Đừng quá ham lợi nhuận mà bỏ rơi thương hiệu

Tại cuộc Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” diễn ra ngày 19/4 tại Hà Nội, ông Vũ Xuân Trường, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận xét, Việt Nam đã có gần 10 năm thực hiện chương trình Thương hiệu Quốc gia, thay đổi rõ nhất về thương hiệu chính là sự nhận thức của các doanh nghiệp. “Thương đã hiệu không những giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh mà còn tạo ra giá trị thương mại cho doanh nghiệp lớn hơn”, ông Trường chỉ rõ.

Cũng theo ông Trường, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, việc xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm “sạch”, đảm bảo môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.

dung qua ham loi nhuan ma bo roi thuong hieu hinh 1
Xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh sẽ dễ tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với thực tế, ông Trường thừa nhận, việc phát triển thương hiệu đến nay mới chỉ được một số doanh nghiệp lớn quan tâm và đầu tư, còn lại phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đều chưa chú trọng đến công tác này.

“Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn về nguồn vốn, công nghệ cũng như nhân lực, dẫn đến việc đầu tư theo chiến lược phát triển xanh rất khó thực hiện. Hơn nữa, doanh nghiệp luôn bị mâu thuẫn giữa hai mục tiêu là lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh”, ông Trường khẳng định.

Cho rằng việc sử dụng các vật liệu không thân thiện môi trường trong lĩnh vực xây dựng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Eurowindow nêu rõ, “kiến trúc xanh” đang là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, việc sử dụng vật liệu xanh đang trở nên vô cùng cần thiết và cũng là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và của thương hiệu Eurowindow nói riêng. 

“Eurowindow tạo nên thương hiệu khi luôn xác định sử dung vật liệu xanh là vật liệu có ít tác hại đến môi trường và con người trong vòng đời của nó. Là công ty cung cấp các giải pháp tổng thể về cửa và vật liệu hoàn thiện số 1 Việt Nam, trong gần 15 năm qua, Eurowindow đã không ngừng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để mang đến những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường”, ông Hồng chia sẻ.

Cùng quan điểm này, bà Đào Thúy Hà, Trưởng phòng Marketing Công ty CP Traphaco cho hay, chiến lược của Traphaco là phát triển từ thiên nhiên, lựa chọn những nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên để phát triển các sản phẩm, sau đó tập trung xây dựng vùng nguyên liệu xanh. “Câu chuyện tạo sản phẩm xanh thường có chi phí đắt hơn so với thông thường nên rất cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp”, bà Hà nói.

Thương hiệu “xanh” được nhiều hơn mất

Từ thực tế của việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố tăng trưởng “xanh” ở Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, trong quá trình doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nếu gắn với phát triển xanh sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin của người tiêu dùng từ chính những sản phẩm mang thương hiệu cụ thể.

Mặc dù phải lựa chọn giữa lợi nhuận với việc tăng đầu tư, chi phí lâu dài cho thương hiệu “xanh”, các chuyên gia vẫn hướng doanh nghiệp đến việc lựa chọn tăng trưởng xanh bởi đây là chiến lược và cũng là xu hướng tất yếu của thời đại.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ lưu ý, nếu không quan tâm ngay từ đầu đến việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh, Việt Nam sẽ phải trả giá nhiều hơn trong quá trình tăng trưởng, dù vẫn biết quá trình này sẽ tốn kém, doanh nghiệp cần phải bền bỉ, lâu dài mới thành công.

“Trung Quốc đã phải trả giá như thế nào về phát triển không xanh, thậm chí phát triển nâu, đỏ, chúng ta đều đã rõ. Không khí các thành phố lớn của Trung Quốc đều ô nhiễm nặng, nguy hiểm từ an toàn thực phẩm cũng đang đến từ phía Trung Quốc”, ông Hồ nói.

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, xây dựng và củng cố thương hiệu cần phải các doanh nghiệp chú trọng hơn. Thương hiệu chỉ có được khi tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng.Đáng tiếc là thực tế hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng chất lượng sản phẩm, dịch vụ chỉ hoàn hảo khi mới xuất hiện trên thị trường, nhưng sau đó chất lượng sản phẩm, dịch vụ lại dần kém đi, điều này đã và đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin để hướng đến các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài.

 Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam lớn mạnh, uy tín sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế. Trong đó, việc tăng thêm nhận thức cũng như tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu, đặc biệt phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” sẽ là động lực lớn trong phát triển kinh tế bền vững./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN