Không nên "ép" hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI đặt vấn đề, bản thân hộ kinh doanh không muốn "lớn lên" hay ở đây vẫn còn những khó khăn mà chúng ta chưa biết?

Không thể phủ nhận rằng, để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp là một quá trình không hề dễ dàng. Và hiện nay vẫn còn những rào cản vướng mắc nhất định về chính sách, cơ chế và thủ tục hành chính. Bởi vậy, quá trình này càng cần có sự vào cuộc của các bên liên quan. Hộ kinh doanh cá thể là một trong những đối tượng chính nhằm hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI đặt vấn đề tại hội Hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và giải pháp hỗ trợ” vừa được tổ chức mới đây: “Các hộ kinh doanh hiện nay đang tạo ra nguồn lao động chiếm 50% lao động phi nông nghiệp. Đây là sự đóng góp rất lớn vào việc giải quyết vấn đề việc làm tại Việt Nam.”

“Nhưng tại sao chúng ta vẫn phải băn khoăn đến quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Bản thân các hộ kinh doanh đang không muốn “lớn lên” hay ở đây vẫn còn những khó khăn gì mà chúng ta chưa biết?”.

Ông Phan Đức Hiếu - Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng "nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính"

Trao đổi về vai trò của những nhà quản lý chính sách trong việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng “Muốn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Đồng thời tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý với quy mô và tính chất kinh doanh. Trong đó, điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư phải thấy được lợi ích lớn hơn chi phí khi họ thành doanh nghiệp”.

Đồng tình với ông Hiếu, ông Lê Văn Nguyên, chủ hộ kinh doanh tranh thêu tay, cũng cho rằng, không được thực hiên mệnh lệnh tài chính bắt buộc hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, thay vào đó hãy để các hộ kinh doanh lựa chọn thời điểm thích hợp, “khi chúng tôi “đã có sự chuẩn bị về năng lực quản trị, kế toán và khai báo thuế”.

Bà Hằng cũng nhận định rằng, mọi phương án được đưa ra đều nhằm hỗ trợ những người khởi sự kinh doanh phát triển, làm ăn có lãi, tạo ra nhiều việc làm và có được mô hình kinh doanh phù hợp.


Nhiều hộ kinh doanh đã nhận thức được lợi ích khi chuyển đổi sang doanh nghiệp, nhưng phải cần thời gian

Cũng tại Hội thảo, nhiều hộ kinh doanh cá thể tham dự hội thảo đều đánh giá cao vai trò của VCCI trong việc tổ chức buổi hội thảo hôm nay để các hộ kinh doanh có cơ hội được nhìn một cách toàn diện về những thách thức đang đặt ra. “Trong thời gian tới VCCI nên tổ chức nhiều buổi làm việc sâu và riêng với Hiệp hội các làng nghề truyền thống để chúng tôi được cơ hội chia sẻ và tháo gỡ nhiều hơn nữa”, đại diện một nghệ nhân làm bông truyền thống tại Hà Nam kỳ vọng.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)