Tạo gia tốc mới cho cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ kiến tạo

Thủ tướng tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp năm 2016. Ảnh: VGP 
Trước thềm Hội nghị “Đồng hành cùng DN” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra vào ngày 17/5, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi với báo chí nhiều vấn đề xung quanh Hội nghị này cũng như các vấn đề mà DN quan tâm, cần tháo gỡ.

Với chủ đề “Đồng hành cùng DN”, Hội nghị giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với DN được tổ chức vào ngày 17/5 tới thể hiện rất rõ quyết tâm của Chính phủ. Là người đại diện cộng đồng DN, ông đánh giá như thế nào về tinh thần của Hội nghị?

TS. Vũ Tiến Lộc: Cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với DN vào năm 2016 khẳng định thông điệp: DN là động lực phát triển của nền kinh tế. Năm nay, cuộc gặp của Thủ tướng với DN diễn ra với thông điệp Chính phủ đồng hành cùng DN. Tôi cho rằng đây là hai thông điệp tiếp nối của ý tưởng quan trọng, đó là ý tưởng xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ người dân và DN.

Cuộc gặp của Thủ tướng với DN năm ngoái đã đề ra một chương trình tổng thể về phát triển DN đến năm 2020 và đưa ra một loạt giải pháp, chủ trương cụ thể. Từ đó, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện để thúc đẩy sự phát triển DN.

Năm nay, khi nhìn lại chúng ta thấy mình đã đi được một chặng đường. Có thể nói, chưa bao giờ vai trò của DN, doanh nhân và yêu cầu cải cách bộ máy để thúc đẩy tốt sự phát triển được khẳng định một cách mạnh mẽ như bây giờ.

Tất nhiên mọi thứ có độ trễ, không đồng đều. Có nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực, nhưng cũng trong điều kiện như vậy, ở đâu đó bộ máy công quyền còn chưa theo sát được yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Cuộc gặp năm nay là dịp để chúng ta đánh giá một năm thực hiện Nghị quyết 35 với thông điệp đồng hành cùng với DN, có sự cổ vũ lớn với cộng đồng DN trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay.

Như ông đã nói, vẫn còn những vấn đề như: Cải cách TTHC còn chậm, thanh tra, kiểm tra DN vẫn diễn ra thường xuyên… khiến DN gặp nhiều khó khăn. Tại Hội nghị lần này ông kỳ vọng thế nào về việc Chính phủ lắng nghe và giải quyết vấn đề cụ thể?

TS. Vũ Tiến Lộc: Dù có nhiều cố gắng, nhưng TTHC, môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn chưa xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới.

Chúng ta đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất, nghĩa là có hệ thống thể chế, TTHC liên quan đến DN tốt. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa đạt được yêu cầu này. TTHC còn rườm rà, phức tạp, kể cả trong quy định pháp luật lẫn thực tiễn. Ngoài ra, chi phí kinh doanh còn cao. Hệ thống các thiết chế bảo vệ quyền lợi của DN còn có những điểm hạn chế, chưa tạo được sự an tâm cho các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thanh tra, kiểm tra là một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết 35. Đã có yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch bảo đảm các DN không bị thanh, kiểm tra quá 1 lần/năm; cơ quan thanh, kiểm tra phải tích hợp với nhau để thanh, kiểm tra DN.

Nhưng hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, các DN vẫn phải gặp nhiều, phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra. Có DN phải gặp 6-7 đoàn, thậm chí nhiều hơn. Như vậy, yêu cầu về tuân thủ Nghị quyết 35 trong việc tích hợp, phối hợp trong thanh, kiểm tra để giảm bớt thời gian cho DN vẫn chưa tốt, vẫn còn phải cải cách nhiều.

Việc cải cách TTHC  là chủ trương, định hướng rõ ràng của Chính phủ. Vậy theo ông, những vấn đề cụ thể nào trong TTHC khiến DN gặp khó khăn mà chúng ta cần phải khẩn trương cải thiện?

