Các yêu cầu cơ bản

Để thực sự trở thành khung khổ hỗ trợ DNNVV thực chất và hiệu quả, Dự thảo Luật cần bảo đảm ít nhất các yêu cầu sau:

Thứ nhất, các biện pháp hỗ trợ DNNVV (chung, đặc thù) phải được xác định rõ về cơ chế, cách thức thực hiện, nguồn, các điều kiện hỗ trợ và chủ thể được hưởng hỗ trợ. Đây là yêu cầu tiên quyết, cốt lõi để các biện pháp hỗ trợ thực sự khả thi và có hiệu quả trên thực tế, khắc phục cơ bản hiện trạng các biện pháp hỗ trợ chung chung hiện nay.

Thứ hai, các tiêu chí để xác định các DNNVV thuộc diện được hưởng lợi từ các biện pháp hỗ trợ dự kiến cần phải được làm rõ, hạn chế tối đa hiện tượng cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc quyết định chủ thể hưởng lợi. Các cơ chế, chủ thể tham gia vào việc hỗ trợ DNNVV phải chặt chẽ, hiệu quả, với trách nhiệm rõ ràng, công bằng, phù hợp năng lực và phạm vi hoạt động.

Rà soát Dự thảo (phiên bản gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội tháng 3/2017) cho thấy các nội dung của Dự thảo hầu như chưa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi trên, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng DN về tính hiệu quả và khả thi của Dự Luật này nếu được thông qua.

Do Dự thảo có nhiều các nội dung bất cập, các ý kiến sau đây của cộng đồng DN và HH DN mà VCCI tổng hợp chỉ tập trung vào các hạn chế cơ bản xoay quanh các vấn đề cốt lõi của Luật này, bao gồm biện pháp hỗ trợ, chủ thể được hỗ trợ và chủ thể thực hiện hỗ trợ.

Về các biện pháp hỗ trợ DNNVV

So với các Dự thảo trước đây, Dự thảo lần này đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 07 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 03 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ngoài việc nhận diện này ra, Dự thảo dường như chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho DNNVV, hoặc là quá chung chung, hoặc là không khả thi.

Một số biện pháp hỗ trợ chỉ có tên gọi, hoàn toàn không xác định được nội dung hỗ trợ, cơ sở pháp lý hay cách thức vận hành. Ví dụ điển hình cho bất cập này là quy định về Biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 8 Dự thảo). Ngoài việc nêu tên biện pháp, Điều 8 Dự thảo không chỉ ra được biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng này thực chất là biện pháp gì, chưa nói tới chuyện các biện pháp đó sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, cho đối tượng nào…:

Biện pháp tác động vào các tổ chức tín dụng để họ cho DNNVV vay vốn (khoản 1): Dự thảo không có quy định gì về biện pháp này ngoài quy định giao cho Chính phủ quy định “Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ quyết định các cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa” (khoản 1);

Biện pháp tác động vào các đơn vị tư vấn để họ giúp DNNVV tăng năng lực tiếp cận nguồn vốn (khoản 2): Dự thảo hiện không có quy định nào về việc DNNVV sẽ được hỗ trợ thế nào (miễn phí hay giảm phí?), khi nào được hỗ trợ, đơn vị tư vấn dựa vào đâu để hỗ trợ cho DNNVV?;

Quỹ bảo lãnh tín dụng (khoản 3): Dự thảo nêu tổ chức này là “tổ chức tài chính” có “chức năng bảo lãnh tín dụng” mà không có quy định nào về tính chất pháp lý của tổ chức này (có phải tổ chức tài chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng không? Nếu không thì nằm ở đâu? Nếu có thì tổ chức này là tư nhân hay Nhà nước? Nếu kinh doanh thì việc bảo lãnh thua lỗ ai chịu trách nhiệm? Tiền dùng để bảo lãnh cho DNNVV lấy từ đâu? DNNVV nào sẽ được hưởng bảo lãnh?... Khoản 4 Điều 16 quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và Điều 18 về Quỹ phát triển DNNVV cũng mắc phải một số bất cập tương tự, đặc biệt là về hình thức pháp lý và cơ chế vận hành Quỹ.

