Kiến nghị giảm bớt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp

ĐKKD
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI báo cáo kết quả rà soát danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện Ảnh: Bùi Tư

Đó là nội dung được đưa ra trong hội thảo Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với WB tổ chức ngày 30/6 tại Hà Nội.

Điều kiện kinh doanh: "Giảm 10, tăng 7..."

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, dự án khảo sát ĐKKD được Chính phủ triển khai mạnh mẽ trong hơn một năm trở lại đây, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ. Đến thời điểm này, một số thủ tục cấp phép đã rút ngắn từ 30 ngày còn 5 ngày, đây là tín hiệu đáng mừng.

Ông Tuấn cũng công bố kết quả khảo sát rà soát danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của VCCI trên cơ sở rà soát 243 danh mục nghề, trong đó lựa chọn 3 lĩnh vực khảo sát là: Công thương, giao thông vận tải, khoa học công nghệ. Kết quả đã phát hiện 16 ngành nghề được xác định là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không phù hợp, 10 ngành nghề cần điều chỉnh phạm vi kiểm soát.

Kết quả cũng phát hiện một số ngành nghề có thể thay ĐKKD bằng biện pháp khác; một số ngành nghề không có đặc thù quản lý hoặc có phạm vi quản lý quá mức cần thiết. Một số ngành không rõ có phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh hay không.

Ông Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, việc rà soát cần tiếp tục vì trên thực tế, nhiều ĐKKD không chỉ nằm ở thông tư mà còn ở nghị định và luật.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo đều cho rằng, ĐKKD ở Việt Nam là câu chuyện kéo dài, đã được bàn luận nhiều năm nay nhưng thủ tục liên quan đến DN vẫn chưa tạo thuận lợi. Ông Đặng Quang Vinh, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quản lý Nhà nước là cần thiết nhưng nếu quá mức và làm tăng chi phí cho DN thì lại không còn cần thiết nữa.

Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico nêu lên một số hạn chế: "Hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn nhưng có thể thấy với 10 điều kiện kinh doanh được giảm thì lại có 7 điều kiện kinh doanh khác tăng thêm. Tôi cho rằng, cần phải "dẹp" 1/3 số điều kiện kinh doanh này, bởi nếu không vẫn chỉ là cải cách thiếu đồng bộ, giảm một ít thì lại tăng một ít, thậm chí một số "đẻ ra" còn gây khó khăn, mệt mỏi nhiều hơn".

"Đối với nhiều ĐKKD, tất cả đối tượng liên quan không muốn bỏ, những người có lợi ích không muốn bỏ. Nhiều khi 1% DN phản đối sức nặng lại lớn hơn 99% còn lại", ông Đức nói.

Ngoài ĐKKD, DN còn phải đáp ứng một loạt các yêu cầu tương tự như yêu cầu về quy hoạch, về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về chất lượng, mà những tiêu chuẩn này quá cụ thể, quá chi tiết khiến DN gặp không ít khó khăn khi đăng ký kinh doanh.

“Phải chăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh làm cho DN Việt không lớn?” - ông Đức đặt câu hỏi.

Cơ quan quản lý và DN phải tin tưởng nhau

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đưa ra ý kiến, cơ quan quản lý nhà nước và DN phải tin tưởng nhau. DN hãy đặt mình vào vị trí của cơ quan nhà nước, nhìn thấy cơ quan nhà nước muốn gì, có những nguyên tắc quản lý gì, có những khó khăn gì. Bên cạnh đó, khi xây dựng chính sách liên quan đến DN, cơ quan nhà nước nên đặt mình vào vị trí của DN. Đây là hướng đi hợp tác hiệu quả.

Bà Loan cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện đại, các quy định của Nhà nước cũng cần thay đổi cho phù hợp với thời đại, thực tế. Bà Loan đưa ra dẫn chứng về Uber, Grab, là hai loại hình kinh doanh mới, Nhà nước không nên hạn chế hay cấm, mà nên giảm ĐKKD cho tắc xi truyền thống, để tắc xi truyền thống có thể cạnh tranh được với Uber, Grab. Hay những quy định về kho, bãi, hay diện tích của cơ sở sản xuất cũng không nhất thiết phải có đủ mới cấp giấy phép kinh doanh.

Đại diện của Bộ Tư pháp chia sẻ, tiêu chí thẩm định ĐKKD luôn phải bảo đảm tính hợp pháp. Do đó có nhiều quy định không thể sửa đổi vì vướng luật, bởi luật đã quy định rồi, muốn sửa thì phải sửa luật.

Nhiều ý kiến cho rằng để mặc thị trường tự điều tiết mà không cần ĐKKD. Nhưng cái khó là thị trường đã điều tiết được chưa, hay có vấn đề gì lại quy trách nhiệm cho cơ quan nhà nước. Vậy nên vấn đề ĐKKD và tự do kinh doanh cần phải nhìn ở hai chiều, DN cũng nên chia sẻ với cơ quan quản lý. DN muốn bỏ ĐKKD thì DN cũng phải khẳng định bản thân./.

Theo Bùi Tư(Thời báo tài chính)