TS. Vũ Tiến Lộc: Hiện nay vẫn còn một số vướng mắc ở các văn bản pháp luật, nên chúng tôi đã kiến nghị sớm trình Quốc hội, sửa đổi nhiều luật về môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ ngay các rào cản đang nằm trong các văn bản pháp luật. Đó là yêu cầu rất quan trọng.

Thứ hai, hiện nay chúng ta đang thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, đó là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Muốn thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân phải phát triển mạnh mẽ DN nhỏ và vừa, thậm chí là DN siêu nhỏ. Mà muốn thúc đẩy khu vực này phải đơn giản hoá tối đa TTHC, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh gia đình, DN mới ra đời thực hiện các yêu cầu TTHC với chi phí thấp nhất.

Một trong những yêu cầu quan trọng trong năm tới là làm sao sửa đổi quy định pháp luật và quy chế bảo đảm đơn giản hoá tối đa TTHC đối với các DN mới gia nhập thị trường, DN nhỏ và siêu nhỏ. Khi giải quyết vấn đề này sẽ thúc đẩy thực hiện mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020,  tạo ra làn sóng mới lập nghiệp, phát triển DN trong nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo ông, tại Hội nghịĐồng hành cùng DN”, vấn đề DN và cộng đồng DN quan tâm nhất là gì? Ông kỳ vọng thế nào về Hội nghị này?

TS. Vũ Tiến Lộc:  Về phía cộng đồng DN, điều đầu tiên mà DN gặp khó khăn là TTHC, mặc dù hiện nay đã cải thiện nhiều rồi, nhưng vẫn còn không ít phiền hà. Thứ hai là chi phi kinh doanh, dù đã cải tiến, nhưng trong nhiều lĩnh vực chi phí kinh doanh của chúng ta đang cao hơn khu vực và thế giới.

Thứ ba là việc bảo vệ quyền lợi của DN, hệ thống tư pháp xét xử tranh chấp hợp đồng, giải thể, phá sản DN thực hiện chậm trễ, không bảo đảm cho DN thực hiện quá trình tái cấu trúc để vượt lên.

Cuối cùng, tôi cho rằng, điểm quan trọng là kỷ luật thực thi đang là một yêu cầu quan trọng. Nếu như tất cả cấp chính quyền thực hiện đúng được những quy định của pháp luật, thực hiện đúng được yêu cầu Chính phủ, những yêu cầu cụ thể trong Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 thì đã có đột phá trong nền kinh tế rồi.

Do đó, tôi cho rằng, việc thực hiện tốt các quy định hiện hành, sáng tạo các giải pháp mới sẽ là hai bước đi song hành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta.

Hội nghị Thủ tướng gặp DN năm ngoái đã khởi động chu kỳ mới của cải cách TTHC ở nước ta với tốc độ cao hơn hướng tới chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân và DN. Chúng ta đã đề ra chương trình nghị sự đồ sộ nhiều việc phải làm và đã làm được nhiều việc. Nhưng việc thực hiện thể chế chính sách cần độ trễ và không đồng đều, nơi làm tốt, nhưng có nơi chậm trễ.

Do đó, tôi rất kỳ vọng là cuộc gặp lần này sẽ tạo nên gia tốc mới cho quá trình cải cách ở nước ta theo hướng phục vụ người dân và DN. Đặc biệt là các địa phương đã đi trước, đi tiên phong trong quá trình cải cách hỗ trợ DN cần tiếp tục có những bứt phá; các địa phương đi sau học tập kinh nghiệm các địa phương đi trước để quyết liệt hơn trong thực hiện giải pháp này.

Điều quan trọng nhất là thông điệp quyết tâm của Thủ tướng phải trở thành hành vi hằng ngày của cán bộ công chức ở cấp cơ sở. Đó chính là yếu tố quyết định thành bại của Nghị quyết 35. 

Theo VCCI, kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN tháng 4/2016 đến nay, đã có gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng DN được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan Nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỉ lệ 77,4%.

Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách TTHC, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách… Các kiến nghị này đang được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Theo Huy Thắng(Báo chính phủ)