Một số biện pháp hỗ trợ không có bất kỳ dự liệu gì về cơ chế hỗ trợ cũng như hệ quả tương ứng. Ví dụ rõ nét nhất cho bất cập này là quy định về Biện pháp hỗ trợ thuế (Điều 9 Dự thảo).

Một loạt các vấn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ không được Dự thảo đề cập: Mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? Một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? Đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ là DNNVV là được hưởng?... Dự thảo không có quy định giao Chính phủ hướng dẫn vấn đề này. Tuy nhiên, ngay cả khi Dự thảo có giao Chính phủ quy định chi tiết thì Dự thảo vẫn cần quy định ít nhất các nguyên tắc cốt lõi, để Chính phủ có căn cứ và định hướng cho công tác hướng dẫn thi hành sau này.

Hơn nữa, cần chú ý rằng hỗ trợ thuế mang lại lợi ích vật chất trực tiếp cho DNNVV nhưng cũng đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách Nhà nước (đặc biệt khi số lượng các DNNVV chiếm tới 97-98% tổng số doanh nghiệp có đăng ký). Quốc hội có thẩm quyền quyết định mức thuế thu nhập doanh nghiệp, vì vậy Quốc hội cần quyết định về mức ưu đãi này, đồng thời cũng cần lường trước các hệ quả và giải pháp xử lý vấn đề thiếu hụt ngân sách từ biện pháp này.

Bình luận tương tự với các quy định về biện pháp hỗ trợ nguồn nhân lực (Điều 14 Dự thảo) khi mà Dự thảo đề cập rất nhiều hình thức hỗ trợ đào tạo và không có giới hạn về đối tượng DNNVV được phép tiếp cận hỗ trợ, dự kiến chi phí hỗ trợ này sẽ là rất lớn. Vậy nguồn lực để Nhà nước thực hiện các hỗ trợ này đã được tính đến chưa?

Bên cạnh 02 nhóm bất cập chính nêu trên, trong nhiều điều khoản của Dự thảo còn có một số biện pháp hỗ trợ có nội dung bất cập, ví dụ nhầm đối tượng hỗ trợ (hỗ trợ chủ thể trung gian mà không có ràng buộc về việc sau đó họ sẽ hỗ trợ cho DNNVV (Điều 10, 11), hạn chế bất hợp lý các hình thức, kênh, chủ thể hỗ trợ (Điều 13)…

Rõ ràng là với Dự thảo hiện tại, các biện pháp hỗ trợ DNNVV được cộng đồng doanh nghiệp trông chờ thực chất mới chỉ dừng lại ở việc nêu tên biện pháp là chủ yếu, thiếu hoàn toàn các nguyên tắc về tiêu chí, điều kiện hay mô hình vận hành. Điều này không chỉ khiến Luật thành luật khung, luật ống, mà còn khiến Chính phủ không có định hướng, căn cứ cụ thể để ban hành các văn bản hướng dẫn. Kỳ vọng của DNNVV về các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, khả thi từ Luật này có lẽ càng khó hiện thực.

Vì vậy, VCCI đề nghị xem xét bổ sung các quy định cơ bản cho từng biện pháp hỗ trợ đã được nhận diện, ít nhất là các nguyên tắc cơ bản về: Nội dung biện pháp hỗ trợ; Điều kiện hưởng hỗ trợ; Cơ chế hỗ trợ và Nguồn hỗ trợ.

Về các chủ thể hưởng hỗ trợ.Dự thảo xác định hai nhóm chủ thể là đối tượng của các biện pháp hỗ trợ dự kiến trong Luật này, bao gồm: Tất cả các DNNVV theo tiêu chí tại Điều 4 Dự thảo: Đây là các chủ thể sẽ được hưởng các biện pháp hỗ trợ chung (07 biện pháp); Các DNNVV mục tiêu (nhóm chuyển đổi từ hộ kinh doanh, nhóm khởi nghiệp sáng tạo và nhóm liên kết chuỗi): Đây là các chủ thể sẽ được hưởng các hỗ trợ mục tiêu (mỗi nhóm có biện pháp hỗ trợ riêng).

