Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng và nhất quán của VCCI chính là các hoạt độngp/hỗ trợ các DNNVV. Một lớp đào tạo do VCCI tổ chức cho các DNNVV. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng và nhất quán của VCCI chính là các hoạt động hỗ trợ các DNNVV. (Một lớp đào tạo do VCCI tổ chức cho các DNNVV. Ảnh: Quốc Tuấn)

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Điều 30 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của nhóm chủ thể đại diện là hiệp hội DNNVV đã không bảo đảm yêu cầu này cả về tính pháp lý và thực tiễn. Theo Điều 30, VCCI được giao “hỗ trợ phát triển DN” và “kết nối DN lớn với DNNVV” chỉ là vai trò chung không có nội dung cụ thể, không bao quát hết nhiệm vụ của VCCI. Với quy định này, VCCI có thể coi như không được giao bất kỳ nhiệm vụ cụ thể nào liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV, thậm chí không được giao cả những nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV mà các Hiệp hội khác được giao.

Đây là điều bất thường và khó lý giải. Bởi vì nhìn từ từ góc độ pháp lý, VCCI là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp được Đảng và Nhà nước thành lập, có tổ chức Đảng Đoàn, do Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo. Theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, VCCI đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam. Điều lệ VCCI do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng ghi nhận vai trò tổ chức quốc gia đại diện và thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam trong đó có tới 97-98% là DNNVV. Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn này, có thể thấy nhóm chủ thể chính mà VCCI đại diện và hỗ trợ chính là cộng đồng DNNVV trên toàn quốc. Đại diện và hỗ trợ DNNVV là chức năng cốt lõi của Phòng Thương mại và Công nghiệp và tất cả các hiệp hội DN trong mọi nền kinh tế trên thế giới. Các hiệp hội DNNVV (nếu có) chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể này.

- Tại sao một tổ chức có vị trí, vai trò như vậy lại không được giao chức năng nào hỗ trợ DNNVV theo Luật này? Trong khi hiệp hội DN nhỏ và vừa chỉ có phạm vi hội viên hạn chế và chỉ đại diện cho hội viên của mình lại được giao chức năng hỗ trợ DNNVV?

Từ góc độ thực tiễn, lịch sử và kinh nghiệm hoạt động hơn 50 năm qua của VCCI đã cho thấy các hỗ trợ từ VCCI cho cộng đồng DN nói chung, cộng đồng DNNVV nói riêng là rất đáng ghi nhận, có hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Sự lớn mạnh và phát triển của cộng đồng DN Việt Nam hiện nay có sự đóng góp quan trọng từ VCCI, không chỉ trong các tác động chính sách, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh mà còn trong các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV.

Trong các hoạt động hỗ trợ DNNVV trong nước, hiệu quả của các hoạt động của VCCI còn được cộng hưởng từ nỗ lực của hơn 200 hiệp hội DN đa ngành và ngành nghề cấp trung ương, cấp vùng hoặc cấp tỉnh, thành phố là thành viên của VCCI. Mạng lưới này giúp cho các hỗ trợ của VCCI được truyền tới rộng khắp các DNNVV hội viên của các hiệp hội này, theo địa bàn cũng như theo chuỗi sản xuất ngành nghề.  Phần lớn các Hiệp hội DNNVV cũng là hội viên của VCCI.

Hơn nữa, với vị trí đại diện cho cộng đồng DN nói chung, các hỗ trợ của VCCI hướng tới toàn bộ cộng đồng DNNVV, trong đó có một bộ phận đáng kể các DNNVV chưa phải là thành viên của bất kỳ  hiệp hội DN nào.

Điều lệ của VCCI do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định: VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.

Điều lệ của VCCI do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định: VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.

Ở bình diện quốc tế, trong quan hệ với các đối tác quốc tế về hỗ trợ DN, giống như mọi phòng thương mại và công nghiệp trên thế giới, VCCI đã và đang là đầu mối đại diện cho cộng đồng DN nói chung và DNNVV nói riêng trong các hợp tác hỗ trợ DNNVV cũng như các hoạt động phối hợp hỗ trợ phát triển cộng đồng này. Mạng lưới hàng trăm các đối tác quốc tế của VCCI cùng với hiệu quả vận hành của mạng lưới này đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực hỗ trợ cộng đồng DNNVV trong nước thời gian qua.

- Điều đáng ngạc nhiên hơn, Luật đang giao nhiệm vụ cho một tổ chức cụ thể mà sự tồn tại và hoạt động phụ thuộc vào ý chí và nguyện vọng của hội viên Hiệp hội ấy, thưa ông?

