Không vốn và chứng nhận kinh doanh: Tổ hợp tác hoạt động "èo uột"

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng chủ trì hội thảo.

Tạo hành lang hỗ trợ THT

Theo báo cáo của 48/63 tỉnh, thành phố, hiện nay có 68.364 THT, với 1,2 triệu thành viên tham gia, trong đó có 35.570 THT có chứng thực (chiếm 52% tổng số THT). Doanh thu bình quân của 1 THT năm 2016 là 811 triệu đồng, lãi bình quân 369 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho 1 lao động thường xuyên trong THT là 79 triệu đồng/năm. khong von va chung nhan kinh doanh: to hop tac hoat dong  "eo uot" hinh anh 1

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn (thứ 2 bên phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: T.H

Nhìn chung quy mô THT vẫn còn nhỏ, vốn và tài sản còn ít, nhiều THT hoạt động không thường xuyên, thiếu hướng dẫn, tư vấn của chính quyền cơ sở. Phần lớn các THT còn gặp khó khăn trong giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng, tiếp cận các quy định pháp luật do quy mô sản xuất của các THT nhỏ, trình độ khoa học và công nghệ, vốn và thị trường còn hạn chế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, THT cùng với HTX là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong tình hình nước ta hiện nay, khi đa số hộ sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa là đặc biệt hữu hiệu. Việc liên kết, hỗ trợ giữa các hộ nông dân, nhà sản xuất nhỏ lẻ sẽ giúp sử dụng nguồn lực tối ưu nhất, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của THT nhằm hỗ trợ, tạo một khung pháp luật minh bạch, rõ ràng giúp THT và các loại nhóm hợp tác thành lập và phát triển. Dự thảo nghị định này có 08 chương 44 điều.

Thực tế triển khai ở Thanh Hóa cho thấy, việc vận động thành lập THT không khó, nhưng để THT thực sự đứng vững và hoạt động hiệu quả thì Hội ND tỉnh không chỉ “cầm tay chỉ việc”, mà còn phải là “bà đỡ” hỗ trợ các THT này”.

Ông Lê Ngọc Thông
– Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh
Thanh Hóa   

 

Sau khi nghe trình bày tóm tắt nội dung chính, những điểm dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của THT đã được điều chỉnh (lần 2) so với Nghị định 151, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận sôi nổi, chia sẻ về hiện trạng, khả năng, nhu cầu và các chính sách THT. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất Nghị định về tổ chức và hoạt động của THT thay thế Nghị định 151 về tổ chức và hoạt động của THT cần phải dựa trên cơ sở hỗ trợ THT, qua đó tạo được hành lang mở về cơ chế, chính sách thiết thực để thúc đẩy các THT phát triển.

Ông Lê Ngọc Thông – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đến nay, Thanh Hóa có 898 THT với 9.535 người, trong đó, chỉ có 354 THT có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn. Hoạt động các THT chủ yếu là hỗ trợ nhau cung ứng đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, còn việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thương lái.

“Tôi đề nghị, Nghị định mới nên có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó chú trọng nâng cao năng lực cho các THT, giúp họ xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp. Thực tế triển khai ở Thanh Hóa cho thấy, việc vận động thành lập THT không khó, nhưng để THT thực sự đứng vững và hoạt động hiệu quả thì Hội ND tỉnh không chỉ “cầm tay chỉ việc”, mà còn phải là “bà đỡ” hỗ trợ các THT này” - ông Thông nhấn mạnh.

Phát huy vai trò Hội ND

Đánh giá cao vai trò của Hội ND trong việc hướng dẫn, xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác, ông Lê Đức Thịnh - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chỉ ra rằng: “Nước ta có khoảng trên dưới 10 triệu hộ ND, đa phần các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chịu rủi ro cao. Khả năng thích ứng và chống đỡ các cú sốc, đặc biệt là cú sốc về thị trường của ND còn yếu, sự tham gia liên kết trong các chuỗi giá trị nông sản chưa cao…”.