Các quy định xác định, khoanh vùng các chủ thể được hưởng hỗ trợ là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới không chỉ các quyền và lợi ích của các chủ thể này mà còn phạm vi quyền quyết định của các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền. Tiêu chí xác định càng rõ ràng, cơ chế xác nhận càng tự động thì phạm vi quyết định và tương ứng với đó là dư địa nhũng nhiễu càng giảm, và các DNNVV càng có nhiều hơn cơ hội để tiếp cận các hỗ trợ mà Luật quy định. Tuy nhiên, Dự thảo dường như chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Về tiêu chí xác định DN thuộc diện được hưởng hỗ trợ.Về tiêu chí DNNVV chung tại Điều 4 Dự thảo: Trong khi khoản 1 Điều 4 quy định các tiêu chí khá rõ ràng, chung cho tất cả các DNNVV thì khoản 2 lại ủy quyền cho Chính phủ quy định về việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa trong từng ngành, lĩnh vực mà không có các tiêu chí hay nguyên tắc để Chính phủ có căn cứ, định hướng thực hiện.

Trên thực tế sẽ không có các DNNVV chung chung nào mà là các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề, vì vậy về bản chất thì chính là các tiêu chí phân biệt các nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo lĩnh vực, ngành nghề mới là điều cốt yếu chứ không phải tiêu chí chung hiện nay trong Dự thảo Luật.

Về tiêu chí DNNVV cho các hỗ trợ mục tiêu.Đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Khoản 6 Điều 3 đưa ra định nghĩa về nhóm này với các đặc điểm rất chung chung, hầu như không thể xác định được. Ví dụ: khi nào thì DNNVV được xem là có ý tưởng dựa trên khai thác “công nghệ, mô hình kinh doanh mới”, khi nào là “có khả năng tăng trưởng nhanh”?

Đối với DN tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị: Khoản 2 Điều 17 Dự thảo nêu các điều kiện rất thiếu rõ ràng “sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành”, “đổi mới sáng tạo liên quan tới quy trình công nghệ, vật liệu…. nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ”; đồng thời, không có điều kiện nào gắn với mục tiêu “tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị” cả.

Về tiêu chí DNNVV theo từng biện pháp hỗ trợ.Như đã đề cập ở phần trên, nhiều biện pháp hỗ trợ đòi hỏi nguồn lực lớn từ Nhà nước và vì vậy không thể dàn trải cho 97-98% doanh nghiệp cả nước được. Do đó, với mỗi biện pháp lại cần có các tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng hỗ trợ riêng. Trong khi đó Dự thảo hiện chưa có bất kỳ quy định nào về các tiêu chí này trong trường hợp các biện pháp hỗ trợ chung.

Về cơ chế xác nhận DNNVV đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.Dự thảo hiện chưa có quy định nào về cơ chế công nhận/ xác nhận DNNVV dù là để hưởng các biện pháp hỗ trợ chung hay các biện pháp hỗ trợ mục tiêu. Trong khi đó, cơ chế này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả hỗ trợ thực tế của các biện pháp. Vì vậy, việc thiếu vắng hoàn toàn các quy định về các cơ chế này có thể là một khiếm khuyết đáng kể của Dự thảo.

Vì vậy, VCCI đề nghị xem xét bổ sung các quy định về các cơ chế công nhận, xác nhận đối tượng được hưởng hỗ trợ của từng biện pháp hỗ trợ cụ thể, theo hướng: Việc xác nhận là tự động dựa trên tài liệu chứng minh hợp pháp (về thuế, lương…) mà DN xuất trình bởi chính cơ quan, đơn vị cung cấp hỗ trợ; Đơn vị xác nhận là chính cơ quan, đơn vị cung cấp hỗ trợ.

