Hiệp hội đã có nhiều văn bản, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhất là vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt và điều kiện kinh doanh... Một số ý kiến của Hiệp hội đã được các cơ quan nhà nước tiếp thu để hoàn thiện các chinh sách, văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số biểu hiện chưa thực sự mang tính phục vụ doanh nghiệp, trong đó có việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ vẫn mang tính cục bộ, sao cho thuận lợi quản lý của mình là chính; hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, đôi khi còn xuất hiện những mâu thuẫn trong đánh giá doanh nghiệp; một số quy định được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chưa phù hợp với thực tế khách quan.

Kiến nghị của Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam không nêu vướng mắc cụ thể về thuế TTĐB. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính có nhận được kiến nghị của Hiệp hội liên quan đến giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia nhập khẩu, cụ thể:

(1) Cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ phần thuế TTĐB phải nộp của hàng nhập khẩu phát sinh theo quy định tại Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016. Giải pháp này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và sẽ tạo sự chuyển biến thực sự và tích cực đối với môi trường kinh doanh.

(2) Để tạo môi trường thuế ổn định cho các nhà đầu tư tại Việt Nam và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác kinh doanh, đề nghị xem xét lại chính sách thuế TTĐB bao gồm giá tính thuế và thuế suất đối với ngành đồ uống có cồn.

Về kiến nghị nêu trên, ngày 19/10/2016 Bộ Tài chính đã ký công văn số 14834/BTC-CST trả lời Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam với nội dung như sau:

“1. Về kiến nghị khấu trừ phần thuế TTĐB phát sinh do thay đổi giá tính thuế:

Theo quy định của Luật thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn thì thuế TTĐB được khấu trừ chỉ áp dụng đối với 02 trường hợp:

(i) Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bằng các nguyên liệu chịu thuế TTĐB được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế TTĐB phải nộp.

(ii) Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐb phải nộp bán ra trong nước.

Theo đó, kiến nghị cho phép doanh nghiệp nhập khẩu rượu, bia được khấu trừ thuế TTĐB phải nộp của hàng nhập khẩu phát sinh từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016 (theo quy định tại Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ) với số thuế TTĐB phải nộp khác là chưa phù hợp và không có cơ sở. Do vậy, đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

  1. Về kiến nghị về chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu nhập khẩu

2.1. Về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu nhập khẩu:

Để bảo đảm công bằng trong việc xác định giá tính thuế TTĐB giữa hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, chống chuyển giá đối với hàng nhập khẩu (khai giá thấp tại khâu nhập khẩu trong khi bán ra trong nước với giá cao hơn nhiều do hầu hết các mặt hàng này đều có mức thuế nhập khẩu và thuế TTĐB ở mức cao), phù hợp với hội nhập quốc tế, tại Nghị định số 108/2015/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) đã quy định hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB nhập khẩu (trong đó có mặt hàng bia, rượu) khi nhập khẩu cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế TTĐB và khi bán ra trong nước cũng phải kê khai, tính nộp thuế TTĐB và số thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu đã nộp tại khâu nhập khẩu được khấu trừ khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra.

Quy định nêu trên áp dụng đối với tất cả các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB nhập khẩu nên kiến nghị xem xét quy định về giá tính thuế TTĐB đối với ngành đồ uống có cồn là chưa phù hợp và không công bằng với các mặt hàng chịu thuế TTĐB khác. Do vậy, đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

2.2. Về thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia:

- Đối với mặt hàng rượu:

Trước ngày 01/01/2010, thuế suất thuế TTĐB đối với rượu được phân biệt theo loại rượu như sau: rượu từ 40 độ trở lên 65%; rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ 30% và rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc 20%. Thực hiện cam kết khi gia nhập WTO, Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 quy định: Rượu từ 20 độ trở lên áp dụng 45% từ ngày 01/01/2010 đến hết ngày 31/12/2012 và 50% từ ngày 01/01/2013; rượu dưới 20 độ áp dụng 25% từ ngày 01/01/2010.

Việc giảm thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu đã làm tăng sức mua đối với mặt hàng này góp phần dẫn đến lạm dụng rượu (sử dụng rượu quá mức có tác hại đến sức khỏe người uống và là tác nhân của nhiều vấn đề xã hội khác). Vì vậy, để hạn chế sử dụng rượu, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật số 70 sửa đổi, bổ sung một số điều của thuế TTĐB, trong đó quy định tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu như sau:

+ Đối với rượu từ 20 độ trở lên: Áp dụng thuế suất 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018;

+ Đối với rượu dưới 20 độ: Áp dụng thuế suất 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018.

- Đối với mặt hàng bia:

Trước ngày 01/01/2010, thuế TTĐB đối với bia được phân biệt theo loại bia: bia chai, bia lon áp dụng thuế suất 75% trên giá có trừ giá trị vỏ chai, vỏ lon; bia hơi, bia tươi áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% từ năm 2008. Thực hiện cam kết khi gia nhập WTO (trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO sẽ áp dụng một mức thuế suất phần trăm (%) chung đối với các loại bia, không phân biệt hình thức đóng gói bao bì), Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với mặt hàng bia là 45% từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2012 và 50% từ ngày 01/01/2013. Việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai, bia lon từ 75% xuống 45% - 50% là nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất bia địa phương (cơ cấu bia hơi chiếm tỷ trọng lớn) tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đến nay, các cơ sở sản xuất bia địa phương đã phát triển đủ mạnh và có thể cạnh tranh được trên thị trường. Mặt khác, việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua (tiêu thụ) đối với bia dễ dẫn đến lạm dụng bia. Do vậy, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của thuế TTĐB, trong đó quy định tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia như sau: Từ ngày 01/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.

Bộ Tài chính thấy rằng, mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia quy đinh tại Luật số 70/2014/QH13 đã góp phần hạn chế lạm dụng rượu, bia, bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế một số nước trong khu vực đang áp dụng (mức tuyệt đối tính theo USD trên 100 lít bia của Việt Nam đứng thứ 4 so với các nước trong khu vực[1]). Do vậy, kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia của Hiệp hội, doanh nghiệp là chưa phù hợp.”.

[1] Mức thuế TTĐB đối với bia theo mức thu tuyệt đối tính theo USD trên 100 lít với các nước trong khu vực như sau: Ma-lai-xi-a: 226,22 USD; Thái Lan: 183,42 USD; Singapore: 182,80 USD;  In-đô-nê-xi-a: 97,39 USD; Việt Nam: 57,54 USD.