Đẩy mạnh cải cách hành chính về Thuế, Hải Quan.

  1. a) Nội dung kiến nghị: Đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế, hải quan.

Trả lời:

(i) Về công tác cải cách thủ tục hành chính thuế

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương; sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới về kinh nghiệm quốc tế; sự hợp tác và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành thuế triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế đã đạt được một số kết quả có sức thuyết phục; được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ghi nhận và được Chính phủ đánh giá cao. Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế, ngành thuế đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế thông qua các nhóm giải pháp để thực hiện được những mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ và đạt được kết quả về:

 (1) Cải cách về thể chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

 (2) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp và hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình khai thuế, tính thuế.

(3) Thực hiện công khai minh bạch quy trình, quy chế về quản lý thuế để người nộp thuế biết, theo dõi và giám sát. Đồng thời, công khai các thủ tục hành chính thuế bằng nhiều hình thức, hỗ trợ người nộp thuế.

 (4) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh và giám sát việc thực thi công vụ của các bộ thuế, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thuế.

(5) Phối hợp với các Bộ/ngành, các đơn vị có liên quan để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Qua đó đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế GTGT, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính; Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế, giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế, đến nay đã có 99,81% doanh nghiệp sử dụng kê khai thuế qua mạng, cơ bản các thủ tục hành chính thuế đã thực hiện qua phương thức điện tử, đã triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử và hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực, công khai minh bạch các quy trình quy chế quản lý thuế, áp dụng quản lý thuế dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro (đặc biệt đối với công tác thanh tra kiểm tra); Phối hợp với các cơ quan để kết nối thông tin và thực hiện cơ chế điện tử liên thông.

Mức độ hài lòng của doanh nghiệp cũng đã khẳng định những kết quả quan trọng của cơ quan thuế năm 2016 đạt được so với năm 2014, tại Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế, mức độ hài lòng của người nộp thuế đã tăng từ 7,11/10 lên 7,5/10 cả 05 nội dung quan trọng đều có tiến bộ như:

Tuy nhiên, theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cơ quan thuế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, một số giải pháp còn chậm phát huy tác dụng như:

 Về giải quyết vướng mắc về pháp luật thuế nói chung cũng như thủ tục hành chính thuế nói riêng như: áp dụng các quy định hoàn thuế, miễn giảm thuế, giải quyết khiếu nại, thanh tra kiểm tra thuế, xử lý vi phạm về thuế… cho doanh nghiệp và người dân vẫn còn có trường hợp chậm thời gian so với quy định, ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực các luật thuế.

Số lượng thủ tục hành chính về thuế vẫn còn nhiều và phức tạp làm ảnh hưởng đến thời gian của người nộp thuế (Tính đến 31/12/2016, thủ tục hành chính lĩnh vực thuế có 300 thủ tục (cấp Tổng cục là 12 thủ tục; cấp Cục Thuế là 165 thủ tục; cấp Chi cục Thuế là 123 thủ tục); Các quy trình liên quan trực tiếp đến người nộp thuế chưa được tái thiết kế để sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể và đầy đủ theo yêu cầu cải cách trong thời gian qua để phù hợp với mục tiêu thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, làm ảnh hưởng thời gian sau kê khai của doanh nghiệp, đặc biệt là thời gian sau kê khai như: Thời gian để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra, thanh tra thuế.

Công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh (thuế GTGT, TNCN hộ kinh doanh, thuế trước bạ, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp,...) đã có sự đổi mới căn bản, song việc tổ chức thu thuế còn có nơi, có khi chưa tạo thuận lợi cho người dân.

Cơ chế quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn đã được đổi mới, song cũng còn có khi chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Bộ, của Chính phủ.

Do đó, trong thời gian tới, ngành thuế tiếp tục nỗ lực hơn nữa để công cuộc cải cách đạt hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế nhằm hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, quản lý; đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ, giải quyết khiếu nại đúng hạn, giảm giờ thực hiện cho doanh nghiệp; áp dụng quản lý rủi ro để thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp trốn thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật thuế góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp và đạo đức tác phong của cán bộ thuế; xây dựng cơ chế quản lý thuế công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của người dân, doanh nghiệp với việc thực thi công vụ của cơ quan thuế, công chức thuế.

(ii) Về công tác cải cách thủ tục hành chính hải quan

Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động (Quyết định số 1907/QĐ-TCHQ ngày 24/6/2017). Sau 1 năm thực hiện đã thu được kết quả khả quan. Theo báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 của VCCI, trong tổng số 1035 doanh nghiệp xuất nhập khẩu có phản hồi khi được hỏi, hầu hết các chỉ tiêu về tiếp cận thông tin quy định thủ tục hành chính hải quan, về thực hiện thủ tục hành chính hải quan đều có tiến bộ so với năm 2015; một số chỉ tiêu về sự phục vụ của công chức Hải quan có chuyển biến tích cực song vẫn còn chỉ tiêu chuyển biến chậm hơn so với năm 2015. Kết quả này phản ánh tương đối sát những nỗ lực và thực trạng kết quả cách cách thủ tục và nhân sự của ngành Hải quan hiện nay theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính hải quan không chỉ đòi hỏi riêng sự nỗ lực của ngành Hải quan mà còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực cải cách của các Bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Vì vậy, đối với kiến nghị của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy cũng như kiến nghị tương tự của một số doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan xin ghi nhận để có các giải pháp khắc phục trong phạm vi thẩm quyền được giao, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc vượt thẩm quyền của Tổng cục, qua đó đưa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

- Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức và đảm bảo kỷ cương, liêm chính trong ngành Hải quan, cụ thể:

+ Về hoàn thiện các quy chế, quy định: Rà soát, loại bỏ những quy định, thủ tục không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh sơ hở bị lợi dụng. Ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định liên quan đến kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa ngăn chặn tình trạng gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, công chức Hải quan và đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 07/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ trong ngành Tài chính và Kế hoạch triển khai Chỉ thị ban hành kèm theo công văn số 11645/TCHQ-TCCB ngày 12/12/2016 của Tổng cục Hải quan. Thường xuyên tổ chức quán triệt, giáo dục nhận thức, nâng cao phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức Hải quan về phòng chống tiêu cực, tham nhũng, giữ gìn danh dự, uy tín của cá nhân, của ngành Hải quan.

+ Về cải cách, hiện đại hoá Hải quan: Không ngừng cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan. Áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại: hệ thống thông quan tự động và một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) và phương tiện kỹ thuật hiện đại (máy soi container, máy soi di động, camera) trong làm thủ tục, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện, giảm thiểu chi phí phát sinh. Đồng thời hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức Hải quan với người dân, doanh nghiệp.

+ Về công khai, minh bạch: Các quy định pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách của Nhà nước, quy chế, quy trình, thủ tục hải quan của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan đều được công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trên Báo Hải quan, trên mạng Net-Office, Website của Tổng cục Hải quan, của Cục Hải quan tỉnh, thành phố và niêm yết văn bản quy định tại trụ sở Chi cục, địa điểm làm thủ tục hải quan.

+ Về đào tạo, bồi dưỡng: Để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức hải quan, Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ công chức. Đồng thời, đưa các nội dung về đạo đức công vụ, tác phong làm việc vào chương trình giảng dạy đối với các lớp như: bồi dưỡng nghiệp vụ tổng hợp, bồi dưỡng ngạch...

+ Đường dây nóng: Tổng cục Hải quan đã tổ chức hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh các biểu hiện tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu của công chức Hải quan.

+ Về kiểm tra, xử lý: Tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ của Tổng cục Hải quan đối với Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Cục Hải quan tỉnh, thành phố đối với các Chi cục trực thuộc. Trong đó tăng cường hình thức kiểm tra đột xuất, tập trung vào những đơn vị, những khâu nghiệp vụ trọng yếu, nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực để chủ động phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm của cán bộ, công chức Hải quan. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh (đến mức buộc thôi việc) các trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm cán bộ Lãnh đạo liên quan đến trách nhiệm quản lý để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ trách.

  1. b) Nội dung kiến nghị:

Các nhóm giải pháp đã được đưa ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp khi đi vào thực hiện chưa rõ ràng như: các chính sách tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp; hay giảm 50% thuế TNCN đối với lao động trong một số lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực  nông nghiệp chế biến hải sản…

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động ban hành Quyết định số 1239/QĐ-BTC về việc Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP; đồng thời thực hiện tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và về xử lý nợ thuế, đánh giá những ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các Luật thuế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thuế trên cơ sở đó, dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, ngày 14/10/2016, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội hóa XIV, Chính phủ đã ký Tờ trình số 406/TTr-CP trình Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (gồm 03 giải pháp về thuế TNDN (giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; bổ sung ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ); 01 giải pháp về thuế TNCN (giảm 50% thuế TNCN đối với nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản thuộc: dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển) và 01 giải pháp về xóa nợ tiền chậm nộp thuế).

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 2, dự án Nghị quyết chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho ý kiến.

Cũng trong năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời đưa ra một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.

Ngày 9/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước. Đồng thời đưa ra giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên là thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2823/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng thời, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế về cải cách các sắc thuế, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, vừa thực hiện mục tiêu, giải pháp đã đưa ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14, vừa thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, đồng thời giải quyết những vấn đề đang gây bức xúc cho sự phát triển kinh tế - xã hội và liên quan đến đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có các nhóm nội dung liên quan đến chính sách thuế đã nêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP trên).

Trên cơ sở kết quả rà soát các luật thuế hiện hành, Bộ Tài chính đã có công văn số 4191/BTC-CST ngày 30/3/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành, gồm có Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế GTGT và Luật thuế tài nguyên.

Như vậy, nếu xem xét đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật thuế nhằm phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nguồn thu như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quốc hội tại các Nghị quyết nêu trên thì việc ban hành dự án Nghị quyết về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp để áp dụng trong thời gian ngắn thì ý nghĩa thực tế sẽ không cao. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến cho phép không tiếp tục bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp vào Chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, mà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB và tài nguyên để trình Chính phủ báo cáo UBTVQH bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2018 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.