Về các chủ thể thực hiện việc hỗ trợ

Các Bộ ngành, UBND tỉnh:Dự thảo hiện dành một nửa số lượng các Điều khoản (16 Điều trong tổng số 32 Điều của toàn Dự thảo (không tính các Điều khoản về xử lý vi phạm, chuyển tiếp, thời gian hiệu lực…), tương ứng với khoảng một nửa độ dài Dự thảo, để quy định về trách nhiệm thực hiện hỗ trợ DNNVV, trong đó có tới 10 Điều quy định về trách nhiệm của Chính phủ và từng Bộ liên quan.

Đây dường như là điều chưa từng có trong tiền lệ các văn bản Luật, bởi thông thường thì các điều khoản về trách nhiệm thực hiện chỉ khoảng 1-2 Điều trong Chương về tổ chức thực hiện mà thôi.

Một mặt, điều này cho thấy thực tế là các quy định nội dung trong Dự thảo (Chương II, 11 Điều) thiếu vắng hoàn toàn các quy định về cơ chế, cách thức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền và vì vậy có lẽ Ban soạn thảo muốn bù đắp bằng quy định trong ít nhất là 12 Điều về trách nhiệm của chủ thể hỗ trợ? Tuy nhiên, ngay cả khi mục tiêu này của Ban soạn thảo là hợp lý thì thực tế Dự thảo đã không đáp ứng được mục tiêu này khi mà phần lớn các quy định về trách nhiệm của từng Bộ ngành thực chất là nhắc lại Điều 20 (về trách nhiệm chung của các Bộ) và các vấn đề hỗ trợ tương ứng với trách nhiệm quản lý của Bộ ngành đã nêu trong phần các biện pháp hỗ trợ (không có chỉ dẫn nào mới hơn).

Mặt khác, cách thiết kế này cũng phản ánh quan điểm tiếp cận vấn đề hỗ trợ DNNVV của Ban soạn thảo là cắt khúc theo chiều ngang, đi theo từng lĩnh vực chủ thể, mỗi chủ thể chỉ chịu trách nhiệm hỗ trợ DNNVV ở một mảng (đặc biệt là với các Bộ ngành). Theo cách này, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp giảm rõ rệt do cũng bị cắt khúc tương ứng (bởi trong khá nhiều trường hợp biện pháp hỗ trợ DNNVV đòi hỏi nỗ lực tổng thể và hiệu quả chỉ có được trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của nhiều biện pháp bởi nhiều chủ thể). Trên thực tế, trách nhiệm hỗ trợ DNNVV cần phải được thể hiện trong tất cả các hoạt động của các Bộ ngành có liên quan tới doanh nghiệp. Cụ thể, mọi vấn đề, chính sách của Chính phủ hay mỗi Bộ ngành về doanh nghiệp thì cần có một phần riêng đề cập tới các ưu đãi/chính sách ưu tiên đối với DNNVV. Nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV sẽ là nhiệm vụ thường xuyên và thể hiện xuyên suốt mọi công việc liên quan tới doanh nghiệp của các cơ quan này.

Dù nhìn từ góc độ nào thì rõ ràng cách thiết kế các quy định về trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong Luật này không chỉ là bất thường về mặt kỹ thuật mà còn phản ánh cách tiếp cận bất hợp lý của Ban soạn thảo, có nguy cơ làm giảm đáng kể hiệu quả thực thi của Luật từ góc độ này (chưa tính tới các yếu tố khác về nội dung có thể gây bất lợi với hiệu quả thực thi của Luật như đã bình luận ở trên). Vì vậy, VCC đề nghị xem xét điều chỉnh lại các quy định từ Điều 19 đến 27 Dự thảo theo hướng: Bỏ các Điều khoản quy định riêng về từng Bộ, tập trung toàn bộ tại Điều quy định chung về trách nhiệm của các Bộ ngành (Điều 20 Dự thảo); Tập trung quy định cụ thể về cơ chế, cơ quan có thẩm quyền trong các điều khoản về biện pháp hỗ trợ (điều khoản nội dung) tại Chương II Dự thảo.

VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề:Dự thảo hiện dành 01 Điều (Điều 30) để quy định về trách nhiệm của nhóm chủ thể là đại diện của các DN, trong đó có DNNVV. Mặc dù được xếp vào cùng một Điều nhưng nội dung quy định lại được thiết kế riêng cho 03 nhóm chủ thể là: VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành, theo hướng:

Trước tiên, VCCI có trách nhiệm hỗ trợ theo Điều lệ VCCI, và hỗ trợ kết nối DNNVV với doanh nghiệp lớn. Tiếp đến Hiệp hội DNNVV Việt Nam có 06 nhóm nhiệm vụ, gần tương tự như các nhiệm vụ được ghi trong Điều lệ của HH này cũng như trong Điều lệ của phần lớn các hiệp hội, điểm khác biệt là các nhiệm vụ này gắn với DNNVV nói chung chứ không gắn với hội viên của hiệp hội. Đối với các hiệp hộingành hàng có nhiệm vụ phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển DNNVV theo Luật này và pháp luật liên quan.

Các quy định như vậy là rất rủi ro từ nhiều góc độ: Thứ nhất, quy định này tạo ra bất bình đẳng giữa các Hiệp hộiDN liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV là thành viên của mình.

Từ góc độ pháp lý, ngoại trừ VCCI là đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp được Đảng và Nhà nước thành lập, có Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có tổ chức Đảng Đoàn, hoạt động theo cơ chế đặc thù theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì Hiệp hộiDNNVV Việt Nam và các HH ngành hàng được nhắc tới trong Điều 30 Dự thảo thực chất có vị thế pháp lý và chức năng ngang hàng, đều là các tổ chức được thành lập theo ý chí tự nguyện của các hội viên, có Điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, với nhiệm vụ chung là tập hợp, đại diện và hỗ trợ cho các DN hội viên mà 97-98% trong đó là DNNVV. Giữa các Hiệp hộiDN có vị thế và chức năng ngang hàng như vậy, việc chỉ giao các chức năng hỗ trợ DNNVV cụ thể cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam tạo ra nhiều nguy cơ:

Theo Điều lệ của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Hiệp hội này có các hội viên là DNNVV và hoạt động nhằm hỗ trợ các DNNVV là hội viên của mình. Nói cách khác, Hiệp hội này hoàn toàn không có chức năng đại diện cho toàn bộ cộng đồng DNNVV ở Việt Nam. Việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng DNNVV ở Việt Nam theo Luật này cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam rõ ràng là không phù hợp với vị thế pháp lý của Hiệp hội này.

VCCI với vị trí là tổ chức quốc gia đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam (trong đó 97-98% là DNNVV) như đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ tại sao không được giao nhiệm vụ hỗ trợ các DNNVV?

Các Hiệp hội ngành hàng có các hội viên hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng liên quan, trong đó đa số là các DNNVV trong ngành. Vậy tại sao các HH này không được trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ các DNNVV hội viên của mình (thường chiếm khoảng 97-98% hoặc hơn trong tổng số các hội viên) mà lại phải phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam để hỗ trợ cho các DNNVV là hội viên của chính mình và không phải hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam?

Bên cạnh Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng còn rất nhiều các Hiệp hội đa ngành khác như các Hiệp hội DN ở tỉnh thành/dưới tỉnh thành, các Hiệp hội DN vùng, Hội DN trẻ, Hội doanh nhân nữ… Các Hiệp hội đa ngành này cũng có phần lớn hội viên là DNNVV, tại sao họ không được giao bất kỳ chức năng nào trong việc hỗ trợ DNNVV là hội viên của họ?

