Thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên: Ý tưởng hay nhưng cần lộ trình minh bạch

Một lớp học ở vùng cao xã Pình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hải Nguyễn

Động lực thúc đẩy giáo dục phát triển

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch HĐQT trường Đinh Tiên Hoàng - cho hay: Mọi sự cải tiến để cho tốt hơn thì xã hội đều ủng hộ. Để thực hiện được ý tưởng này Bộ GDĐT phải có quy trình, thí điểm, lộ trình và quy chế chặt chẽ để vừa đảm bảo được hai phía góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng, nhưng bên cạnh đó cũng cần bảo vệ quyền lợi, ổn định công việc, đời sống của người lao động.

Với việc chấp nhận nền kinh tế thị trường phát triển, sức lao động cũng là một thị trường và phải để khách hàng là thượng đế, những người sử dụng quyết định, tương tự trong giáo dục cũng vậy, phát triển theo hướng thị trường lao động sẽ giúp chúng ta gạt đi được rất nhiều những hạn chế hiện nay. Ý tưởng này cũng là động lực giúp GV đổi mới và tự hoàn thiện, trách nhiệm với công việc hơn.

“GV phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ quản lý phải biết tuyển chọn, sử dụng rồi đãi ngộ cho thỏa đáng, nếu cải tiến được như vậy thì rất tốt” - ông Lâm nhận định.

Đồng quan điểm, GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng sau khi triển khai thí điểm và tổng kết, đánh giá mới nên quyết định có thực hiện rộng hay không. “Đối với nghề làm thầy thì luôn luôn cần 2 điều, về trình độ bản thân gồm cả năng lực và phẩm chất, vừa dạy giỏi vừa có tâm huyết. Bên cạnh đó, nghề giáo cũng cần có sự ổn định cần thiết. Nhà giáo nếu không có một tâm trạng ổn định thì cũng sẽ khó khăn hơn. Khi thực hiện thí điểm, các nhà quản lý cần tính đến vấn đề này” - GS Giang nói.

Thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên: Ý tưởng hay nhưng cần lộ trình minh bạch ảnh 1

Giáo viên và học sinh vùng cao. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

 

Giáo viên vẫn không yên tâm

Chia sẻ về điều này, cô giáo Lê Thu (giảng dạy tại một trường THPT ở Hà Nội) chia sẻ: Giáo dục hiện nay đang có quá nhiều chương trình, dự án, thay đổi liên tục. Trong khi đó, nhà giáo rất cần một sự ổn định để giáo viên yên tâm công tác.

Còn cô giáo L.H.T (giáo viên tại Sóc Sơn, Hà Nội) nhận định: Mục đích của ý tưởng là khá tốt, có khả năng sẽ tạo được sự cạnh tranh, từ đó khiến GV có động lực lớn hơn trong việc dạy học. Nhưng xét về một vài khía cạnh khác, GV thấy không hề yên tâm về việc này. Cô T đưa ra 5 điều trăn trở. Thứ nhất, liệu việc làm hạn chế tiêu cực trong chạy thi công chức viên chức nhưng có thể sẽ làm phát sinh chạy xin hợp đồng dài hạn hay không, nhất là khi hiệu trưởng là người tuyển dụng. Thứ hai, khi tuyển dụng vào rồi, việc đuổi việc dường như quá dễ dàng. Khi người GV đi làm mà luôn nơm nớp lo sợ như vậy thì liệu có yên tâm công tác được không?

“Một điều nữa, đó là ai sẽ là người tuyển GV hợp đồng và ai được quyền đuổi việc GV? Việc đánh giá năng lực một GV thật sự không đơn giản và không được phép cảm tính. Nếu chỉ đặt toàn bộ quyền lực vào người đứng đầu nhà trường thì không thể khách quan được. Khi chất lượng giáo dục đi xuống, hiệu trưởng ít bị ảnh hưởng trực tiếp vì nhận lương nhà nước, kết quả chất lượng học sinh cũng là một thứ vô cùng khó đong đếm” - cô T lo lắng.

Nhà giáo này cho rằng giáo dục là một nghề đặc thù. Người thầy chứ không phải là nhân viên kinh doanh. Hãy để thầy cô có chút uy nghiêm trước học trò chứ không phải là người đi làm thuê đơn thuần. Mong rằng, Bộ GDĐT có những thay đổi trong tổ chức kỳ thi công chức viên chức thật minh bạch, đãi ngộ GV mức lương tương xứng để vẫn đạt được mục tiêu tinh giản biên chế mà hiệu quả giáo dục cao hơn..

Ông Phan Văn Tuệ - Chủ tịch CĐ Giáo dục tỉnh Bắc Kạn: “Giáo viên sẽ không yên tâm công tác, cống hiến”.

Ý tưởng của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ là mới và tôi hoàn toàn đồng tình. Chất lượng giáo dục do GV quyết định. Nếu GV cứ theo cách định biên, nằm trong biên chế rồi thì không lo bị đào thải, vì thế cũng không lo vận động nâng cao trình độ, năng lực. Ý tưởng của Bộ trưởng là muốn tồn tại trong ngành, GV phải vận động, phải phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện ý tưởng này là do không còn biên chế nữa, chỉ làm hợp đồng nên GV sẽ không yên tâm công tác, cống hiến. Do vậy, vấn đề là cần nghiên cứu kỹ làm như thế nào để đảm bảo cho các trường ổn định và phát triển. Tôi nghĩ cần có lộ trình tối thiểu là 5 đến 10 năm.

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch CĐ Giáo dục Hà Nội: “Ý tưởng của Bộ trưởng là để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ý tưởng của Bộ trưởng là rất tốt. GV phải phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực mới bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực hiện ý tưởng của Bộ trưởng sẽ loại được những GV không đủ trình độ, năng lực và không chịu khó học tập, phấn đấu. Vấn đề hạn chế khi thực hiện chế độ hợp đồng GV có vào - có ra là trong giảng dạy, lực lượng GV không ổn định, không liên tục nên mạch học của học sinh cũng sẽ có ảnh hưởng. Để thực hiện ý tưởng của Bộ trưởng thì cần có thí điểm và cần có thời gian cho GV chuẩn bị, ít nhất là 5 năm.                                                                          Tân Xuân (ghi)

Theo Báo Lao động