VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics

cần phân loại dịch vụ logistics và thực hiện điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Cụ thể, về nội dung phân loại dịch vụ logistics Ban Pháp Chế (VCCI) cho rằng trên thực tế, rất khó để phân loại dịch vụ logistics bởi tính đa dạng và linh hoạt của thị trường phù hợp với nhu cầu và năng lực của các bên giao kết hợp đồng. Do đó, việc Dự thảo đưa ra quy định "quét" tại Điều 4.17 là phù hợp. Tuy nhiên, quy định này yêu cầu dịch vụ khác phải đáp ứng hai yêu cầu: (1) "theo thông lệ quốc tế về dịch vụ logistics" và (2) "phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại"; Việc yêu cầu một dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu "theo thông lệ quốc tế về dịch vụ logistics" là chưa thực sự phù hợp. 

VCCI cho rằng, tiêu chí "thông lệ quốc tế về dịch vụ logistics" là không rõ ràng vì không thể xác định được mức độ phổ quát của tiêu chí hay nói các khác một hoặc một vài doanh nghiệp đến từ một hoặc một vài quốc gia khác cung cấp một loại hình dịch vụ thì có được gọi là thông lệ quốc tế hay không? Chưa kể, hiện nay chưa có tài liệu nào của các bên liên quan có thể chứng minh được sự tồn tại của thông lệ quốc tế đó. Thêm nữa, nếu quy định theo như dự thảo hiện hành thì phát sinh thêm vấn đề đó là liệu dịch vụ của Việt Nam có tương tự như các thông lệ quốc tế nói trên? 

Việc cung cấp các dịch vụ logistics phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm loại hàng hoá, cấu trúc thị trường, thể chế, pháp luật của mỗi quốc gia… Từ đó có thể hiểu là dịch vụ logistics do Việt Nam cung cấp sẽ mang đặc thù và các loại hàng hoá mà chỉ thị trường Việt Nam có mà không có tại các quốc gia khác. Do đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoặc một số quy định pháp luật mang tính đặc thù của Việt Nam. 

Trong trường hợp này, VCCI cho rằng Dự thảo nên để một dịch vụ chỉ cần phù hợp với quy định của Luật Thương mạiViệt Nam để được coi là dịch vụ logistic là đủ. Và các bên cung ứng, sử dụng dịch vụ logistic này hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam mà không cần chứng minh sự phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nếu quy định cứng là dịch vụ khác phải "theo thông lệ quốc tế" sẽ cản trở khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn cung ứng một dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nói cách khác,  nếu duy trì quy định này, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể trở thành "người bắt chước" chứ không thể trở thành "người sáng tạo" ra các dịch vụ mới. Đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ phát động khởi nghiệp, cổ vũ đổi mới sáng tạo thì việc quy định cứng như hiện nay là không phù hợp. Ngoài ra nếu không điều chỉnh nội dung Điều 4.17 này có thể dẫn đến việc Nhà nước không công nhận tính hợp pháp của một loại hình dịch vụ nào đó mà việc cung cấp, sử dụng dịch vụ này không gây bất kỳ một tác động xấu nào đến xã hội.

Góp ý của Ban Pháp Chế (VCCI) về Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến nội dung phân loại dịch vụ logistics, cụ thể góp ý sửa đổi Điều 4.17 của Dự thảo theo hướng bỏ yêu cầu dịch vụ khác phải theo thông lệ quốc tế mà chỉ cần phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại là đủ.

Theo Ngọc Hà(Báo Diên Đàn DN)