Người lao động tại Saudi Arabia bị bỏ rơi?

Bà Lan và cháu trai đang ngày đêm mong chị Ngọc về nước. Ảnh: H.A

Cách đây gần 3 năm, chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1993, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) quyết định sang Saudi Arabia làm nghề giúp việc gia đình, để lại cậu con trai mới được 2 tuổi cho mẹ già chăm sóc. Theo hợp đồng ký với Cty Cổ phần Quốc tế Nhật Minh (Namico), sau 2 năm, chị Ngọc sẽ về nước. Nhưng hiện nay, dù hợp đồng đã hết hạn hơn 5 tháng, chị Ngọc vẫn ở bên xứ người do chủ sử dụng không cho về và bị giữ lại lương nhiều tháng. Thương cháu trai côi cút hằng đêm nhớ mẹ, bà Vũ Thị Lan (mẹ đẻ chị Ngọc) làm đơn kêu cứu đến Báo Lao Động, nhờ trợ giúp.

Mẹ kêu cứu cho con!

Ngày 31.11.2014, chị Ngọc xuất cảnh đi xuất khẩu lao động. Bà Lan thuật lại vụ việc với phóng viên: “Cuối năm 2014, con gái tôi đi Saudi Arabia làm nghề giúp việc gia đình để kiếm tiền nuôi con ăn học. Làm cho chủ đầu tiên, con tôi bị chủ ngược đãi, đánh con tôi thâm tím hết cả mình. Xót con, tôi đã ra chi nhánh Cty Namico (cạnh bến xe Mỹ Đình), gặp anh Tạ Hữu Tấn là đại diện Cty, để thắc mắc và nhờ trợ giúp thì người này hứa là sẽ điện sang nhà chủ để dàn xếp. Sau đó 2 tháng, thông qua môi giới, Ngọc đã chuyển chủ và làm việc từ đó đến nay đã hơn 2 năm. Tuy nhiên, hơn một năm nay do chủ không trả lương cho Ngọc nên tôi có liên lạc lại thì anh Tấn đã chặn số không liên lạc được. Trước khi đi, con tôi có nói là đã ký hợp đồng với ông Vũ Hải Việt - đại diện cho Cty Namico, còn anh Tấn chỉ là nhân viên tìm nguồn và phiên dịch”.

Do chị Ngọc không được nhận lương nên không chuyển được tiền nuôi con về Việt Nam, dẫn đến bà Lan phải làm nhiều công việc để có thêm tiền nuôi cháu ăn, học. “Mọi chi phí cho 5 người trong gia đình gồm: Bố tôi (đã hơn 80 tuổi), con của Ngọc (5 tuổi), hai đứa em của Ngọc và tôi chỉ trông vào 5 triệu tiền lương mà tôi kiếm được từ Cty và làm thêm ở ngoài, do đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Về vụ việc của cháu Ngọc, tôi đã làm đơn gửi đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) để yêu cầu được trợ giúp từ hơn hai tháng nay, nhưng hiện nay chưa thấy phía cơ quan phản hồi lại, khiến gia đình rất hoang mang. Do đó, tôi gửi đơn kêu cứu kính mong Báo Lao Động sớm vào cuộc, làm rõ vụ việc, để giải quyết cho con tôi về đoàn tụ cùng gia đình và con nhỏ”.

Bà Lan cũng cho biết, hiện nay bà cũng không biết trụ sở chi nhánh Cty Namico trước đây bà đến giờ chuyển đi đâu!

Cty Namico phải có trách nhiệm đối với người lao động

Trao đổi thông tin với PV Báo Lao Động, bà Vũ Thị Lan đã cung cấp số điện thoại của ông Tạ Hữu Tấn. Liên lạc qua số điện thoại 0962810xxx của ông Tấn để xác minh thông tin, ông Tấn cho biết đang đi công tác tại Tây Nguyên nên không bố trí được thời gian tiếp xúc với PV và do Cty Namico nợ tiền lương nên ông đã không làm việc cho Cty này đã hai năm nay. Liên quan đến vụ việc của chị Ngọc, ông Tấn khẳng định là chị Ngọc do Cty Namico - chỗ ông Việt - đưa đi Saudi Arabia làm nghề giúp việc gia đình. Việc chị Ngọc bị nợ lương, quá hạn hợp đồng mà không được về Việt Nam thì ông không nắm được bởi chỉ là nhân viên tìm nguồn và phiên dịch!

Sáng 17.4, PV Báo Lao Động đã tìm cách liên lạc với ông Việt - người mà bà Lan cho rằng đã ký hợp đồng với chị Ngọc. Qua điện thoại, ông Việt cho biết, cách đây hai năm, ông là Phó Tổng Giám đốc của Cty Namico, nay ông đã chuyển sang Cty mới. Ông Việt cũng cho biết, việc chị Ngọc hết hạn hợp đồng mà chưa được về nước là do chủ nhà cần chị Ngọc phụ giúp đào tạo lao động mới. “Với trách nhiệm của mình, tôi đã liên lạc với nhà chủ yêu cầu họ phải đảm bảo quyền lợi của NLĐ và sớm đưa lao động về nước, chủ nhà đã đồng ý và đang làm thủ tục để chị Ngọc về nước. Chậm nhất là cuối tháng 4.2017, chị Ngọc sẽ về Việt Nam” - ông Việt cho biết.

Liên quan đến vụ việc của chị Nguyễn Thị Ngọc, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ngày 28.2.2017, Cục có nhận được đơn thư của bà Vũ Thị Lan phản ánh. Qua xác minh, chị Ngọc do Chi nhánh Hà Nội của Cty Cổ phần Quốc tế Nhật Minh (Namico) đưa đi. Cục đã có yêu cầu Cty Namico xác minh, giải quyết và thông tin cho gia đình NLĐ. Nhưng hiện nay Chi nhánh này đã giải thể nên việc giải quyết khiếu nại của bà Lan gặp khó khăn. Để giải quyết dứt điểm, Cục đã đưa vụ việc này vào nội dung làm việc của Đoàn thanh tra Bộ LĐTBXH với Cty vào đầu tháng 4.2017 và đến nay Cục vẫn tiếp tục chỉ đạo và đôn đốc Cty giải quyết khiếu nại của bà Lan và sớm đưa NLĐ về nước.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 11.4.2017, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã có Quyết định số 178/QĐ-XPVPHC về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với Cty Namico. Theo quyết định xử phạt, Cty Namico do ông Nguyễn Hồng Hà - Tổng Giám đốc Cty - là người đại diện pháp luật; trụ sở tại số 1, lô 17, Trung Hành 5, phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Về nội dung vi phạm, Cty đã giao nhiệm vụ cho quá 3 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đăng ký theo hợp đồng cung ứng lao động đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; không trực tiếp tuyển chọn lao động theo quy định; không thực hiện đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. Các vi phạm của Cty Namico đã bị Thanh tra Bộ xử phạt 265.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 2 tháng kể từ ngày 15.4.2017.

Theo Báo Lao động