Trong khuôn khổ Hội nghị cải cách thể chế và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp, giao ban hiệp hội, doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ vừa diễn ra tại Nghệ An hôm qua, nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến thể chế và phát triển doanh nghiệp cũng đã được rất nhiều doanh nghiệp đưa ra bàn thuận một cách thẳng thắn trong hội nghị. Cụ thể khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh đó là khó tiếp cận được nguồn vốn, những chính sách hỗ trợ  doanh nghiệp từ phía địa phương chưa cụ thể bên cạnh đó số lượng khách hàng khan hiếm. Một doanh nghiệp tỉnh Nghệ An chia sẻ, khi doanh nghiệp thành lập mới, vì không tiếp cận được nguồn vốn, không có khách hàng, không nhận được chính sách hỗ trợ nên trong một thời gian ngân sách của công ty không đủ để duy trì hoạt động sẽ dẫn đến việc công ty bị đóng cửa và giải thể.

Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Nghệ An,TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An, đồng thời giải đáp và thu nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất để tham vấn trong việc đưa ra chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp tới vị trí địa lý cũng như điều kiện kinh tế đặc thù của Nghệ An nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp Bắc Trung Bộ nói chung.

 Báo cáo tại hội nghị cho biết trong ba tháng đầu năm 2017  Nghệ An có 10 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chiếm 41,8%  trên tổng số 23.900 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động của cả nước.  Nhiều chuyên gia tham dự đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp tại Việt Nam; Những giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả NQ 19, NQ 35 của Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã có nhiều kiến nghị đề xuất liên quan đến đến thủ tục hành chính, nguồn vốn, môi trường kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ mới.  

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu cho rằng: “Cải cách thể chế", "cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh" đang là những mục tiêu cụ thể của Nghệ An. Theo đó, thời gian tới, cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An đang có nhiều cố gắng vì doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung các doanh nghiệp đều duy trì được sản xuất, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Chính quyền tại địa phương cũng đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)