Theo ông Thịnh, vai trò sự phát triển của các tổ chức xã hội (APOs) ngày càng đóng vai trò quan trọng. “Xét trong điều kiện cụ thể Việt Nam hiện nay, giải pháp tốt nhất để củng cố, phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức là huy động sự tham gia của Hội NDVN với hệ thống 4 cấp, nhất là ở cấp cơ sở vào một số chức năng của APOs, đặc biệt là hướng dẫn, xây dựng, thành lập các hình thức kinh tế hợp tác” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Phạm Hữu Văn – Ban Kinh tế Trung ương Hội NDVN cho biết: 5 năm qua, các cấp Hội đã tuyên truyền về vai trò, vị trí và tác động của thành phần kinh tế tập thể đối với sự phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại của nông dân. Trên cơ sở nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân, cán bộ hội tích cực vận động họ xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương, địa bàn.

“Cán bộ Hội ND các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn và các chi, tổ Hội là thành viên nòng cốt củng cố và xây dựng các THT, HTX. Đến nay, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng được 126.000 THT. Trong đó, có 76.000 tổ dịch vụ trong nông nghiệp; 17.600 tổ tín dụng được hình thành từ các tổ vay vốn tín chấp của Hội” - ông Văn thông tin

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của các đại biểu trong hội thảo. “Có 76 ý kiến góp ý cho dự thảo, trong đó có nhiều ý kiến xác đáng và thiết thực. Hội NDVN giao Ban Hợp tác quốc tế tổng hợp ý kiến, dự thảo Nghị định mới gửi Ban Thường vụ các tỉnh, thành Hội xin ý kiến một lần nữa, sau đó tổng hợp lại để có bản tốt nhất gửi Bộ KHĐT giúp tổ hợp tác phát triển hiệu quả trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Khó vì không có giấy chứng nhận

THT trồng rừng và chế biến gỗ Khuổi Sliến được thành lập vào tháng 8.2015 với 8 thành viên và 35ha trồng rừng. Nhằm nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế trồng rừng, đến đầu năm 2017, THT tiến hành sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Theo đó, cùng liên kết trồng cây gỗ mỡ, sau khi thu hoạch các thành viên còn đứng ra chế biến gỗ tròn (nguyên cây) thành gỗ bóc. Hiện nay, mỗi ngày THT đang sản xuất 5 – 6 khối gỗ bóc, tính thu nhập tăng 20% so với bán gỗ tròn. Tuy nhiên, do THT không được cấp giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh (SXKD) nên mọi hoạt động giao thương mua bán giữa THT với các doanh nghiệp thu mua gỗ rất khó khăn. Tôi đề nghị, Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của THT nên bổ sung thêm quy định cấp giấy phép hoạt động SXKD cho các THT để thuận lợi hoạt động buôn bán.

Ông Mã Hoàng Tạ - Tổ trưởng THT trồng rừng và chế biến gỗ Khuổi Sliến
(xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn)

Cần có chính sách hỗ trợ tín dụng

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 35.000 tỷ đồng. Hà Tĩnh có hơn 1.200 HTX và 443 THT, trong đó có 20 HTX được tiếp cận vay 100 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng nông nghiệp và không có THT nào được vay vốn tín dụng nông nghiệp, trừ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội ND tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Có thể thấy thực trạng “3 không” của THT hiện nay là: Không tư cách pháp nhân, không vốn và không đất đai. Tôi đề nghị, tại mục 2, điều 8 dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với THT nên bổ sung thêm hỗ trợ các THT vay vốn phát triển sản xuất. Bởi qua thực tế Hội ND Hà Tĩnh hướng dẫn, xây dựng và thành lập 68 THT cho thấy việc hoạt động THT gắn với cho vay vốn Quỹ HTND rất hiệu quả, đã xây dựng được 2 chuỗi giá trị là lợn và bò. Theo đó, ND cùng nhau liên kết hỗ trợ đầu vào và chủ động thị trường tiêu thụ.

Bà Phạm Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh

Đức Thịnh (ghi)

Theo Dân Việt