kiến nghị đến các cơ quan ban ngành thành phố về việc điều chỉnh giá thuê đất cho từng loại đất và đã được UBND thành phố, Cục Thuế, Sở TNMT,…xem xét đánh giá hiện trạng sử dụng đất của Cty và cho rằng kiến nghị của Cty là phù hợp. UBND thành phố đã giao cho UBND huyện Tiên Lãng rà soát lại và trình, báo cáo. Trường hợp của Cty Phú Vinh có thể coi là tiền đề cho các DN khác trong việc giải quyết thuê đất của DN mình.

…và “vướng” nhiều vấn đề

Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến- Chủ tịch Hiệp hội DN vận tải đường bộ Hải Phòng chia sẻ vướng mắc về vấn đề thuế phí vận tải. Cụ thể ông Tiến cho biết, các DN vận tải đang quan tâm nhiều nhất tới vấn đề phí và cước. Hiện, Nhà nước ban hành chính sách quản lý DN, nhưng việc DN áp dụng chính sách lại đang gặp khó khăn, bất cập.

“Đơn cử như phí bảo trì đường bộ, mỗi một xe đi đăng kiểm phải đóng phí bảo trì đường bộ là 1,7 triệu/xe (áp dụng với cả xe đắp chiếu) nhưng trong quá trình hoạt động vận tải qua các con đường được đầu tư theo hình thức BOT, các trạm thu phí chúng tôi lại phải nộp phí mà trong đó có phí bảo trì đường bộ, đó là “phí chồng phí” nhưng khi chúng tôi có ý kiến thì các cơ quan ban ngành cho rằng không có việc phí chồng phí” ông Tiến chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội DN vận tải đường bộ Hải Phòng, thời gian vừa qua các DN vận tải Hải Phòng điêu đứng vì liên tiếp phải đi đường vòng vì thành phố triển khai các dự án giao thông (cầu vượt Lê Hồng Phong, cầu vượt Đình Vũ). Thành phố luôn cho rằng DN phải chia sẻ với thành phố, nhưng thành phố lại không hề chia sẻ với khó khăn của DN.

Ông Tiến cho rằng, từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, tại Hải Phòng có rất nhiều DN ồ ạt đầu tư phương tiện để vận chuyển hàng hóa, dẫn đến cung vượt quá cầu, nhiều DN không thể cạnh tranh được phải bán xe với giá rẻ để tiếp tục kinh doanh.

“Nếu có một phương thức dự báo về sự phát triển kinh tế thì phải chăng rủi ro kinh doanh của các DN sẽ giảm đi. Do đó, HH xin đề xuất Chính phủ nên có cơ chế dự báo tăng trưởng kinh tế, định hướng sự phát triển để tránh việc DN đầu tư một cách cảm tính dẫn đến thu lỗ, thậm chí “xóa sổ”,” ông Tiến kiến nghị.

Về mảng du lịch, Chủ tịch HH DN quận Đồ Sơn- ông Vũ Văn Thành cho rằng, Đồ Sơn là khu du lịch trọng điểm của TP Hải Phòng nhưng hiện hoạt động du lịch chỉ chiếm 30% tổng doanh thu của toàn quận. Lý do bởi du lịch Đồ Sơn chưa được quan tâm đúng hướng từ cơ sở hạ tầng, môi trường bãi tắm, chất lượng mỹ thuật… Khiến những thế mạnh về địa điểm du lịch như lễ hội tâm linh của Đồ Sơn chưa được khai thác, nhiều khu du lịch thâm chí bị “bỏ qua” như khu 1, du khách đến Đồ Sơn thường chỉ đến khu 2, dẫn đến việc quá tải.

Vì vậy, HH DN quận Đồ Sơn đã đề xuất với UBND quận Đồ Sơn về việc cải tạo bãi tắm khu 1 nhưng việc cải tạo cần nguồn kinh phí rất lớn. UBND quận đã đề nghị UBND TP kêu gọi DN có tiềm lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đầu tư, cải tạo, quản lý khai thác bãi tắm khu 1 bằng nguồn vốn của DN theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời, HH đã kiến nghị xây dựng một CNN tập trung để phát triển các ngành thương mại, sản xuất, kinh doanh khác.

Đại diện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nghề truyền thống, ông Bùi Văn Thanh- Chủ tịch Đúc đồng Mỹ Đồng cho biết: Trong thời gian qua VCCI Hải Phòng đã sát cánh cùng HH, đề xuất kiến nghị việc thành lập làng nghề giai đoạn 1 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN trong làng nghề. Hiện tại, các DN làng nghề đã vượt qua giai đoạn khó khăn, mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị cải tiến sản xuất.

“Nhu cầu thức tế cho thấy cần có một làng nghề 2, và dự án làng nghề 2 đã được HH trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ tới các cơ quan chức năng nhưng vẫn phải chờ. HH mong muốn VCCI Hải Phòng có tiếng nói giúp các DN để làng nghề sớm đi vào hoạt động tránh ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, để DN có thể đầu tư máy móc sản xuất tập trung đón đầu xu thế,” ông Thanh kiến nghị.

Ông Đặng Thế Lưỡng – Thư ký HHDN Hải An kiến nghị nên thành lập HH DN cấp thành phố, bởi trong khi có rất nhiều địa phương đang có HH DN cấp TP hoạt động rất tốt (như Quảng Ninh, Hải Dương) thì Hải Phòng mới chỉ có HH theo vùng miền, và nghề nghiệp.

Sau khi nghe kiến nghị và ý kiến từ các Hội, HH DN, Giám đốc VCCI Hải Phòng cho biết sẽ tập hợp lại để báo cáo thành phố và đề xuất Chính phủ. Đồng thời, nhắc các DN phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, các Hội và HH phải liên kết lại để huy động tiếng nói tập thể. VCCI Hải Phòng sẽ duy trì cuộc họp giao ban với các Hội và HH hàng tháng.

Theo Vũ Lan - Xuân Bách(Báo DĐ DN)