Doanh nghiệp 'chấm điểm' ngành hải quan?

Ảnh: VGP/Huy Thắng

Vướng thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2016 của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã điều tra doanh nghiệp (DN) và xây dựng Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính Hải quan: Mức độ hài lòng của DN năm 2016”.

Báo cáo (với sự tham gia của 3.500 DN) là những đánh giá, phản hồi của DN đối với việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) hải quan trong năm vừa qua, cũng như những kỳ vọng của DN đối với ngành hải quan trong thời gian tới.

Đại diện cơ quan khảo sát, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định: Ngành Hải quan trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực cải cách quan trọng theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Bên cạnh những nỗ lực cải cách TTHC nói chung, ngành hải quan còn là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC.

Đến nay, các DN đã có thể thực hiện các thủ tục hải quan điện tử với 100% thủ tục được tự động hóa tại toàn bộ các cục và chi cục hải quan. Nhiều thủ tục hải quan đã được cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và 4. Cơ chế một cửa quốc gia cũng đang được triển khai mạnh mẽ… Những nỗ lực này cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện 15 bậc của Chỉ số thành phần “Thương mại qua biên giới của Việt Nam”, từ vị trí 108 năm 2016 lên vị trí 93 trong Chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2017 do WB công bố cuối năm 2016.   

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, qua khảo sát thu thập ý kiến, phản ánh từ các DN, thì các quy định về kiểm tra chuyên ngành còn quá nhiều, trong đó nhiều quy định không phù hợp thực tế. Thời gian kiểm tra chuyên ngành còn quá dài, các cơ quan phối hợp chưa tốt trong việc giải quyết các thủ tục cho DN.

Đưa những chỉ số khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, mặc dù DN tiếp cận thông tin TTHC hải quan tương đối dễ dàng, nhưng với những quy định pháp luật còn nhiều phức tạp, nên vẫn còn tới 47% DN cho biết họ từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu pháp luật hải quan. Tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với con số 54% của năm 2015.

Mức độ hài lòng với kết quả phản hồi từ các cơ quan có sự khác nhau rõ rệt. Với các cục hải quan địa phương, 85% DN hài lòng/hoàn toàn hài lòng với kết quả giải đáp, nhưng đối với Tổng cục Hải quan, tỉ lệ hài lòng là 76%.

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy, trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan, khó khăn hàng đầu đối với DN là nội dung kiểm tra bị chồng chéo, trùng lặp (38% đồng ý). Tiếp đến là thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo cho DN (36%). Đáng lưu ý, có tới 35% DN cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra này.

So với kết quả điều tra năm 2015, tỉ lệ chi trả chi phí không chính thức đã tăng từ 28% lên 31%. Trong khi đó, nhóm không chi thêm chi phí ngoài quy định chỉ tăng thêm 1% so với năm 2015. Nhưng điểm ghi nhận là việc có 44% DN cho biết không bị phân biệt đối xử, 17% nhận thấy rõ bị phân biệt và 39% DN không biết.

Dưới góc độ DN ở địa phương, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) phản ánh: Những phiền hà phát sinh nhiều không hẳn ở khâu hải quan mà là do vấn đề kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Việc kiểm hoá, thủ tục cấp phép (như kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, vệ sinh thực phẩm…) nhiêu khê, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thông quan, tờ khai, tăng thêm các chi phí lưu container, lưu bãi, lưu kho của DN, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất.

Mặc dù cũng đã áp dụng khai báo điện tử, nhưng do quá tải nên cũng không đáp ứng được thời gian, chất lượng công tác chuyên môn, muốn làm nhanh lại phải thêm các chi phí “bôi trơn”.

Có cùng quan điểm về việc kiểm tra chuyên ngành quá phức tạp, đại diện hiệp hội DN logistics dẫn chứng có những mặt hàng như sắt thép nhập về thường xuyên lần nào cũng cắt đoạn đi kiểm tra, hay hoa quả nhập từ Nhật, Australia lần nào cũng phải lấy mẫu đi thử.

Về vấn đề này, bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia cao cấp về hải quan chia sẻ, khi tham gia các đoàn khảo sát thực tế, việc phát hiện ra sai phạm của các lô hàng tỉ lệ rất nhỏ. “Nếu chỉ phát hiện ra sai sót các lô hàng khoảng 0,005%, mà cái gì cũng kiểm tra thì không hiệu quả”, bà An nhận định.

Đại diện các DN kiến nghị, ngành hải quan cần có sự cải cách hơn nữa, tăng cường thanh tra, giám sát thực hiện tại các đơn vị hải quan địa phương, xây dựng các chính sách bền vững, có tính ứng dụng lâu dài

Cải cách cần đồng bộ hơn

Ông Đặng Thế Lưỡng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hải quan với các cơ quản quản lý chuyên ngành. Cùng với đó cần rà soát, không để cán bộ công chức hải quan có trình độ chuyên môn kém nhưng lại có tác phong là “quan đối với dân”, chưa coi DN là đối tác, khách hàng khi giao dịch.

Đại diện các DN FDI cho rằng không có sự đồng nhất trong triển khai giữa các chi cục hải quan, có nơi thuận lợi có nơi rất khó khăn, gây phiền hà cho DN, do đó có lô hàng ở cảng này thì chấp nhận sang cảng khác lại bị ách tắc.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng bày tỏ, cộng đồng DN cũng kỳ vọng rất lớn vào những nỗ lực cải cách sắp tới của ngành hải quan. Theo các DN tham gia khảo sát 2016, ngành hải quan cần tiếp tục có nhiều cải cách hơn nữa trong thời gian tới.

Cụ thể, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan, nâng cao chất lượng thông tin cung cấp cho DN; tăng cường quan hệ đối tác DN-hải quan; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan cho DN.

Các DN cũng mong muốn ngành tiếp tục nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của cán bộ, công chức.

Ngoài ngành hải quan, cộng đồng DN cũng có nhiều đề xuất liên quan tới các bộ, ngành và cơ quan khác trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, đó là cần có sự vào cuộc hơn nữa của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong việc đơn giản hóa, minh bạch hóa cũng như điện tử hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, cộng đồng DN kỳ vọng ngành hải quan tiếp tục cải cách TTHC theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu của DN. Ngành sẽ tiếp tục có thêm nhiều giải pháp góp phần quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho các hợp tác thương mại của Việt Nam và thế giới trong thời gian tới. 

Đại diện các DN kiến nghị, ngành hải quan cần có sự cải cách hơn nữa, tăng cường thanh tra, giám sát thực hiện tại các đơn vị hải quan địa phương, xây dựng các chính sách bền vững, có tính ứng dụng lâu dài để giúp cho DN thiết lập các quy trình thực hiện hiệu quả và mang tính cam kết, tuân thủ. 

Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn cần có thêm nhiều TTHC được đưa lên Cổng cơ chế một cửa quốc gia, do đây là phương thức thực hiện công khai, minh bạch và tiết giảm nhiều thời gian và chi phí cho DN.  

Theo Huy Thắng(Báo chính phủ)