Cần cơ quan độc lập để giải quyết kiến nghị đấu thầu

Hôm nay (14/6), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo quốc tế Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, tìm ra cơ chế, mô hình giải quyết kiến nghị trong công tác đấu thầu tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ mua sắm công chiếm 15-20% GDP của các quốc gia trên toàn thế giới và là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu của Chính phủ hàng năm.

cong tac dau thau can co quan hanh chinh doc lap hinh 1
Ở Việt Nam, một số quy định trong đấu thầu còn chưa thống nhất, rõ ràng.
(Ảnh minh họa: KT)
Ở Việt Nam, chi tiêu bình quân so với GDP đã tăng từ mức 28,5%, giai đoạn 2001-2005 lên 29,7% giai đoạn 2006-2010. Giai đoạn 2011-2013, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, mức chi ngân sách so với GDP tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (28,15%).

Do quy mô chi tiêu chính phủ ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao nên đấu thầu, mua sắm công được đánh giá là hình thức tiết kiệm và minh bạch nhất cho chi tiêu Chính phủ, bởi bên mời thầu có thể đánh giá và lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Mặc dù, Luật Đấu thầu 2013 đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng qua thực tiễn vận hành, cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà thầu trong nước và nước ngoài.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều kiến nghị trong đấu thầu chậm được giải quyết, hoặc thiếu chủ động và “lừng khừng” không muốn giải quyết. Không ít trường hợp chỉ giải quyết khi có áp lực của công luận hoặc ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp cao.

“Có kiến nghị vẫn được giải quyết nhưng trả lời vòng vo, kéo dài thời gian làm cho nhà thầu mệt mỏi, bỏ cuộc. Nhà thầu thường rất ngại ra tòa án vì thủ tục quá phức tạp, mất nhiều thời gian vì cán bộ chuyên môn về đấu thầu không nhiều. Mặc dù cơ chế độc lập hoàn toàn chính là tòa án, nhưng cơ chế đó thực tiễn vận hành lại không tốt”, ông Tăng nêu rõ.

Theo thống kê của Báo Đấu thầu, từ năm 2016 đến cuối tháng 4 năm nay, cả nước có 146 vụ sai phạm, khuất tất trong quá trình tham gia đấu thầu được gọi về đường dây nóng mong có sự can thiệp, vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trong đấu thầu ở Việt Nam chủ yếu là do một số quy định trong đấu thầu còn chưa thống nhất, rõ ràng; bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền có mối liên hệ thường xuyên, liên tục, nể nang hoặc sai phạm của bên mời thầu cũng là sai của chủ đầu tư và cũng là sai của người có thẩm quyền…

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền đề xuất, cần rà soát những điểm bất cập, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đấu thầu để hoàn thiện, làm cho rõ ràng và thống nhất hơn.Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập một cơ quan hành chính độc lập để giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Các nhà thầu, các nhà đầu tư muốn có một cơ quan độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

 “Trong cơ chế kiến nghị hiện nay cần giao cho chính bên mời thầu. Chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền vừa là người có hành vi vi phạm nhưng lại chính là người giải quyết kiến nghị, họ giải quyết kiến nghị liên quan đến chính vi phạm của họ nên trong thực tiễn chưa thể hiện rõ tính hiệu quả”, bà Hiền chỉ rõ.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của các cán bộ đấu thầu và các cơ quan Chính phủ; thúc đẩy tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống đấu thầu; tránh các chi phí và chậm chễ không cần thiết cũng như gây gián đoạn đối với công tác đấu thầu trong suốt quá trình kiến nghị./.

Theo Cẩm Tú/VOV