Nói cách khác, các quy định như tại Điều 30 Dự thảo đang gây ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Hiệp hội DN khác trong việc hỗ trợ DNNVV. Đây là vấn đề vướng mắc lớn được nêu lên bởi rất nhiều Hiệp hội đa ngành, Hiệp hội ngành nghề, hiệp hội địa phương trong các Hội thảo cũng như các đợt góp ý về Dự thảo Luật này.

Thứ hai, quy định này tạo ra rủi ro khoảng trống chức năng khi các Hiệp hội cụ thể chấm dứt hoạt động hoặc gặp vấn đề về tổ chức

Có lẽ đây là Dự thảo Luật duy nhất có quy định chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức đại diện DN cụ thể. Các Luật khác (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật giáo dục nghề nghiệp) cho đến nay nếu có giao nhiệm vụ cho các tổ chức dạng này đều chỉ ghi theo cách thức chung là “VCCI và các Hiệp hội DN có nhiệm vụ…” (việc VCCI được tách ra riêng là bởi khác với các Hiệp hội DN còn lại, VCCI là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng DN, do Đảng và Nhà nước thành lập, có Đảng đoàn theo các nội dung của Nghị quyết 09/NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan). Nói cách khác, trước nay các Luật đều chỉ giao nhiệm vụ chung cho VCCI và các Hiệp hội DN nói chung mà không giao nhiệm vụ cho một Hiệp hội DN cụ thể nào. Đây cũng là cách thức sử dụng chung trong các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ khi đề cập tới nhiệm vụ của VCCI và các tổ chức đại diện DN.

Trên thực tế, cách tiếp cận của các Luật cho tới nay có thể xuất phát từ lý do pháp lý: từ góc độ tổ chức, ngoại trừ VCCI có vị thế là tổ chức do Đảng và Nhà nước thành lập, có Điều lệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có Đảng Đoàn, các Hiệp hội DN, bao gồm cả Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đều được thành lập theo nguyện vọng của các thành viên, việc thành lập hoặc giải thể không phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước mà là nhu cầu tự nguyện của các chủ thể. Một văn bản Luật không nên quy định trách nhiệm và chức năng pháp lý cho một Hiệp hội DN cụ thể mà Nhà nước không quản được về sự tồn tại, có thể chấm dứt hoạt động hoặc thay đổi các vấn đề về tổ chức bất kỳ lúc nào theo ý chí của các cá nhân tổ chức hội viên. Lịch sử hoạt động của rất nhiều các Hiệp hội DN cho thấy những biến động về tên gọi, mô hình hoạt động, tổ chức vận hành, phạm vi chức năng nhiệm vụ, hội viên…của các hiệp hội là việc diễn ra rất thường xuyên và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với bản chất tự nguyện của các Hiệp hội này.

Nếu quy định này được giữ trong Dự thảo thì có lẽ Dự Luật này là văn bản Luật đầu tiên giao chức năng cho một Hiệp hội DN cụ thể, có Điều lệ do Bộ Nội vụ phê duyệt, có vị thế pháp lý ngang hàng và tương tự với hàng trăm HH DN đang hoạt động hiện nay. Liệu cơ quan soạn thảo đã tính tới rủi ro gắn với vấn đề tổ chức như nói ở trên chưa? Cụ thể trong trường hợp này, nếu sau này Hiệp hội DNNVV Việt Nam đổi tên, thay đổi hình thức pháp lý, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, thực hiện chia tách sáp nhập với các tổ chức khác… thì Luật này sẽ làm thế nào?

Thứ ba, quy định này chắc chắn sẽ làm giảm hiệu quả hỗ trợ DNNVV, gây tốn kém nguồn lực của Nhà nước.

Tương tự với các Bộ ngành, trách nhiệm hỗ trợ DNNVV phải là trách nhiệm chung của tất cả các HH DN chứ không phải của riêng một Hiệp hội nào bởi bản chất của các Hiệp hội là hỗ trợ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của các DN hội viên mà phần lớn trong đó là DNNVV.

