Giảm lãi suất cho vay - cách nào?

Trước đó ngày 8/11/2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2016/QH14 chỉ đạo giao ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.

Như vậy có thể thấy điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải đưa lãi suất cho doanh nghiệp Việt Nam vay trở về mức ngang bằng với khu vực và thế giới. Để làm được điều này, hệ thống ngân hàng sẽ phải xem lại và trả lời hàng loạt câu hỏi, như vì sao ngân hàng các nước trong khu vực phát triển tốt với lãi suất cho doanh nghiệp vay thấp, nhờ nguồn thu từ đâu, liệu có phải từ dịch vụ, từ đổi mới khoa học công nghệ ngân hàng...

Để có thể giảm được lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao..., giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Muốn điều chỉnh cơ cấu tín dụng, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ.

Về lĩnh vực này, quan sát nhiều ngân hàng quốc tế thành lập ở Việt Nam (HSBC, ANZ, Standacharterbank) cho thấy nguồn thu của các ngân hàng nói trên phần lớn từ cho vay lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ Master Card, Visa Card... còn phần cho vay doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít.

Bên cạnh đó, cách thức kinh doanh của ngành ngân hàng Việt Nam cũng cần phải thay đổi, gia tăng khoa học công nghệ, đi sâu mảng dịch vụ, lĩnh vực tiêu dùng. Hiện nay mảng kinh doanh này đang bị các công ty tài chính quốc tế như Home Credit (cho vay tín dụng tiêu dùng), các ngân hàng quốc tế ở Việt Nam tăng thị phần lên rất cao, lấn áp ngân hàng thương mại nhờ thái độ trân trọng khách hàng; nhờ khoa học công nghệ, quản trị hiện đại, tiên tiến. Nhiều trường hợp tính tổng cộng tại các ngân hàng này; tính tổng cộng chi phí - lãi suất cho vay tăng rất cao, từ 10% -> 20%/năm, nhưng người tiêu dùng vẫn vui vẻ chấp nhận.

Để có thể giảm được lãi suất cho doanh nghiệp vay bằng với khu vực và thế giới, bên cạnh sự cải cách quyết liệt của hệ thống ngân hàng, cải cách phương thức cho vay, cải cách phương thức kinh doanh (nếu chỉ hệ thống ngân hàng không đủ để giảm lãi suất) thì Chính phủ cần giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung phát triển nhanh thị trường chứng khoán. Đây chính là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đến 31/12/2016 đạt 2 triệu tỷ đồng, trong đó cổ phiếu chiếm 50%, trái phiếu chiếm 50% (84% là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, 165 là trái phiếu doanh nghiệp).

Từ các số liệu nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng xoay quanh 50% cung ứng vốn cho xã hội; sử dụng vốn từ thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng trên 25%. Do đó, áp lực vay ngân hàng của doanh nghiệp rất cao.

Trong khi tại các nước tiên tiến, nguồn vốn cung ứng cho xã hội từ hệ thống ngân hàng khoảng 30%; từ thị trường chứng khoán trên 60% (trong đó phần lớn doanh nghiệp hoạt động sử dụng nguồn vốn này). Khi doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thì chi phí rất thấp, lại không bị áp lực trả nợ.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiên tiến, cần công khai, minh bạch thông tin; niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vốn huy động từ thị trường chứng khoán, thay vì nguồn vốn từ vay hệ thống ngân hàng chi phí rất cao.

Chỉ khi áp lực nhu cầu vốn của doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng giảm, lập tức, việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ đồng bộ giảm theo.

CEO. Đặng Đức Thành
(Ủy viên BCH Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam)

Theo Cạnh tranh quốc gia