Bộ KHĐT phản hồi kiến nghị sửa đổi Nghị định về PPP

Theo phản ánh của các ông, bà Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Anh Dũng, Phan Ngọc Thu, hiện nay Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định không cụ thể khiến các nhà đầu tư khó triển khai, gặp vướng cơ chế chính sách.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, các công dân đề nghị cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP về quy trình và trình tự thủ tục thực hiện làm đường giao thông theo hình thức hợp đồng BT, cụ thể như sau:

Đề nghị bổ sung Khoản 5, Điều 17 của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về trình tự khi thực hiện Dự án theo Hợp đồng BT:

a) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) ra công văn chấp thuận chủ trương cho Nhà đầu tư lập Dự án sau 30 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư có hồ sơ báo cáo đề xuất Dự án sơ bộ.

b) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) phê duyệt Dự án trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư trình Hồ sơ Dự án lên Sở Kế hoạch và Đầu tư.

c) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) phê duyệt Quy hoạch 1/500 khu đất dành cho Tái định cư và khu đất được bán của Nhà đầu tư trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư trình bản vẽ quy hoạch lên Sở Quy hoạch Kiến trúc (đối với Tỉnh không có Sở Quy hoạch Kiến trúc thì là Sở Xây dựng).

d) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) ký Hợp đồng BT với Nhà đầu tư trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư được UBND cấp Thành phố (Tỉnh) phê duyệt Dự án.

e) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) có Quyết định thu hồi đất và giao đất phần mở đường, phần dành cho Tái định cư và phần trả cho Nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng BT. Đặc biệt ưu tiên các khu đất để Tái định cư cho các hộ gia đình gần nơi giải phóng mặt bằng.

f) UBND cấp Quận (Huyện) nơi có Dự án phải có trách nhiệm kết hợp với Nhà đầu tư tiến hành Giải phóng mặt bằng.

g) UBND Thành phố (Tỉnh) phải ra Quyết định chấm dứt chủ trương trước đây đã giao cho Nhà đầu tư lập Dự án nếu sau 6 tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương mà Nhà đầu tư không trình Hồ sơ Dự án lên UBND Thành phố (Tỉnh) phê duyệt.

Bên cạnh đó, đề nghị bỏ Khoản 2, Điều 22 của Nghị định 15/2015/NĐ-CP vì đã quy định chi tiết ở Khoản 5 Điều 15 (khi được bổ sung).

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các ông/bà đối với chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lần lượt nhận được các kiến nghị về việc sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Gia Bảo, có nội dung kiến nghị tương tự với kiến nghị của ông/bà. Trên tinh thần cầu thị lắng nghe các ý kiến góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có các văn bản phúc đáp và tổ chức cuộc họp rộng rãi với sự có mặt của Công ty Gia Bảo và đại diện một số Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đã đặt ra và hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với kiến nghị sửa đổi quy trình thực hiện dự án BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy kiến nghị này xuất phát từ những bất cập trong quá trình triển khai dự án BT riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư thực hiện dự án BT sẽ được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác. Theo đó, cơ chế thanh toán đối với dự án BT được quy định cụ thể tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 183/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thực tiễn cho thấy, với các quy định nêu trên, thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và đang có xu hướng áp dụng rộng rãi loại hợp đồng BT để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân nhằm phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, về đầu tư, đồng thời phù hợp để áp dụng cho tất cả các Bộ, ngành và địa phương.

Việc quy định một quy trình, thủ tục riêng cho loại hợp đồng BT như kiến nghị của ông/bà không phù hợp với kết cấu văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng đến khả năng áp dụng chung cho tất cả các Bộ, ngành và địa phương; trong khi đó, quy trình được đề xuất không được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh nên không đảm bảo tính công khai minh bạch, cũng không đảm bảo tính khả thi trong việc thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Ngoài ra, trong các văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Gia Bảo kiến nghị bổ sung quy định nhà đầu tư chỉ được giữ lại lợi nhuận sau thuế tối đa là 9% tổng mức kinh phí của dự án BT. Việc quy định một mức lợi nhuận cố định sẽ hạn chế sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, không đảm bảo chủ trương thực hiện đầy đủ và đúng đắn quy luật kinh tế thị trường của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Trên thực tế, lợi nhuận của nhà đầu tư trong dự án PPP cần được tính toán trên phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư bỏ ra, không thể tính toán trên tổng mức đầu tư của dự án do vốn vay đóng góp phần lớn trong tổng mức đầu tư.

Trường hợp áp dụng chỉ định thầu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần đàm phán một mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhất định với nhà đầu tư, trên cơ sở tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng, lợi nhuận của dự án tương tự so với mặt bằng thị trường khu vực dự án và lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực khác (theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Thông tư số 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Như vậy, mức lợi nhuận 9% trên vốn chủ sở hữu như Công ty Gia Bảo đề xuất chỉ có thể sử dụng để tham khảo đối với dự án BT trong lĩnh vực giao thông thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong trường hợp đáp ứng quy định nêu trên, về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trao đổi với Bộ Tài chính (cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn phương án tài chính trong dự án PPP nói chung và cơ chế thanh toán của dự án BT nói riêng), Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải để có định hướng nghiên cứu, hướng dẫn tại các văn bản có liên quan.

Theo Chinhphu.vn