Với việc tập trung toàn bộ các trách nhiệm hỗ trợ DNNVV cho một Hiệp hội (ở đây là Hiệp hội DNNVV Việt Nam), Dự thảo dường như đang tự cắt bỏ một mạng lưới quan trọng các chủ thể có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ DNNVV vốn rất sát sườn với các DNNVV là các Hiệp hội DN các cấp, các ngành nghề. Nói cách khác, với quy định hiện tại, thay vì huy động trí tuệ, năng lực của tất cả các Hiệp hội DN vào việc hỗ trợ DNNVV thì Dự thảo đang đánh cược hiệu quả hỗ trợ cả cộng đồng DNNVV vào chỉ một Hiệp hội? Tại sao Dự Luật lại từ chối hiệu quả hỗ trợ DNNVV của hàng trăm Hiệp hội DN cấp trung ương/tỉnh và hàng ngàn Hiệp hội DN các cấp khác đang hoạt động trên cả nước, ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực, địa bàn để trông chờ vào hiệu quả hỗ trợ DNNVV cả nước của chỉ một Hiệp hội?

Cũng có thể có ý kiến cho rằng do nguồn lực Nhà nước hạn chế, chỉ nên tập trung để hỗ trợ cho một tổ chức để tổ chức đó thực hiện việc hỗ trợ DNNVV. Ý kiến này, có lẽ, đã nhìn nhận hoàn toàn sai lệch vấn đề. Cốt lõi ở đây là việc xác định các chủ thể để thực hiện trách nhiệm hỗ trợ DNNVV chứ không phải xác định chủ thể hưởng lợi. Hơn nữa, các hỗ trợ quan trọng như đại diện để liên kết, tập hợp ý kiến DNNVV, tìm hiểu đánh giá của DNNVV đối với hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, thực hiện các dịch vụ công… hoàn toàn có thể được các Hiệp hội DN thực hiện với nguồn hỗ trợ rất hạn chế từ Nhà nước, thậm chí nhiều trường hợp không cần hỗ trợ của Nhà nước. Ngược lại, nếu các nhiệm vụ này được giao cho chỉ một tổ chức, nguồn lực Nhà nước phải rót cho tổ chức này để thực hiện nhiệm vụ vốn là quá sức và quá tầm của họ (nếu chỉ xét về năng lực) có thể là rất lớn (chú ý là các Hiệp hội DNNVV ở các địa phương là các tổ chức độc lập, không trực thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam, càng chưa nói tới các Hiệp hội DN địa phương, các Hiệp hội ngành nghề trung ương và địa phương).

Nói cách khác, nguồn lực cho hỗ trợ DNNVV càng hạn chế, càng cần thiết phải huy động nhiều chủ thể tham gia vào công việc hỗ trợ này, càng cần phải tận dụng các mạng lưới, kinh nghiệm, cơ sở vật chất, kỹ năng của các Hiệp hội DN hiện tại và trong tương lai vào việc thực hiện nhiệm vụ này.

Tóm lại, hỗ trợ DNNVV cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả nền kinh tế, phải được triển khai tổng thể, đồng bộ bởi tất cả các Bộ ngành có hoạt động quản lý liên quan, bởi VCCI và tất cả các Hiệp hội DN với các hội viên chủ yếu là DNNVV. Chỉ như vậy công tác hỗ trợ phát triển DNNVV mới có thể đạt được hiệu quả, trên cơ sở tận dụng các hệ thống, mạng lưới, chủ thể sẵn có chứ không phải là thiết lập hay duy trì một hệ thống riêng, tách rời, tốn kém, đơn độc. Đây cũng là kinh nghiệm cốt lõi được rút ra từ hoạt động hỗ trợ DNNVV của rất nhiều nước trên thế giới mà Việt Nam không thể không học tập.

Từ các lý do nói trên, Điều 30 Dự thảo nên theo hướng quy định chung tất cả các chủ thể đại diện DN vào một cụm chung, không tách biệt 03 nhóm như hiện nay, tương tự như cách quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam các Hiệp hội DN có trách nhiệm sau:…”.

TS Vũ Tiến Lộc
Theo Báo DĐ DN