Đồng sáng lập càphê Trung Nguyên mở nhà máy sản xuất thương hiệu mới để xuất khẩu

Sản phẩm King Coffee chuyên xuất khẩu, chưa bán tại thị trường nội địa Việt Nam (ảnh: PK).

Cho đến nay, các sản phẩm của King Coffee đã được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Australia...; trong đó tại Trung Quốc, King Coffee đã lọt vào Top 4 thương hiệu bán chạy nhất trên kênh T-Mall Super Market, là 1 trong số 3 website thương mại điện tử chủ chốt của Alibaba với hơn 6 triệu tài khoản kích hoạt sử dụng. Trong khi đó tại Hàn Quốc, King Coffee được phân phối thông qua 300 website thương mại điện tử và các hệ thống siêu thị. Theo bà Thảo, nhà máy TNI King Coffee sẽ tập trung chế biến và đóng gói cung cấp toàn bộ sản phẩm cho thị trường quốc tế (xuất khẩu). Tuy nhiên đến nay, King Coffee chưa chính thức phân phối tại thị trường nội địa Việt Nam dù đã ra mắt từ tháng 10.2016.

Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích 51.300m2. Giai đoạn 1 đã hoàn thành gồm 2 phân xưởng càphê rang xay và hòa tan, với công suất 30 tấn càphê rang xay, càphê bột và 120 tấn càphê hòa tan mỗi ngày. Giai đoạn 2 sắp xây dựng là phân xưởng trích ly càphê có tổng diện tích 25.000m2 với công suất 1.200 tấn/năm.

Gần đây vào tháng 3.2017 khi King Coffee chính thức kí kết hợp tác phân phối tại thị trường Trung Quốc, bà Thảo nhấn mạnh "King Coffee for King Market" chỉ dấu Trung Quốc là thị trường "vua", thị trường số 1.

Đồng sáng lập càphê Trung Nguyên mở nhà máy sản xuất thương hiệu mới để xuất khẩu ảnh 1
Liệu King Coffee sẽ tạo nên một "vua càphê" mới?

Trên thực tế, dù bước chân đầu tiên của thương hiệu càphê Việt King Coffee là thị trường Mỹ nhưng bước đầu cũng chỉ thu hút, gây chú ý được chủ yếu đối với cộng đồng người Việt. Tương tự ở các thị trường Australia hay Singapore, Ấn Độ, sự thuận lợi không lớn như thị trường Trung Quốc.

King Coffee vào thị trường Trung Quốc có được lợi thế, đó là cái gốc Trung Nguyên, là thương hiệu khá được ưa chuộng tại thị trường hơn 1,3 tỉ dân này cùng với thị trường Đài Loan, Hồng Kông. Gu uống tại các thị trường này cũng không khác biệt nhiều với khẩu vị tại thị trường Việt và dung lượng thị trường lại rất lớn, chính vì thế Cty TNI xem đây là "King Market" cho sản phẩm King Coffee. 

Sự đẩy mạnh thương hiệu King Coffee cũng cho thấy CEO Lê Hoàng Diệp Thảo đang muốn bứt phá khỏi bóng dáng Trung Nguyên gắn với tên tuổi của chồng là "vua càphê" Đặng Lê Nguyên Vũ. Và có thể thấy rằng với chiến lược của bà Thảo, cũng đang nuôi tham vọng trở thành một "vua càphê" mới, chỉ khác là chọn đòn bẩy từ thị trường xuất khẩu.