Dự thảo Luật hiện giao nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV trực tiếp cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Nếu được thông qua, có lẽ đây là Dự thảo Luật duy nhất giao nhiệm vụ cho một Hiệp hội DN cụ thể. Một rủi ro đáng kể cả từ góc độ pháp lý và thực tiễn.

Từ góc độ pháp lý, Hiệp hội DNNVV Việt Nam được thành lập theo nguyện vọng của các thành viên, việc thành lập hoặc giải thể không phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước mà là nhu cầu tự nguyện của các chủ thể.

 Nếu vẫn giữ cách quy định như hiện nay, khi Hiệp hội DNNVV Việt Nam đổi tên, thay đổi hình thức pháp lý, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, thực hiện chia tách sáp nhập với các tổ chức khác… thì Luật này sẽ thế nào? Việc để các quy định trong một văn bản Luật phụ thuộc vào ý chí chủ quan và tự nguyện của một hiệp hội DN cụ thể là rủi ro hoàn toàn có thể nhìn thấy.

Từ góc độ thực tiễn, việc nêu rõ tên một hiệp hội, hoặc một nhóm hiệp hội cụ thể trong khi không nêu tên hàng trăm hiệp hội khác có vị thế pháp lý ngang hàng, cùng có các hội viên là DNNVV và cùng bảo vệ lợi ích của các DN hội viên, thậm chí là có nhiều hội viên hơn, mạng lưới rộng khắp hơn có lẽ là không phù hợp. Bởi nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội DN khác.

- Thực tế đã có ý kiến cho rằng việc nêu tên Hiệp hội DNNVV Việt Nam xuất phát từ việc Hiệp hội này là đại diện cho toàn bộ cộng đồng DNNVV Việt Nam. Hiệp hội này có đại diện là Đại biểu Quốc hội, Hiệp hội này là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Thực tế không chỉ Hiệp hội DNNVV Việt Nam có đại diện là Đại biểu Quốc hội mà những hiệp hội và DN khác cũng có đại diện là Đại biểu Quốc hội và cũng là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra cần lưu ý, chữ “Việt Nam” trong tên gọi của một Hiệp hội DN không đồng nghĩa với tính đại diện của Hiệp hội này cho cả cộng đồng liên quan ở Việt Nam mà chỉ có ý nghĩa cho biết Hiệp hội đó là hiệp hội có phạm vi hoạt động và hội viên trong cả nước (thay vì giới hạn ở địa phương hay vùng). Cũng như vậy, chữ “Việt Nam” trong tên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam là để phân biệt Hiệp hội này với các hiệp hội DNNVV ở địa phương, hoàn toàn độc lập với hiệp hội DNNVV Việt Nam, có thể tham gia hoặc không tham gia là thành viên hiệp hội DNNVV Việt Nam.

Theo Điều lệ của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Hiệp hội này chỉ “đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật”. Là Hiệp hội có Điều lệ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, Hiệp hội DNNVV Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP, theo đó Hiệp hội này chỉ có quyền “Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên”. Ngoài các văn bản này, không có bất kỳ văn bản nào khác của Đảng và Nhà nước quy định chức năng đại diện cộng đồng DNNVV của Hiệp hội DNNVV Việt Nam.

- Chính vì vậy, nhiều hiệp hội DN đã rất bức xúc vì dự luật đã không giao bất kỳ nhiệm vụ nào cho họ. Điều này có gây ra sự bất bình đẳng và tạo khoảng trống trong thực thi, thưa ông?

Dự thảo hiện không giao nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV cho các hiệp hội DN khác có hội viên hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, được thành lập dựa trên các tiêu chí như địa bàn, giới, lứa tuổi, thành phần kinh tế, quy mô… Nói cách khác, cả một hệ thống đồ sộ hàng ngàn các Hiệp hội DN địa phương, Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội DN của các giới như phụ nữ, cựu chiến binh, DN trẻ, hiệp hội DN tư nhân Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam… sẽ bị tước đi chức năng hỗ trợ DNNVV theo Dự thảo Luật này.

Về mặt pháp lý, việc không giao cho các Hiệp hội DN khác (mà hội viên của họ phần lớn là DNNVV) nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV tạo ra sự bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các hiệp hội này với Hiệp hội DNNVV. Về hiệu quả thực tiễn, bằng việc loại bỏ toàn bộ các hiệp hội DN này, Dự thảo dường như đang tự cắt bỏ một mạng lưới đồ sộ các chủ thể có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ DNNVV vốn rất sát sườn với các DNNVV, đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ. Đây là điều không thể chấp nhận!

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bá Tú thực hiện(Báo DĐ DN)